Theo đó, vụ sạt lở đã làm một đoạn đường dài khoảng 50 m, ngang 4 m cùng cây cối đổ sụp xuống sông. Đồng thời, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Phúc Uyên (40 tuổi) ngụ tại số 40/16 ở ấp Phú Thạnh bị sụp đất trước nhà kể: “khoảng 4 giờ 30 phút sáng, bỗng nghe tiếng ầm. Lúc đó, tôi cùng nhiều người chạy ra thì toàn bộ con đường bê tông trước nhà đổ sụp xuống sông”.
Theo lời bà Uyên, đoạn đường này đã có dấu hiệu nứt hơn tháng nay, dù gia đình bà và các nhà xung quanh đã xây bờ kè để chống lở nhưng không có tác dụng.
Hiện trường vụ sụp đất. Ảnh: Kim Hà
“Hiện tại tôi rất lo lắng, đến giờ (15 giờ ngày 26/5) đất còn lở sâu vào đến sát tường rồi và đang có nguy cơ đổ sụp căn nhà xuống sông bất cứ lúc nào”, bà Uyên nói.
Bà Uyên cho biết thêm, gần 1 km đường nữa cũng đang có dấu hiệu nứt nẻ, có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.
Đây là con đường nằm ven sông, cũng là lối đi duy nhất của người dân nơi đây. Khi sụp đất đã cắt đứt giao thông. Vì thế, người dân đang tạm đi nhờ con đường thông qua kho vật liệu xây dựng của một cửa hàng vật liệu. Tuy nhiên, con đường này cũng đang có dấu hiệu sạt lở.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đoàn Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh nói: “Trước mắt, chúng tôi rào đoạn đường này lại để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, báo cáo lãnh đạo huyện có hướng xử lý và khắc phục giúp dân yên tâm”.