Đường sắt tốc độ cao nối với Trung Quốc: Cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ có tốc độ khai thác tối thiểu 160km/h, chạy trên tuyến khổ 1.435 mm và sử dụng điện khí hóa. Nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đường này sẽ thu hút một lượng hàng hóa và hành khách lớn, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới.
Đường sắt tốc độ cao nối với Trung Quốc: Cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới ảnh 1
Tuyến đường sắt Đông Tây nối Việt Nam với Trung Quốc dự kiến đi qua 10 tỉnh, thành phố.

Tốc độ tối thiểu 160km/h

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến báo cáo giữa kỳ quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng - Quảng Ninh do liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (GTVT) và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được nghiên cứu lập quy hoạch toàn bộ các đoạn tuyến. Ga trên tuyến có điểm đầu là ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc), điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long) và các đoạn tuyến đi qua 10 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Theo đơn vị tư vấn, căn cứ dự báo nhu cầu, khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (kịch bản thiết kế tốc độ 350km/h) được đầu tư, để đồng bộ hai trục xương sống của ngành đường sắt, theo tính toán, khối lượng dự báo nhu cầu giai đoạn ngắn hạn của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh ước tính là 16 đôi/ngày, đêm đối với tàu khách; 7,28 triệu tấn/năm đối với khối lượng hàng hóa và 23,2 triệu tấn/năm với lượng hàng hóa quy đổi (cả hành khách và hàng hóa).

Với đặc điểm của vận tải hàng hóa và hành khách có khối lượng lớn, cùng tuyến vận tải liên vận quốc tế Việt - Trung, đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch tuyến khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Tuyến đường sắt được thiết kế làm đường đơn trong ngắn hạn và đường đôi trong dài hạn.

Đường sắt tốc độ cao nối với Trung Quốc: Cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới ảnh 2

Kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc tại Ga đường sắt quốc tế Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng

Trên toàn tuyến có 41 ga, trong đó 5 ga lập tàu chính gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Ga Lào Cai là ga lập tàu khách và lập tàu hàng suốt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tàu khu đoạn Lào Cai - Hà Nội là ga giao tiếp liên vận quốc tế với ga Hà Khẩu Bắc của đường sắt Trung Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, đơn vị tư vấn đề xuất toàn tuyến có 13 ga khai thác vận tải hỗn hợp hành khách và hàng hóa gồm: Lào Cai, Sơn Hải, Bảo Hà, Yên Hợp, Yên Bái, Hạ Hòa, Phú Thọ mới, Việt Trì mới, Vĩnh Phúc, Phúc Yên, Đông Anh, Yên Thường, Lạc Đạo, Bình Giang, Hải Dương Nam, Hải Phòng Nam. Có 1 ga khai thác vận tải hành khách là Hạ Long và 7 ga khai thác vận tải hàng hóa là Lập Thạch, Bình Xuyên, Thạch Lỗi, Nam Đình Vũ, Đình Vũ, Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và Cái Lân.

Đáng chú ý, để cạnh tranh với đường bộ cao tốc, liên danh tư vấn đề xuất vận tốc thiết kế ban đầu của tuyến đường sắt Đông Tây dự kiến là 160km/h. Trong tương lai có thể nâng tốc độ lên 200 km/h.

Về tổng mức đầu tư, theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt, hiện dự án ở mức khái toán nên chưa tính toán hết và việc bố trí nguồn vốn cũng chưa xác định. Tuy nhiên, trước đây, đơn vị tư vấn đưa ra trong khi tính toán lập quy hoạch tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng.

Sử dụng điện khí hóa

Lý giải về việc áp dụng công nghệ điện khí hóa cho tuyến đường sắt này, ông Đặng Anh Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (đại diện liên danh tư vấn) cho biết, hiện hầu hết tuyến đường sắt của Việt Nam đều sử dụng sức kéo diesel. Tuy nhiên, việc sử dụng diesel được đánh giá gây ra khí thải nguy hại vào môi trường trong khi đầu máy điện có thể tạo ra công suất kéo lớn hơn so với đầu máy diesel có cùng trọng lượng, đồng thời giúp tàu tăng tốc trong thời gian ngắn hơn.

“Hiện tại, các tuyến đường sắt của Trung Quốc đều sử dụng điện khí hóa xoay chiều một pha 25 kV, tần số công nghiệp 50 Hz. Việc sử dụng đầu kéo điện khí hóa giúp tương thích với đường sắt của phía Trung Quốc, giúp kết nối với tuyến Côn Minh - Hà Khẩu Bắc. Chưa kể các tuyến đường sắt trên thế giới, kể cả đường sắt tốc độ cao đều sử dụng điện khí hóa”, ông Hào cho hay.

Về việc áp dụng khổ ray 1.435 mm, theo đại diện tư vấn, thời gian qua, vận tải hàng hoá trên tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng liên tục giảm so với trước đây và chỉ đạt 40 - 60% năng lực, khó kết nối với tàu liên vận quốc tế. Nguyên nhân do khổ đường sắt của Việt Nam và Trung Quốc lệch nhau. Phía Trung Quốc rất hạn chế sử dụng khổ 1000mm. Do đó, để khắc phục những nhược điểm này bắt buộc tuyến đường sắt của Việt Nam cũng phải thay đổi.

Đáng chú ý, để cạnh tranh với đường bộ cao tốc, liên danh tư vấn đề xuất vận tốc thiết kế ban đầu của tuyến đường sắt Đông Tây dự kiến là 160km/h. Trong tương lai có thể nâng tốc độ lên 200 km/h.

Trong quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Đông Tây, liên danh đề xuất sẽ xây dựng trên trục mới với chiều tổng chiều dài hơn 441 km. Còn tuyến đường sắt hiện có khổ 1000mm từ Lào Cai - Hà Nội đến Hải Phòng được đề xuất nâng cấp cải tạo đảm nhận vận chuyển các mặt hàng rời truyền thống đến các địa phương dọc tuyến, tổ chức vận tải theo mô hình tuyến chuyên hàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt cho hay, tuyến đường sắt tốc độ cao Đông - Tây đang ở bước lập quy hoạch. Với sự hỗ trợ của Công ty HH Tập đoàn Viện thiết kế khảo sát số 5 đường sắt Trung Quốc, liên danh tư vấn trong nước đang hoàn thành báo cáo quy hoạch giữa kỳ. Dự kiến đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục khảo sát, thu thập số liệu bổ sung và chỉnh sửa để lập báo cáo cuối kỳ sau đó lấy ý kiến hội đồng thẩm định, các bộ, ngành chuyên gia và hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định phê duyệt.

Theo ông Cảnh, tuyến đường sắt tốc độ cao Đông Tây đi qua 10 tỉnh, thành phố, là một cấu thành quan trọng trong chiến lược “Hai hành lang một vành đai” của Việt Nam và sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc - Việt Nam nằm trong khuôn khổ của Khung hợp tác thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Đây cũng là cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt, đường bộ tại cửa khẩu Lào Cai. Với vị thế đó, nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đường quy hoạch này sẽ thu hút một lượng vận tải hàng hóa và hành khách lớn.

“Hiện, Cục đã thỏa thuận xong với các địa phương có dự án đi qua, chỉ còn vướng một chút liên quan đến đất quốc phòng tại Phú Thọ. Trong tháng 4, Cục sẽ báo cáo Bộ GTVT để ý kiến đơn vị liên quan”, ông Cảnh nói.

Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi Thường trực Chính phủ có ý kiến về việc ưu tiên chuẩn bị và khởi công tuyến đường trước năm 2030, Cục sẽ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

MỚI - NÓNG