Đường về nhà

Đường về nhà
TP - Phong trào giải phóng của người Palestine là một trong những cuộc đấu tranh giành ít thắng lợi nhất trên thế giới kể từ sau Thế giới I. Liên Hợp Quốc (LHQ) mới có 57 thành viên vào thời gian tổ chức này phân chia lãnh thổ Palestine. Đến nay, LHQ đã có 193 thành viên, nhưng Palestine vẫn chưa nằm trong số đó.

> 638 người chết vì bạo lực tại Ai Cập
> Cận cảnh người biểu tình Ai Cập hất tung xe bọc thép

Một gia đình Palestine đứng trên nền ngôi nhà của họ ở khu dân cư Beit Hanina bị chính quyền Israel đập nát tháng 7/2009. Ảnh: Truth News
Một gia đình Palestine đứng trên nền ngôi nhà của họ ở khu dân cư Beit Hanina bị chính quyền Israel đập nát tháng 7/2009. Ảnh: Truth News.

Sau Thế chiến I, Palestine (nằm giữa biển Địa Trung Hải và sông Jordan) thuộc sự bảo hộ của Vương quốc Anh theo ủy thác năm 1922 của Hội Quốc liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc). Năm 1917, với Tuyên bố Balfour, Anh bắt đầu kế hoạch đưa người Do Thái về Palestine. Lịch sử của người Palestine thay đổi từ đây.

Mua bán đất trái phép

Sau thời gian bị ly tán, người Do Thái trở về Palestine với quan điểm là để lấy lại vùng đất của cha ông. Phong trào của người Do Thái ngay từ ban đầu đã bị nhìn nhận là nhằm cướp đoạt hoàn toàn đất đai của cộng đồng người Ảrập bản địa để Israel có thể trở thành một quốc gia càng rộng càng tốt. Quỹ quốc gia Do Thái mua đất và được quản lý dưới danh nghĩa của người Do Thái, không được phép bán hay cho người Ảrập thuê.

Theo nhiều nhà sử học, cộng đồng người Ảrập ngày càng nhận rõ ý định của người Do Thái, nên kịch liệt phản đối người Do Thái di cư đến và mua đất vì điều đó gây ra mối đe dọa thực sự cho sự tồn tại của xã hội Ảrập ở Palestine. Do đó, toàn bộ kế hoạch của người Do Thái không bao giờ trở thành hiện thực nếu không có sự hậu thuẫn bằng quân đội của Anh.

Người Do Thái bị người Palestine coi là mang theo tư tưởng thực dân, không đếm xỉa đến quyền lợi của người dân bản địa. Sự phản đối của người Ảrập đối với người Do Thái vì thế không phải dựa trên tư tưởng bài Do Thái, mà từ nỗi sợ hãi có lý do về việc bị tước đi nơi sinh sống.

Tại sao LHQ thông qua nghị quyết phân chia lãnh thổ Palestine (năm 1947)? Tác giả John Quigley trong cuốn Palestine and Israel: A Challenge to Justice giải thích: “Vào thời gian đó (tháng 11/1947), Mỹ nổi lên là nước ủng hộ quyết liệt việc chia lãnh thổ... Một số đại biểu tại LHQ cáo buộc quan chức Mỹ dùng cách “đe dọa ngoại giao”. Không có “áp lực khủng khiếp từ Mỹ” đối với “những chính phủ sợ bị Mỹ trả thù” thì bản nghị quyết “sẽ không bao giờ được thông qua”.

Edward Saidm, giáo sư văn học Anh và ngôn ngữ tại ĐH Columbia (Mỹ), viết trong cuốn The Question of Palestine: “Năm 1948, thời điểm Israel tuyên bố trở thành quốc gia, họ mới chỉ sở hữu hợp pháp chưa đến 6% diện tích đất ở Palestine... Sau năm 1940, chính quyền bảo hộ giới hạn quyền sở hữu của người Do Thái trong một số khu vực cụ thể ở Palestine, nhưng người Do Thái vẫn tiếp tục mua và bán đất trái phép trong vòng 65% tổng diện tích đất của người Ảrập.

Vì thế, khi kế hoạch chia lãnh thổ được tuyên bố năm 1947 thì có cả đất mà người Do Thái mua trái phép được gộp vào lãnh thổ của Israel như một sự đã rồi. Sau khi Israel tuyên bố thành lập nhà nước, luật pháp nước này công nhận hàng loạt khu vực đất đai rộng lớn của người Ảrập (còn chủ cũ của những khu đất ấy trở thành người tị nạn). Những vùng đất ấy bị tuyên bố là “vắng chủ” để ngăn ngừa chủ đất cũ quay về trong bất kỳ trường hợp nào”.

Năm 1947, LHQ thông qua nghị quyết phân chia Palestine thành hai phần, một dành cho người Do Thái và một cho người Ảrập, với khu vực Jerusalem - Bethlehem được LHQ bảo vệ và quản lý.

