Đường kinh doanh thăng trầm của Parkson tại Việt Nam

Parkson Paragon (quận 7, TP HCM) vừa đóng cửa ngày 16/5, dừng hoạt động trước thời hạn 14 năm.
Parkson Paragon (quận 7, TP HCM) vừa đóng cửa ngày 16/5, dừng hoạt động trước thời hạn 14 năm.
Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2005 và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ cao cấp còn non trẻ, song từ năm 2011 trở đi, Parkson bắt đầu đối mặt với sự chệch choạc, khó khăn.

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) - Công ty đầu tư của Tập đoàn Lion (Malaysia), Parkson tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những siêu thị bán lẻ hàng hiệu đầu tiên xuất hiện tại thị trường này. Trong 5 năm tiếp theo, nhà bán lẻ này bứt phá mạnh mẽ vì thời điểm đó, hai đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội vẫn chưa có nhiều trung tâm thương mại cao cấp.

Đến năm 2012, tức sau 7 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Parkson có 8 trung tâm thương mại. 5 trung tâm thương mại Parkson sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark. 3 trung tâm còn lại Parkson thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T. Ngoài ra đơn vị này còn có một trung tâm thương mại tại Hải Phòng.

Năm 2013, Parkson công bố sẽ tiếp nhận 2 trung tâm thương mại nữa tại TP HCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (quận 2) và Parkson Leman (nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Trả lời phỏng vấn PV thời điểm này, CEO Parkson Việt Nam, Tham Tuck Choy cho biết: "Dù thị trường tăng trưởng chậm lại trong năm 2013 do kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn mở thêm khu mua sắm vì tin tưởng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai và vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư".

Thế nhưng, năm 2014 làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn. Đây là năm duy nhất trong suốt thời gian gia nhập thị trường Việt Nam, doanh nghiệp không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Từ đầu năm 2015 trở đi, khó khăn bắt đầu xuất hiện, đến nay nhà bán lẻ này đã lần lượt đóng cửa hai trung tâm thương mại tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam.

Cụ thể, tháng 1/2015, Công ty TNHH Parkson Việt Nam quyết định dừng hoạt động trung tâm thương mại tại Keangnam (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội), quy mô 6 tầng (bao gồm 2 tầng hầm). Lý do được Parkson Hà Nội đưa ra cho quyết định đóng cửa là kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.

Trước tình hình các quầy hàng trong trung tâm đang phải chịu những khoản lỗ lớn trong thời gian dài, Công ty TNHH Parkson Hà Nội đã cân nhắc kỹ lưỡng và ra quyết định đóng cửa. Thời điểm này, trong các báo cáo tài chính do Parkson Retail Asia (PRA) công bố - đơn vị sở hữu thương hiệu Parkson cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh số nghèo nàn tại Việt Nam và Malaysia.

Về thị trường Việt Nam, báo cáo nhận xét: "Môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn rất thách thức khi chi tiêu trong ngành bán lẻ còn yếu, và cạnh tranh khốc liệt khi ngày càng có nhiều đối thủ mới trên thị trường. Hệ quả là Parkson Việt Nam có tăng trưởng SSS âm 5% với khoản lỗ hoạt động cao".

Các cửa hàng Parkson tại Hà Nội đặc biệt bị ảnh hưởng do số mặt bằng bán lẻ ngày càng tăng khi môi trường trong ngành đang yếu đi. Parkson đã phải thực hiện nhiều biện pháp như đưa thêm hàng hóa giá tầm trung, thực hiện nhiều chiến dịch khuyến mại để tăng doanh số và giảm chi phí hoạt động thông qua đổi mới chính sách quản trị.

Mới đây, chiều 16/5/2016, Trung tâm thương mại Parkson Paragon (đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM) chính thức đóng cửa để di dời sau 5 năm hoạt động. Năm 2011, Parkson chính thức trở thành nhà quản lý trung tâm thương mại Saigon Paragon trong thời hạn 19 năm, từ đó đổi tên khu thương mại này thành Parkson Paragon. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, nhà bán lẻ này đã dời đi nơi khác.

Đường kinh doanh thăng trầm của Parkson tại Việt Nam ảnh 1

Kết quả kinh doanh từ năm 2011-2015 của Parkson Holding Berhard trên đà suy giảm. Ảnh chụp màn hình.

