Hôm nay (6/9), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng về Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Bộ KH&ĐT lấy ý kiến các địa phương về Luật Đầu tư công sửa đổi. |
Về những khó khăn, bất cập trong triển khai đầu tư công thời gian qua, đại diện TP. Hà Nội chỉ rõ, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án. Nếu nội dung này được luật hoá, tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư công, vướng mắc sẽ được tháo gỡ.
Tuy nhiên, các đại diện TP. Hà Nội cho rằng Luật Đầu tư công hiện hành mới thực hiện khoảng 5 năm, cần đánh giá kỹ những tồn tại, nguyên nhân từ nhiều phía. “Việc phân cấp đã được thực hiện triệt để hay chưa, quyết định chủ trương đầu tư kéo dài cũng cần đánh giá kỹ, vì có thể gây thất thoát, tiêu cực”, đại diện TP. Hà Nội đặt vấn đề.
Địa phương khác như Tuyên Quang phản ánh, Sở KH&ĐT gặp một số khó khăn về nhân lực, thời gian… trong thẩm định chủ trương đầu tư, nhất là một số dự án chuyên sâu, chẳng hạn về công nghệ thông tin, đề nghị giao cho các sở chuyên ngành.
Ông Nông Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Cao Bằng - kiến nghị, ban soạn thảo nghiên cứu, đảm bảo sự thống nhất của Luật Đầu tư công (sửa đổi) với các luật có liên quan.
"Cao Bằng vừa trải qua đợt qua mưa lớn, nhiều nơi xảy ra sạt lở. Đến nay, sau 1 tháng chịu thiệt hại do mưa lớn, nhiều tuyến đường mới tạm thông, chứ chưa thể khắc phục hoàn toàn hư hỏng do trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp phải qua rất nhiều khâu", ông Trung cho hay,
Dự án đầu tư công khẩn cấp liên quan tới 3 luật, gồm: Luật Đầu tư công quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp; Luật Xây dựng quyết định xây dựng công trình khẩn cấp; Luật Phòng, chống thiên tai ban hành tình huống khẩn cấp. Dự án khẩn cấp nhưng quy trình, thủ tục quá nhiều bước, ông Trung đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu trong lần sửa luật này quy định chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm để rút ngắn thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. |
Từ ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu. Theo Thứ trưởng Phương, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ. Việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Quy định chồng chéo, chưa cụ thể, hoặc có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung cũng gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai… Một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần nghiên cứu để thể chế hóa tại luật.
“Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, yêu cầu cao về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh và cho biết nếu luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới, thì thời điểm có hiệu lực dự kiến vào ngày 1/1/2025, kịp để triển khai công việc của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Năm nhóm chính sách sửa đổi chính được Bộ KH&ĐT đề xuất trong dự thảo lần này, gồm: Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.