EU lục đục, Trung Quốc hưởng lợi

Thủ tướng Ý Giuseppe Cont đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm vào tuần trước. (Ảnh: CNN)
Thủ tướng Ý Giuseppe Cont đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm vào tuần trước. (Ảnh: CNN)
TPO - Một cựu bộ trưởng của Bồ Đào Nha tại EU cảnh báo rằng một số quốc gia châu Âu đang sử dụng Trung Quốc làm đòn bẩy để chống lại nhau.

Tuần trước, các lãnh đạo EU ngồi với nhau để nói về một cuộc gặp thượng đỉnh nhằm thảo luận về Trung Quốc – có lẽ là thách thức ngoại giao và kinh tế bên ngoài lớn nhất mà khối này đang phải đối mặt. Nhưng thay vào đó, họ lại nói về Brexit.

Các nhà làm luật Anh đã dành 33 tháng qua đề giải quyết mớ bòng bong Brexit. Các lãnh đạo EU cực kỳ cần chính sách thống nhất trong rất nhiều vấn đề, nhưng luôn bị chệch hướng khi một quốc gia thành viên, ít nhất là trên lý thuyết, không muốn tham gia.

Tháng tới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ đến Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo châu Âu, trước khi ông sang Croatia gặp đại diện một tổ chức gồm 16 quốc gia trung và đông Âu, điều mà nhiều người lo là sẽ càng khiến EU bị chia rẽ hơn.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Mỹ, với kim ngạch hai chiều đạt trung bình hơn 1 tỷ USD mỗi ngày. Vạch ra một chính sách chung về cách ứng xử với Bắc Kinh là một vấn đề chìa khóa đối với Brussels, và cũng là vấn đề EU đang phải bàn nhiều.

Đến nay đã xuất hiện những bất đồng đáng kể trong nội bộ khối về việc phải tìm ra sự cân bằng, trong bối cảnh một số thành viên, đặc biệt là Đức, ngày càng khắt khe hơn với Bắc Kinh về cả an ninh lẫn kinh tế, nhưng một số nước khác rất háo hức với đầu tư từ Trung Quốc.

Việc Ý trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký nhiều văn kiện để tham gia vào sáng kiến Vành đai Con đường từ cuối tuần qua đã trở thành thắng lợi kinh tế với Bắc Kinh, nhưng lại khoét một rãnh sâu vào EU trong những vấn đề chìa khóa sau này, bà Lucrezia Poggetti, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin (MERICS), đánh giá.

“Trung Quốc rất muốn quan hệ với các quốc gia riêng rẽ trong EU, thay vì với tư cách cả khối. Trong các quan hệ song phương, Trung Quốc có cơ lớn hơn vì sức mạnh kinh tế của họ lớn hơn từng quốc gia thành viên EU”, bà Poggetti nói.

Nhà nghiên cứu này nhắc đến chuyện Hy Lạp và Hungary, hai đồng minh của Trung Quốc ở châu lục, đã mềm giọng khi nói về những hành động hung hăng của Bắc Kinh trên vùng biển Đông tranh chấp, và việc Athens năm 2017 đã can thiệp để ngăn EU ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền.

“Trong cả hai trường hợp, Hy Lạp sợ gây thất vọng cho Trung Quốc và sợ không nhận được những cơ hội kinh tế như Bắc Kinh đã hứa, nên họ chọn cách khước từ EU. Hungary công khai hơn trong chuyện xích lại gần Trung Quốc về chính trị”, bà Poggetti nói.

Tại một cuộc gặp ở Brussels trong tháng này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh “ủng hộ mạnh mẽ tiến trình hội nhập châu Âu, ủng hộ mạnh mẽ EU đoàn kết và trở nên vững mạnh hơn, và ủng hộ mạnh mẽ châu Âu đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề quốc tế”.

Dù thực tế là Bắc Kinh có quan hệ gần gũi về lịch sử với một số quốc gia châu Âu (cũng như quan hệ yếu hơn với những nước từng xâm chiếm và thuộc địa hóa Trung Quốc), nhưng việc một số thành viên EU gần đây xích thêm về phía Trung Quốc đã gây ra nhiều cãi vã trong khối.

