Ðường sắt Cát Linh - Hà Ðông: Chưa thể khẳng định bao giờ tàu chạy

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông chưa rõ ngày nào đi vào hoạt động chính thức. Ảnh: Hồng Vĩnh
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông chưa rõ ngày nào đi vào hoạt động chính thức. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 2/10, khi được hỏi “bao giờ tàu tuyến Cát Linh - Hà Ðông” có thể chạy được, đại diện Bộ GTVT chỉ nói nguyên tắc, vướng mắc, chứ chưa đưa ra thời gian cụ thể về hoạt động của dự án trên.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay được thông báo không hoàn thành tiến độ. Tổng thầu cho rằng hoàn thành 100% nhưng Bộ GTVT không chấp nhận. Chính phủ, Bộ GTVT có cam kết gì với dân về việc “khi nào thì tàu chạy và bảo đảm an toàn không”?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Đến nay, dự án Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản xong phần xây lắp, thi công. Tồn tại lớn nhất là việc cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu chưa cung cấp hồ sơ đầy đủ. Trong khi về nguyên tắc phải chứng minh được các thiết bị đảm bảo an toàn, nếu không chứng nhận được an toàn hệ thống, sẽ không được vận hành. Bởi theo quy định, đánh giá xong hệ thống an toàn mới có thể chạy thử và tích hợp hệ thống bán vé tự động, điều độ đoàn tàu và cho đoàn tàu chạy thử nghiệm trong vòng 20 ngày, sau đó mới nghiệm thu và đưa vào khai thác chính thức.

Trước những tồn tại này, Bộ GTVT đã tích cực làm việc với Tổng thầu và thành phố Hà Nội để khắc phục. Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo về dự án này.

Liên quan đến việc Tỉnh ủy Sóc Trăng có quyết định chi gần 1 tỷ đồng để lắp đặt camera tại nhà các lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng tiền ngân sách, gây bức xúc dư luận. Vậy quan điểm của Chính phủ thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Theo quy định, tất cả mọi khoản chi tiêu phải theo luật ngân sách, định mức và quy chế chi tiêu. Trong quyết định của Văn phòng Trung ương Đảng thì việc chi lắp đặt camrera như ở Sóc Trăng không thuộc trong danh mục chi tiêu. Vì thế, Ban Thường vụ Sóc Trăng đã thống nhất rút lại quyết định và hoàn trả vào ngân sách tiền lắp đặt camera.

Lâu nay kỷ cương, kỷ luật trong việc chi tiêu ngân sách luôn có vấn đề. Do đó, nếu vụ việc ở Sóc Trăng chỉ rút kinh nghiệm và thu hồi lại tiền sẽ khó lập lại kỷ cương trong chi tiêu công?

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Việc dùng ngân sách Nhà nước để chi lắp đặt camera nhà riêng nhà lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ là không đúng với các quy định. Sau khi báo chí phản ánh thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã họp và hủy quyết định trên và thu hồi lại tiền cho ngân sách nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đã yêu cầu kiểm điểm và sẽ báo cáo các cơ quan Trung ương. “Chúng ta đang thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Đây cũng là việc cần gương mẫu thực hiện. Cho nên không chỉ rút kinh nghiệm mà phải kiểm điểm nghiêm túc”, ông Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ 9 người Việt Nam đi cùng chuyên cơ đoàn của Quốc hội thăm Hàn Quốc vào cuối năm 2018 bỏ trốn và đến nay mới có 2 người về nước. Hiện vụ việc đã được Bộ Công an xử lý, vậy quá trình điều tra, xử lý đến nay như thế nào?

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Vụ việc đã được Tổng thư ký Quốc hội, Bộ KH&ĐT công bố. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ để làm rõ, kết quả cụ thể như thế nào sẽ công bố sau.

Đề nghị đại diện Bộ Công an và Bộ KH&ĐT cho biết, vì sao không công khai danh tính những người bỏ trốn, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT đến đâu trong việc lựa chọn danh sách đi theo đoàn?

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Trung: Ở góc độ là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức đoàn doanh nghiệp, thì Bộ đã có thông tin đến báo chí về vụ việc. Theo đó, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là rất hợp lý, tạo điều kiện cho công tác hợp tác, đầu tư kinh doanh. Chúng tôi đã thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp đi theo đoàn, phối hợp các cơ quan liên quan của Bộ Công an thẩm tra nhân thân... Vụ việc vừa qua là sự việc hết sức đáng tiếc, nghiêm trọng. Chúng tôi thấy trách nhiệm trong ngành và đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, rà soát, siết chặt quy trình. Nếu phát hiện sai phạm của cán bộ trong việc lựa chọn doanh nghiệp thì sẽ xử lý theo quy định. Còn việc cung cấp danh tính, do phía Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành điều tra nên hiện chưa thể cung cấp được. Khi nào có đầy đủ thông tin và được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mức tăng trưởng GDP quý III là 7,31%, cao nhất trong 9 năm qua có “nóng” hay không? Thứ trưởng Bộ KH&ÐT Nguyễn Ðức Trung, cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng 7,31% trong quý III thì động lực tăng trưởng thể hiện rất rõ. Ông dẫn tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng 9,36%, riêng ngành chế biến - chế tạo tăng 11,37%, ngành dịch vụ tăng 6,85%. Ngoài ra, dù tình hình thế giới biến động, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt cao với mức 194 tỷ USD. Trong khi đó, tổng mức đầu tư toàn xã hội khu vực ngoài Nhà nước chiếm hơn 45%. Do đó, kết quả đưa ra là hoàn toàn phù hợp”, ông Trung nói.

MỚI - NÓNG