Việt Nam luôn nằm trong nhóm 10
Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 10 thị trường có đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới với chặng bay Hà Nội - TPHCM, theo thống kê của OAG.
Dù con số hơn 10,6 triệu ghế bán ra được cho là giảm 2% so với năm ngoái nhưng đường bay Hà Nội - TPHCM của Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới năm nay.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, chặng bay Hà Nội - TP HCM năm ngoái vận chuyển hơn 9 triệu khách, chiếm 22% lượng khách nội địa. Trung bình cứ 5 khách bay nội địa, thì sẽ có một khách bay trên chặng bay “vàng” này.
Hiện tại, 5 hãng bay trong nước gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines đều khai thác hằng ngày với tần suất cao trên đường bay Hà Nội - TPHCM.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông chặng Hà Nội - TPHCM dao động trung bình trong khoảng 4 - 5 triệu đồng/vé khứ hồi. Tuy nhiên, giá vé đang tăng trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ở mức 6,5 - 8 triệu đồng/vé khứ hồi.
Những chặng bay đông khách nhất thế giới
Theo CNN Travel, số chỗ ngồi được bán ra của chặng Hong Kong - Đài Bắc vượt xa vị trí đứng đầu năm ngoái là chặng Singapore - Kuala Lumpur (Malaysia), với 4,9 triệu chỗ được bán.
“6,78 triệu chỗ ngồi đã được bán ra và giúp chặng bay Hong Kong - Đài Bắc đứng đầu bảng xếp hạng chặng bay bận rộn nhất thế giới, ngang với mức trước đại dịch. Bởi năm 2019, chặng bay này cũng đứng đầu bảng xếp hạng”, CNN Travel viết.
Đứng thứ hai trong danh sách là chặng bay từ Cairo (Ai Cập) - Jeddah (Ả Rập Xê Út), với gần 5,5 triệu chỗ ngồi được bán.
Chặng bay từ sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc) đến sân bay Narita (Tokyo) và sân bay Kansai (Osaka, Nhật Bản) lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4.
Chặng bay từ Hong Kong tới Đài Bắc là chặng bay bận rộn nhất thế giới trong năm nay. Ảnh: Getty. |
Đường bay nối sân bay Changi của Singapore đến sân bay Kuala Lumpur (Jakarta, Indonesia) xếp vị trí thứ tám, còn đường bay nối sân bay Changi đến sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) chiếm vị trí thứ 9.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện của OAG cho biết, ngoài các chặng bay quốc tế thì năm nay có ba chặng bay nội địa hàng đầu toàn cầu đều nằm ở châu Á. Cụ thể là chặng bay từ sân bay quốc tế Jeju đến sân bay Gimpo (Seoul, Hàn Quốc), chặng bay từ sân bay Sapporo (Hokkaido) đến sân bay Haneda (Tokyo, Nhật Bản) và chặng bay từ sân bay Fukuoka đến sân bay Haneda ở xứ sở mặt trời mọc.
Đáng chú ý, chặng bay từ sân bay quốc tế Jeju đến sân bay Gimpo (Seoul) liên tục giữ vững ngôi vị là chặng bay nội địa bận rộn nhất thế giới, với 14,2 triệu ghế, tương đương bán ra gần 39.000 ghế mỗi ngày.
OAG cũng phân tích các chặng theo từng khu vực và nhận thấy sân bay Heathrow (London, Anh) thống trị các chặng bay châu Âu, với chặng bay từ sân bay quốc tế John F. Kennedy (New York, Mỹ) đến sân bay Heathrow chiếm vị trí hàng đầu.
Gây áp lực cho hành tinh?
OAG thông tin, mặc dù sự tăng trưởng của các chặng bay là tin tốt với ngành hàng không, nhưng lại là áp lực với hành tinh này. Bởi nghiên cứu của nhóm hành động vận tải hàng không chỉ ra, riêng năm 2022 ngành hàng không chiếm 2,1% lượng khí thải carbon do con người tạo ra trên toàn thế giới, và tổng cộng chiếm 3,5% lượng khí thải làm nóng hành tinh.
Trước đó, AP dẫn lời ông Paul Eremenko, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty hàng không sạch Universal Hydrogen rằng: “Hàng không là một trong số ít lĩnh vực có lượng khí thải tăng lên, thay vì giảm đi trong vài thập kỷ tới”.
Bài toán đặt ra cho ngành hàng không là làm thế nào để tìm được nguồn năng lượng xanh, thay thế cho nhiên liệu hóa thạch đang sử dụng hiện nay. Ảnh: Higfly. |
Để ứng phó với thực trạng nêu trên, mới đây trong khuôn khổ kỳ họp đặc biệt kỷ niệm 80 năm thành lập, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã cam kết đạt được mục tiêu phát thải carbon dioxide ròng bằng không vào năm 2050.
ICAO tham vọng biến ngành hàng không từ một tác nhân gây biến đổi khí hậu thành tiên phong trong lĩnh vực giao thông bền vững. Trước mắt, các quốc gia nhất trí sẽ giảm 5% lượng khí thải trong ngành hàng không vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo phân tích của CNN, trong nỗ lực “làm sạch bầu trời” thì bài toán đặt ra cho ngành hàng không là làm thế nào để tìm được nguồn năng lượng xanh giá rẻ (SAF), thay thế cho nhiên liệu hóa thạch đang sử dụng hiện nay.
Theo tính toán, ngành hàng không cần tới 450 tỷ lít nhiên liệu hàng không bền vững SAF vào năm 2050, cao gấp 750 lần sản lượng hiện có. Do đó, các vấn đề liên quan đến chính sách để tăng tốc sản xuất SAF, làm sao khách hàng chấp nhận giá vé máy bay đắt đỏ... là những thách thức phải hoá giải để đẩy nhanh tiến trình xanh hoá ngành hàng không thế giới...