Trong một bài viết vừa đăng, ông Bruno Macaes, một cựu bộ trưởng của Bồ Đào Nha tại EU, cảnh báo rằng một số quốc gia châu Âu đang sử dụng Trung Quốc làm đòn bẩy để chống lại nhau, và đang tận dụng sự chia rẽ cũ mới vì lợi ích của riêng họ.

“Vấn đề là EU không có cơ chế hiệu quả để quản lý xung đột nghiêm trọng giữa các quốc gia thành viên, khiến các nước EU dựa vào nhân tố bên ngoài để thay đổi hiện trạng vì lợi ích của họ”, ông viết.

Trong khi thái độ thù địch đối với toàn bộ dự án EU đang lan ra, ảnh hưởng đến không chỉ Anh mà cả Ý, Hungary và các quốc gia thành viên khác, cơ hội cho Trung Quốc tìm thấy các đối tác mới đang tăng lên.

“Điều đó giúp Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc khoét rãnh giữa EU và các chính phủ hoài nghi châu Âu”, bà Poggetti nói.

Chuyên gia này cho rằng EU cần chuẩn bị đối phó với phản đối từ Ý – một thành viên có nhiều ảnh hưởng, là một quốc gia sáng lập của khối và là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro – trong nỗ lực tìm ra chính sách chung của EU với Trung Quốc.

Brexit có lẽ là cái rãnh rõ ràng nhất của xu hướng hoài nghi châu Âu. Các chính trị gia của cả EU và Anh đều cảnh báo Anh sau khi “ly hôn” sẽ trở thành đối thủ chứ không phải đồng minh của EU, và vấn đề đầu tư thương mại với Trung Quốc sẽ là lĩnh vực cạnh tranh chủ chốt.

Một nước Anh sau khi tách ra và ký các thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc cũng có thể khuyến khích các quốc gia EU khác tự tìm con đường riêng của mình.

Ông Jonathan Sullivan, một chuyên gia về Trung Quốc tại ĐH Nottingham, nói rằng sức mạnh của EU trong thương mại quốc tế và quan hệ đối ngoại nằm ở sự đồng thuận.

Vì thế, “nếu bất kỳ quốc gia nào muốn xâm nhập bất kỳ lĩnh vực nào ở châu Âu, cố gắng làm trầm trọng hơn tình trạng mất đoàn kết hay ‘kéo các nước thành viên ra’ để thúc đẩy quan hệ với riêng họ thì đúng là một chiến lược quyền lực”, ông nói.

Chuyên gia này nói rằng Trung Quốc vấp phải nhiều khó khăn khi xử lý quan  hệ với EU vì một số lý do, nên Bắc Kinh có “động lực mạnh mẽ để cố làm suy yếu năng lực hành động phối hợp và thống nhất của EU”, ông nói.

Sức ép bên ngoài

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không phải cường quốc duy nhất muốn gây mất đoàn kết trong EU. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng chìa củ cà rốt ngoại giao và kinh tế tới các nước châu Âu sẵn sàng xa rời Brussels trong những lĩnh vực bất đồng với Washington, như thỏa thuận hạt nhân Iran.

“Ông Trump từng thử cách này, đánh vào Đức về quốc phòng, treo giải thưởng chính trị với Ba Lan và Anh, khen ngợi liên minh cầm quyền ở Ý. Nga là người điều phối lâu đời nhưng không khéo. Trung Quốc biết cách nên tham gia như thế nào”, ông Macaes nói.

Giải quyết thách thức này sẽ cần đến một thứ vốn rất thiếu ở châu Âu trong những năm gần đây: sự đoàn kết.

Nhưng khi sức ép bên ngoài khiến EU càng chia rẽ hơn, các nhà phân tích cho rằng điều này có thể khiến liên minh này đoàn kết hơn, nêu các quốc gia thành viên bắt đầu nhận ra chi phí mà họ phải trả khi quan hệ riêng rẽ với một nước lớn như Trung Quốc, để từ đó quay lại mục tiêu ban đầu của các chính sách chung của khối.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG