Ðường vào Vườn Quốc gia Bạch Mã bao giờ tái thông tuyến?

0:00 / 0:00
0:00
Sạt lở chưa từng thấy trên tuyến đường núi lên đỉnh Bạch Mã
Sạt lở chưa từng thấy trên tuyến đường núi lên đỉnh Bạch Mã
TP - Kể từ trận mưa lịch sử xấp xỉ 1.000mm trút xuống núi rừng Bạch Mã hồi giữa tháng 10, tuyến đường độc đạo dẫn vào Vườn quốc gia Bạch Mã (TT-Huế) bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở đất nghiêm trọng. Việc xử lý khắc phục thông tuyến hiện gặp nhiều khó khăn, ách tắc tiếp tục kéo dài.

Theo báo cáo từ Vườn Quốc gia Bạch Mã, do ảnh hưởng của mưa lũ diện rộng kéo dài từ ngày 15-18/10, tại dãy núi Bạch Mã ghi nhận lượng mưa cực kỳ lớn, xấp xỉ 1.000 mm. Mưa đặc biệt lớn đã làm tuyến đường độc đạo dẫn lên đỉnh Bạch Mã bị sạt lở nghiêm trọng phần ta luy âm tại vị trí Km12+900 (hướng Quốc lộ 1 đi lên đỉnh Bạch Mã), cách văn phòng Vườn Quốc gia Bạch Mã khoảng 10km, cách đỉnh Bạch Mã 6km.

Đoạn đường bị sạt lở có chiều dài khoảng 55m, ăn sâu vào sườn núi hơn 50m. Vụ sạt lở đất đã phá hủy hoàn toàn kết cấu kè bê tông bảo vệ và bề mặt đoạn đường.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, thông tin: “Đây là vụ sạt lở được xem lớn nhất từ trước đến nay tại Bạch Mã. Sạt lở gây chia cắt toàn bộ tuyến đường nối từ chân núi lên đỉnh từ nhiều ngày nay và sẽ còn kéo dài. Vườn đã phát thông báo tạm dừng giao thông trên tuyến”.

Còn chia cắt nhiều tháng

Tuyến đường độc đạo dẫn lên đỉnh Bạch Mã từng trải qua nhiều giai đoạn đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các năm từ 1995 đến 1998, tuyến đường nối Quốc lộ 1 lên đỉnh Bạch Mã dài 19km được đầu tư nâng cấp, trên cơ sở các đoạn tuyến đường núi cũ do người Pháp xây dựng khi lên khám phá và tạo lập các khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp từ gần 100 năm trước.

Từ năm 2009 đến 2013, đường lên Bạch Mã tiếp tục được đầu tư, mở rộng lòng đường từ khẩu độ 3,5m lên 6m, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn giao thông, nhằm phục vụ công tác bảo vệ vườn quốc gia và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch nơi đây. Từ đó đến nay, trên tuyến tuy xảy ra một vài điểm sạt lở, hư hỏng do yếu tố thiên tai, mưa lũ nhưng không nghiêm trọng.

Ông Linh đánh giá: “Đây là sự cố bất khả kháng do thiên tai, gây mất ổn định và an toàn cho tuyến đường chuyên phục vụ bảo vệ rừng, cũng như phát triển du lịch sinh thái. Vị trí sạt lở nằm ở khu vực núi cao, có nhiều vực sâu nguy hiểm. Các điểm sạt lở cần được xử lý khẩn cấp và để tránh hư hỏng lây lan mặt đường gây tốn kém thêm ngân sách về sau.

Tuy nhiên, với kinh phí khắc phục lớn, nên Vườn không thể tự cân đối mà cần sự hỗ trợ từ ngân sách, khoảng 9 tỷ đồng”.

Với những gì diễn ra hiện nay và trong thời gian chờ đợi phê duyệt hỗ trợ kinh phí, thẩm định thủ tục đầu tư khắc phục sạt lở từ cấp có thẩm quyền, tuyến độc đạo lên Vườn Quốc gia Bạch Mã sẽ còn bị chia cắt, ách tắc kéo dài thêm nhiều tháng.

Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập năm 1991, với tổng diện tích 22.031ha, thuộc tỉnh TT-Huế. Ðến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã, với tổng diện tích là 37.487ha, nằm trên địa bàn hành chính hai tỉnh TT-Huế và Quảng Nam. Ngoài chức năng công viên quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học, nơi đây còn là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng.

MỚI - NÓNG