Công ty TNHH Thùy Dương, đơn vị quản lý trung tâm thương mại Parkson Paragon chỉ ra thông cáo chung về việc đóng cửa nhưng không giải thích rõ lý do. Tuy nhiên, dựa trên các báo cáo của Parkson Holdings Berhad, có thể nhận thấy nguyên nhân đến từ việc kinh doanh không hiệu quả.

Theo báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình 5 năm hoạt động của Parkson Holdings Berhad được đơn vị này công bố, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 đang đi xuống. Năm 2011 lợi nhuận sau thuế đạt hơn 600 triệu ringgit, năm 2012 ghi nhận 668 triệu ringgit nhưng 2 năm sau đó, lợi nhuận giảm dần từ 434,9 triệu xuống 239 triệu ringgit. Riêng năm 2015 (năm tài chính kết thúc ngày 30/6/2015) lợi nhuận sau thuế dừng ở con số khiêm tốn là trên 12 triệu ringgit.

Lợi nhuận thuần phân bổ về công ty mẹ của Parkson Holdings Berhad cũng sụt giảm. Năm 2011-2012 vẫn duy trì đà tăng, 348-380 triệu ringgit. Giai đoạn 2013-2014, lợi nhuận thuần phân bổ về công ty mẹ tụt xuống 238-138 triệu ringgit và đến cuối tháng 6/2015 chỉ đạt trên 46 triệu ringgit.

Dữ liệu tài chính 5 năm hoạt động được Parkson Holdings Berhad công bố cho thấy trong nửa thập niên qua, doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức khi lợi nhuận liên tục sụt giảm. Khoảng thời gian này trùng khớp với quá trình Parkson tham gia đầu tư và quản lý trung tâm thương mại Parkson Paragon từ năm 2011, đến năm 2016 phải dời đi trước thời hạn 14 năm.

Trong một diễn biến khác, mặt bằng thương mại của dự án căn hộ hạng sang Leman trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM do Công ty C.T Phương Nam làm chủ đầu tư trước đây cũng từng công bố đã đạt thỏa thuận cho Parkson mở trung tâm thương mại. Tuy nhiên đến tháng 4/2016 Parkson vẫn chưa có động thái xúc tiến khu thương mại này. Phía C.T Phương Nam tiết lộ do những khó khăn trong kinh doanh thời gian gần đây, Parkson sẽ không mở trung tâm thương mại cao cấp tại dự án như kế hoạch đã định.

Một chuyên gia bất động sản có 10 năm theo dõi thị trường bán lẻ nhận xét, ban đầu, Parkson chọn các trung tâm thương mại nằm ở khu vực CBD (Central Business District) thu hút đông khách mua sắm và khá thảnh thơi vì ít đối thủ cạnh tranh. Sau đó, thương hiệu này mở rộng ở các khu vực Non CBD (nằm ngoài khu trung tâm), cộng thêm kinh tế đi xuống, các hình thức thương mại mới xuất hiện và ngày càng lộ diện nhiều các đối thủ cạnh tranh đáng gờm là nguyên nhân chính dẫn đến sự chệch choạc của Parkson tại Việt Nam.

Chuyên gia này phân tích, bất cứ một nhà bán lẻ nào cũng lường trước những năm đầu gia nhập thị trường mới sẽ thua lỗ hoặc khó khăn vì quá khác biệt, sau đó mới dần hội nhập. Trường hợp của Parkson có phần ngược lại, giai đoạn đầu họ khá thành công vì mới mẻ nhưng càng về sau, các đối thủ mới gia nhập thị trường vẫn không ngừng tăng tốc khiến họ phải căng thêm sức gia nhập cuộc đua. 

Việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực. Song, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ chi phí ngày càng lớn và miếng bánh thị trường buộc phải chia năm xẻ bảy cho nhiều đối thủ mới hơn và đáng gờm hơn khiến nhà bán lẻ này đuối sức trong nửa thập niên qua.

"Thời điểm gia nhập thị trường rất quan trọng. Gia nhập sớm là một lợi thế nhưng cũng không loại trừ việc các đối thủ khác gia nhập đúng thời điểm hơn đã biến lợi thế của Parkson trở thành bình thường trong bối cảnh hiện nay", ông nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.