'Em chưa 18' hay mình đã già?

'Em chưa 18' hay mình đã già?
TP - “Em chưa 18” giành “Bông sen vàng” của hạng mục Phim truyện xuất sắc khiến đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng phải ngỡ ngàng: “Tôi rất bất ngờ về giải thưởng”. Anh cho rằng đây là tín hiệu xóa nhòa ranh giới giữa phim nhà nước với phim tư nhân, hay phim nghệ thuật với phim thương mại. Ấy là đạo diễn nghĩ thế. Còn khán giả có nghĩ như anh không lại là câu chuyện khác. 

Một vài bình luận của họ xung quanh “Bông sen vàng” dành cho “Em chưa 18”: “Chả hiểu nổi. “Em chưa 18” mang tính giải trí, vui vui mà đoạt giải “Bông sen vàng”. “Cha cõng con” ý nghĩa thế mà “Bông sen bạc”. Chắc mình đã già…”. Không ít người chung ý nghĩ: “Hay mình đã già” khi không nhận thấy sự xuất sắc của “Em chưa 18”. Nhưng cũng có người bênh: “Thời đại của giải trí nên phim giải trí lên ngôi”; “Thị trường và xu hướng đã quyết định giải thưởng” v.v… Tức là trong tâm thức của khán giả vẫn còn ranh giới phim giải trí và phim nghệ thuật, chứ một “Bông sen vàng” chưa đủ họ quên đi sự phân định ấy. Chuyện này cũng chẳng có gì lạ. Còn nhớ năm 2004, khi bộ phim “Những cô gái chân dài” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) được trao “Bông sen bạc” đã khiến dư luận nhao lên phản đối. Thậm chí có người viết cho rằng, trao giải bạc cho một bộ phim mang tính giải trí, thiếu sự chăm chút về hình ảnh và nghệ thuật, thể hiện sự lúng túng đến mức đáng thương của điện ảnh Việt. Chẳng lẽ bây giờ điện ảnh Việt lại lúng túng và đáng thương trở lại?!

Dư luận mang “Em chưa 18” lên cân với “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư”, thái độ nhiều chiều. Một bộ phận thích dòng phim giải trí thì cho rằng “Em chưa 18” lên ngôi là đúng. Phim làm ra không để giải trí thì… để làm gì? Họ lí luận vậy. Còn những người cho rằng nhất định những “bông sen” cao quí chỉ nên trao cho dòng phim nghệ thuật cũng có lí lẽ riêng: “Giải thưởng điện ảnh phải là nơi định hướng thẩm mỹ của công chúng. Đám đông công chúng thích xem phim giải trí là chuyện thường nhưng các nhà chuyên môn phải đánh giá đúng mức giá trị của những phim có ý nghĩa xã hội, Hollywood phân định phim bom tấn ăn khách với phim nghệ thuật rất rõ ràng”. Người ta thắc mắc: “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư” có danh có phận ở một số LHP quốc tế mà về Việt Nam lại lép vế, là sao? Thực ra, mỗi LHP đều có ban giám khảo riêng, tiêu chí riêng, việc đoạt giải ở liên hoan này lại tụt hạng hoặc trắng tay ở liên hoan khác cũng là chuyện thường. Vấn đề ở đây là quan niệm thế nào là phim nghệ thuật? Phim càng khiến ít người đến rạp càng chứng tỏ độ nghệ thuật cao hay có lí do khác? Liệu trao giải cho “Đảo của dân ngụ cư” chẳng hạn, dư luận có bớt ì xèo hơn không? Còn nếu trao giải cho phim thiên về giải trí vui vẻ, nhiều “mùi tây” như “Em chưa 18” thì làm sao đảm bảo tiêu chí thường xuyên có trong những giải thưởng văn học nghệ thuật chính qui: Tôn vinh những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc?

LHP Việt Nam lần thứ 20 là sự lên ngôi của phim tư nhân. Có người nói: Vì LHP vắng bóng phim nhà nước, khiến cho LHP thiếu đi sự đa sắc. Riêng về điều này, có lẽ không cần nghĩ vậy. Phim tư nhân hay phim nhà nước đều là những “món ăn tinh thần” đãi khán giả, cứ “ngon” là được. Song ngẫm đi nghĩ lại, cả một nền điện ảnh vinh danh một bộ phim bắt đầu với tình tiết: Một gã tay chơi già dặn “lên giường” với cô nữ sinh chưa tròn 18, thì cũng thấy ngượng thế nào. Ưu đãi đời sống của giới trẻ “con nhà giàu”, khen ngợi phim đoạt doanh thu phòng vé cao,  cũng nên “liều lượng” thôi chứ nhỉ?

MỚI - NÓNG