Nghị quyết này mô tả chi tiết đường biên giới giữa hai quốc gia và các kế hoạch cho một liên minh kinh tế giữa hai nhà nước nhằm bảo vệ các quyền tôn giáo và người thiểu số. Nghị quyết cũng chấm dứt sự bảo hộ của Anh. Lãnh đạo Do Thái chấp nhận kế hoạch phân chia nhưng phía Ảrập phản đối.

Một ngày trước khi vai trò bảo hộ của Anh chấm dứt, Israel tuyên bố độc lập trong biên giới quốc gia được xác định theo kế hoạch phân chia của LHQ. Sau khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1948, một số nước Ảrập tuyên bố chiến tranh chống Israel.

Chiến tranh 6 ngày

Trong cuộc chiến Ảrập - Israel năm 1948, khoảng 700.000 người Palestine phải bỏ nhà đi hoặc bị đuổi đi trong cuộc xung đột này. Sau cuộc chiến mà người Palestine gọi là thảm họa, hiệp định đình chiến năm 1949 thiết lập ranh giới giữa hai phe: Israel kiểm soát một số khu vực theo kế hoạch phân chia, Trans-Jordan kiểm soát Bờ Tây và Đông Jerusalem, Ai Cập kiểm soát Dải Gaza.

Chiến tranh 6 ngày nổ ra từ ngày 5 đến 10/6/1967, giúp Israel chiếm quyền kiểm soát Dải Gaza và bán đảo Sinai từ Ai Cập, Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan và cao nguyên Golan từ Syria. Kết quả cuộc chiến ảnh hưởng đến địa thế chính trị của khu vực này cho đến tận ngày nay. Lãnh thổ Israel rộng ra gấp ba, bao gồm cả một triệu người Ảrập từ đó bị đặt dưới quyền kiểm soát của Israel trong các lãnh thổ mới chiếm được.

Qua 4 cuộc chiến (1948 - 1949, 1956, 1967 và 1973), Israel chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ dành cho quốc gia Ảrập (tức Palestine), Đông Jerusalem, cao nguyên Golan của Syria, nam Li-băng và bán đảo Sinai của Ai Cập (đã được Israel trao trả).

Nhằm giải quyết vấn đề chiếm đóng của Israel, Nghị quyết 242 tháng 11/1967 và Nghị quyết 338 tháng 10/1973 của Hội đồng Bảo an LHQ được ban hành để yêu cầu Israel rút quân ra khỏi các lãnh thổ bị chiếm, chấm dứt tình trạng chiến tranh ở Trung Đông, bảo đảm sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ của tất cả các quốc gia trong khu vực, giải quyết vấn đề người tỵ nạn.

Tuy nhiên, hai nghị quyết này lại không đề cập quyền tự quyết của người dân Palestine. Năm 1975, Đại hội đồng LHQ mời Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO, được thành lập năm 1964) tham gia LHQ với tư cách quan sát viên. Ngày 15/11/1988, Nhà nước Palestine được tuyên bố thành lập nhưng chưa được LHQ công nhận.

Chiến thắng tại LHQ

Năm 1993, Hiệp định Oslo, thỏa thuận trực tiếp đầu tiên giữa Israel và PLO, được ký để tạo khuôn khổ cho quan hệ song phương trong tương lai. Hiệp định cũng kêu gọi lực lượng Israel rút khỏi một số khu vực ở Dải Gaza và Bờ Tây.

Việc thực thi hiệp định này vấp phải trở ngại nghiêm trọng sau vụ Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, người ký Hiệp định Oslo, bị ám sát vào tháng 11/1995. Sau đó, hàng loạt đề xuất và hội nghị thượng đỉnh về hòa bình nhằm đạt một giải pháp cho Israel và Palestine đều thất bại.

Năm 1994, Chính quyền quốc gia Palestine được thành lập theo Hiệp định Oslo, như một cơ cấu tạm thời, trong đó các cuộc đàm phán về vị thế cuối cùng giữa hai bên dự kiến sẽ diễn ra, nhưng thực tế thì chưa từng.

Các cuộc đàm phán, thương lượng của Palestine với Israel liên tục bế tắc, đặc biệt khi Israel liên tục cho xây các khu định cư trên lãnh thổ của người Palestine theo phân chia của LHQ.

Từ đó, Palestine thay đổi chiến thuật bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để trở thành thành viên chính thức của LHQ. Ngày 23/9/2011, tại trụ sở LHQ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức trình lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon lá đơn xin gia nhập LHQ với tư cách quốc gia thành viên đầy đủ. Tuy nhiên, Mỹ gây sức ép, dọa dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Ngày 29/11/2011, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua việc nâng cấp quy chế cho Palestine từ một thực thể quan sát thành một “nhà nước quan sát viên - phi thành viên” với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ và Israel.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG