Thống kê của UEFA, qua 36 trận đấu của vòng bảng, các đội bóng chỉ ghi được 69 bàn thắng, trung bình 1,92 bàn/trận. Đây là con số thấp nhất kể từ EURO 1968 (trung bình 1,4 bàn/trận). Trong số này, chỉ 5 bàn được ghi trong thời gian từ phút 1-15, 6 bàn được ghi từ phút 16-30. Tổng số bàn thắng của tốp 4 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất chỉ là 9 bàn, gồm Gareth Bale (3), Dimitry Payet (2), Ivan Perisic (2) và Ronaldo (2).
Những tín đồ túc cầu giáo thần tượng lối chơi tấn công ở châu Âu nhưng giờ cả thế giới đã không ngớt lời ca cẩm vì thực trạng trên. Theo giới phân tích chuyên môn, có nhiều lý do dẫn đến việc EURO 2016 khan hiếm bàn thắng. Đầu tiên là sự suy giảm phong độ của các chân sút khét tiếng châu Âu, như Thomas Muller (Đức), Harry Kane (Anh), Zlatan Ibrahimovic (Thụy Điển) hay Robert Lewandowski (Ba Lan) và thậm chí là cả Cristiano Ronaldo. Cả hai bàn thắng của Cristiano Ronaldo đều được ghi ở trận đấu giữa Bồ Đào Nha với Hungary tại lượt trận cuối. Hiệu suất 2 bàn/3 trận cũng không phải là con số thoả mãn được sự chờ đợi của người hâm mộ Bồ Đào Nha, đặc biệt khi chung bảng F với đội bóng này chỉ là Hungary, Áo và “bé hạt tiêu” Iceland.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc EURO 2016 khan hiếm số lượng bàn thắng có lẽ xuất phát nhiều hơn bởi quyết định tăng số lượng đội bóng tham dự từ 16 lên 24. Với 54 thành viên đủ tư cách tham dự EURO, tỉ lệ giành vé theo thể thức cũ là 30%. Con số này tăng lên 45%, tức gần một nửa, khi UEFA nâng số đội tham dự VCK EURO 2016 lên 24 đội. Mức độ cạnh tranh đã giảm xuống một chút, theo quan điểm của những người phản đối.
Tại VCK, tỉ lệ các đội giành vé đi tiếp theo thể thức mới của UEFA (16 đội) lên tới 66%. Ngoài 2 đội nhất, nhì mỗi bảng đấu, còn thêm 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất được quyền đi tiếp. Về lý thuyết, điều này dẫn đến việc có những đội không cần thắng bất kỳ trận nào tại vòng bảng cũng giành vé. Và trên thực tế, trường hợp trên đã xảy ra với đội tuyển Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo. Các đội bóng đã thi đấu chặt chẽ hơn, đặc biệt là các đội bóng nhỏ, nhằm hạn chế tối đa khả năng bị thua, thay vì hướng tới 1 trận thắng.
Michel Platini có thể phẩy tay trước các ý kiến phản đối về kế hoạch tăng số lượng đội bóng ở EURO 2016. Người ta biết rằng đằng sau lời giải thích muốn tạo thêm cơ hội cho các đội bóng tầm trung, UEFA và Platini đang hướng tới tối đa hoá lợi nhuận thu được từ EURO. Nhưng với mức độ cạnh tranh có xu hướng giảm sút, UEFA về lâu dài có thể sẽ phải đối diện với bài toán duy trì sức hút của giải đấu danh giá nhất lục địa già.
Hãy nhìn EURO 2016, các quan chức UEFA hẳn phải cảm ơn những đội bóng nhỏ như Iceland, với chiến tích vượt qua các ông lớn để giành quyền đi tiếp. Vòng đấu bảng EURO 2016 có thể đã kém lãng mạn đi rất nhiều nếu thiếu những câu chuyện cổ tích như của đội bóng “bé hạt tiêu” xứ băng đảo.