Đường đến đại học của phụ nữ lớn tuổi, lơ xe

Anh Trần Minh Thiên Đức - Ảnh: Thanh Vạn
Anh Trần Minh Thiên Đức - Ảnh: Thanh Vạn
Kiến thức không bao giờ “đóng cửa” với bất kỳ ai. Cho dù đó là một thí sinh tuổi 59 hay chàng lơ xe học lực yếu nhưng luôn khao khát ước mơ vào đại học.

59 tuổi và giấc mơ đại học

Với cô Đặng Thị Bích Liên (59 tuổi, TP.HCM), kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay là cả một khát vọng, chặng đường dài thử thách.

Năm nay, cô Liên dự thi ngành tiếng Pháp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em, mấy chục năm về trước, gia đình cô rất nghèo khó. Các chị em cô Liên mỗi người một việc, chia nhau ra đi làm kiếm tiền. Sau khi học xong phổ thông, do nghèo khó, cô Liên đành phải gác giấc mơ vào ĐH.

Vì có khả năng dạy tiếng Pháp nên cô đi dạy kèm, dạy thêm cho học sinh. Nhưng với lòng tự trọng của bản thân và cả với nghề nghiệp, cô muốn mình học thật sự, được xã hội công nhận và quan trọng hơn là chuẩn hóa kiến thức để có thể dạy học trò tốt nhất. Thế là năm nay, khi sắp bước vào tuổi 60, cô quyết định thi ĐH.

Cô chia sẻ một cách chân thành: “Nếu không có kiến thức thì có thể mang bất lợi cho mình, mang thảm họa cho người khác. Không thể cứ tự biên, tự diễn được mà phải qua một chương trình đào tạo bài bản”.

Được nghỉ làm từ ngày 27.6, cô Liên tập trung vào ôn bài. Tuy nhiên, cô cũng băn khoăn khi không biết rõ chương trình đào tạo hiện nay có quá khác để có thể trúng tuyển hay không. Lo lắng đến mức, cô từ chối gặp trực tiếp và chụp ảnh vì sợ ảnh hưởng đến việc ôn thi.

Từ lơ xe đến cử nhân triết học

Anh Trần Minh Thiên Đức (32 tuổi, Q.9, TP.HCM), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM không thể giấu được những giọt nước mắt khi kể lại hành trình bước vào cổng trường ĐH.

Ba của Đức bỏ đi từ khi anh còn nhỏ, mẹ bị bệnh tâm thần, gia đình cậu mợ phải cưu mang anh. Năm 1999, anh là học sinh của Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9, TP.HCM nhưng vì học lực yếu và không thể học nổi môn Anh văn nên phải ở lại lớp 2 năm, bị buộc thôi học. Sau đó anh tiếp tục học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Thủ Đức và tốt nghiệp năm 2002.

Tự ti, anh Đức không dự thi ĐH năm đó. Đến năm sau anh mới đăng ký thi, và không trúng tuyển. Với tâm trạng chán nản, anh Đức đi làm phụ xe chở hàng.

Anh Đức kể: “Chính vốn sống ấy cho mình quyết tâm thi lại ĐH. Vì mình nghĩ cần phải có kiến thức để đi làm. Hoặc dù không đi làm được thì bản thân mình cũng biết cái đúng, cái sai, biết sống và biết đối nhân xử thế”.

Thời gian trôi đi, nhiều biến động xảy ra trong cuộc sống. Bất ngờ vào một ngày tháng 3/2010, người yêu của anh lạnh lùng tuyên bố: “Anh chỉ là một thằng lơ xe, lấy tiền đâu lo cho tôi!”. Không thể chần chừ thêm nữa, anh  quyết đi luyện thi ĐH.

Suốt 3 tháng miệt mài, sáng đi học, trưa về lại phụ xe, cuối cùng anh đậu vào khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Suốt thời gian học ĐH, đến năm nay, khi chuẩn bị ra trường, anh vẫn làm việc cật lực để có tiền trang trải cho việc học hành của mình.

Theo Lê Cầm - Thanh Vạn

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.