Đường tránh TP Vinh thành điểm nghẽn trên QL 1A

Tuyến đường tránh TP Vinh đã mãn tải
Tuyến đường tránh TP Vinh đã mãn tải
Tốc độ lưu thông chậm, tai nạn gia tăng đang diễn ra tại đường tránh TP Vinh (Nghệ An). Ngoài việc lưu lượng gia tăng, có nguyên nhân từ việc đoạn đường này hẹp hơn hẳn so với QL 1A. Trong khi đó, địa phương cho xây dựng quá nhiều dự án cạnh đường…

Nút thắt trên QL 1A

Được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2005, tuyến tránh TP Vinh đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tải cho QL1 đoạn qua TP Vinh (Nghệ An). Tuy nhiên, thời gian qua, trên tuyến đường dài 25,8km đi qua địa bàn hai huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên lại đang đối mặt với tình trạng TNGT gia tăng bất thường, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng.

Điển hình, vào 15h20 ngày 13/3, một vụ tai nạn xảy ra giữa hai xe tải chạy ngược chiều BKS 37C-252.39 và 38C-089.63 trên tuyến tránh TP Vinh qua địa phận huyện Hưng Nguyên khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ, một phụ nữ khác bị thương nặng, riêng tài xế hai chiếc xe tải mắc kẹt trong cabin. Tiếp đến, ngày 27/6, cũng trên tuyến này xảy ra một vụ TNGT khác khiến xe khách bị lật làm 2 người chết, 7 người bị thương. Gần nhất, ngày 11/7, một vụ TNGT liên hoàn giữa 3 ôtô làm 1 người chết và 2 người bị thương.

Từ đầu năm đến trung tuần tháng 8/2018, tuyến đường xảy ra 60 vụ va chạm, TNGT, gấp 4 lần so với cả năm 2017 (15 vụ). Số liệu của Phòng CSGT Nghệ An cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, trên đường tránh Vinh đã xảy ra 11 vụ TNGT, làm 11 người chết, 21 người bị thương, tăng 7 vụ, tăng 9 người chết và tăng 19 người bị thương so với cùng kỳ năm 2017.

Theo thống kê của Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh, kể từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng xe trên tuyến tránh Vinh liên tục tăng đột biến qua các năm. Cụ thể, năm 2006 là 1.753.751 lượt xe (khoảng 4.804 lượt xe/ngày đêm), năm 2014 là 3.843.723 lượt xe (khoảng 10.530 lượt xe/ngày đêm), đến năm 2017 tăng lên 5.889.711 lượt xe (khoảng 16.136 lượt xe/ngày đêm).

Trực tiếp có mặt trên đường tránh Vinh vào cuối tuần qua cho thấy, tuyến đường đang khai thác với quy mô hai làn xe, mặt đường khá êm thuận, bề rộng khoảng 11m, nhưng lúc nào cũng ken đặc phương tiện, nhiều nhất là xe khách, container và xe tải. Dọc hai bên tuyến, các khu công nghiệp, nhà xưởng xen kẹp với nhà ở của người dân được xây dựng san sát kéo dài suốt từ điểm đầu giao cắt với QL1 đến cầu Bến Thủy 2. Đặc biệt, tuyến đường chỉ dài hơn 25km nhưng có đến hàng chục điểm đấu nối chằng chịt từ hệ thống đường ngang, đường huyện, đường tỉnh vào tuyến tránh Vinh, những vị trí có nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao. Dù mật độ rất lớn, đường không có dải phân cách giữa, nhưng tình trạng các xe phóng nhanh, lạng lách, xe khách vượt ẩu chèn ép nhau trên tuyến đường này diễn ra phổ biến, chỉ cần tài xế nóng vội bẻ lái vượt trái là thần chết gọi tên bất cứ lúc nào.

Tỉnh đề nghị mở đường, làm giải phân cách cứng

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An cuối tháng 7/2017, ông Nguyễn Quế Sự, Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An khẳng định: "Ngoài yếu tố chủ quan, ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cùng với những tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng trên tuyến là những nguyên nhân đã gây nên các vụ TNGT nghiêm trọng trên tuyến tránh TP Vinh". Trên cơ sở đó, để đảm bảo ATGT, Sở GTVT Nghệ An đề xuất UBND tỉnh đề nghị Tổng cục Đường bộ đầu tư mở rộng mặt đường, đặt giải phân cách giữa phân làn đảm bảo ATGT.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, tuyến đường tránh Vinh được xây dựng với mục tiêu chính là giảm tải cho QL1 qua TP Vinh. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh quy hoạch đấu nối quá nhiều vào tuyến đường này, trong đó có những điểm đấu nối tạm thời. Đặc biệt, địa phương tập trung phát triển quá nhiều, lấp đầy các khu công nghiệp dọc tuyến khiến đường tránh Vinh đang trở thành đường đô thị, không còn là đường tránh nữa. Hơn nữa, ý thức của người tham gia giao thông còn kém cũng là nguyên nhân khiến TNGT gia tăng.

Trong khi chờ đợi chủ trương mở rộng tuyến đường này, trước mắt, ông Võ Nghệ Sỹ, Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh cho biết, đơn vị đã tiến hành lắp đặt hộ lan mềm ở những vị trí nền đường đắp cao từ 3 - 4m trở lên; lắp 28 biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ, biển cấm vượt tại những khu vực thường xuyên xảy ra TNGT… để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến tránh Vinh.

Hiện tại, hầu hết QL 1A từ Bắc đến Nam đã được nâng cấp lên quy mô 4 làn xe. Tuyến đường tranh TP Vinh thực chất thay thế công năng QL 1A (chỉ các xe cỡ nhỏ, xe khách, xe tải có nhu cầu vào nội thành mới vào TP Vinh). Vì vậy, việc đường tránh Vinh đang trở thành điểm nghẽn trên QL 1A, nếu không sớm giải quyết sẽ thành điểm đen về tai nạn giao thông.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.