Được vào vai giáo viên, em mới hiểu thầy cô vất vả thế nào!

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh thích thú, chững chạc khi được vào vai giáo viên
Học sinh thích thú, chững chạc khi được vào vai giáo viên
“Để chuẩn bị cho 1 tiết lên lớp em đã phải đầu tư hai ngày xây dựng giáo án, làm Power Point, phải tập đi tập lại nhiều lần bài giảng... Qủa thật, chỉ khi vào vai giáo viên em mới thấu hiểu được nổi vất vả của thầy cô”, Bành Vân Nghi, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM chia sẻ sau 1 ngày được trải nghiệm làm giáo viên.   

Ngày 24/3, Trường THPT Nguyễn Du tổ chức chương trình "Một ngày làm giáo viên" dành cho học sinh của trường.

Vân Nghi cho biết, em rất vui mừng được thầy cô cho mình vào vai giáo viên Lịch sử. Đây là môn học sở trường của Vân Nghi bởi em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. “Sân khấu hôm nay chính là lớp 11A5, nơi em đang học, còn học sinh không ai khác chính là các bạn học hàng ngày nên em cũng đỡ phần lo lắng”, Vân Nghi nói.

Để chuẩn bị cho bài giảng được tốt, Vân Nghi chọn cô bạn thân cùng lớp của mình là Trang Nguyễn Vy làm trợ giảng. Cặp đôi này chọn bài "Phong trào Cần vương" để lên lớp. “Chúng em phải mất hai ngày để xây dựng giáo án, làm Power Point, phải tập đi tập lại nhiều lần bài giảng. Vy còn đóng vai phản biện để chúng em hoàn thiện hơn bài giảng của mình”, Vân Nghi nói.  

Được vào vai giáo viên, em mới hiểu thầy cô vất vả thế nào! ảnh 1

Vy đang trang điểm cho cô bạn của mình là Vân Nghi trước giờ lên lớp

Còn theo Vy, ngay cả trang phục dùng để lên lớp  em cũng đầu tư rất kỹ. “Trang phục hôm nay em chọn đó là áo dài ngũ thân, đây là trang phục truyền thống của dân tộc và cũng trang phục thịnh hành dưới triều đại nhà Nguyễn… Vì tính chất môn học, ngoài truyền đạt kiến thức thì còn cả văn hóa, trang phục phù hợp, gắn liền với bài học sẽ giúp cho học sinh thêm hứng thú, dễ tiếp thu bài hơn”, Vy nói.  

Được vào vai giáo viên, em mới hiểu thầy cô vất vả thế nào! ảnh 2

Cặp đôi này chuẩn bị cho lần vào vai giáo viên của mình rất công phu từ bài giảng cho đến trang phục...

“Qủa thật, để soạn được một bài giảng là không hề đơn giản, qua trải nghiệm này, em mới thấu hiểu được vất vả của nghề giáo, từ đó thêm yêu quý thầy cô”, Vân Nghi chia sẻ.

Ở lớp 10A4, Ngọc Nhi, cô lớp trường thường ngày hôm nay cũng vào vai giáo viên môn Giáo dục công dân. Bài giảng hôm nay cô giáo Ngọc Nhi đứng lớp là bài “Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình”, một chủ đề khá hấp dẫn với cả lớp. 

Được vào vai giáo viên, em mới hiểu thầy cô vất vả thế nào! ảnh 3

Ngọc Nhi tự tin vào vai giáo viên

Trong bộ áo dài trắng, Ngọc Nhi thể hiện rất chững chạc, tự tin xưng cô- trò với với các bạn cùng lớp. Giáo án do Ngọc Nhi soạn cũng khá công phu khi bài học hoàn toàn sử dụng bằng máy chiếu, xen kẽ là các clip và câu hỏi vui nhộn khiến cả lớp lúc nào cũng vui vẻ…

Được vào vai giáo viên, em mới hiểu thầy cô vất vả thế nào! ảnh 4

Cả lớp vui vẻ chụp hình cùng "cô giáo" Ngọc Nhi (áo trắng) và hai cô giáo của mình

Sau vài tiết dự giờ học sinh của mình, cô Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng Tổ Địa lý, Trường THPT Nguyễn Du tỏ ra bất ngờ với cách thể hiện cũng như đầu tư bài giảng của các em học sinh. “Tối qua tôi còn nhắn tin hỏi các em chuẩn bị bài giảng đến đâu, sợ các em chuẩn bị không kịp, thiếu tự tin nhưng thật sự quá bất ngờ. Mặc dù có một số chi tiết chưa hợp lý, còn mơ hồ nhưng tổng quan, các em đã làm rất tốt, chuẩn bị cho bài giảng của mình rất chu đáo, thể hiện rất tự tin”, cô Mai nói.

Được vào vai giáo viên, em mới hiểu thầy cô vất vả thế nào! ảnh 5

Các em học sinh thể hiện rất tự tin, đầu tư bài giảng rất công phu khi được vào vài giáo viên....

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM cho biết, đây là lần thứ 5 nhà trường tổ chức chương trình “Một ngày làm giáo viên” để các em học sinh được trải nghiệm nghề giáo. Tất cả các lớp, các tổ bộ môn đều tham gia chương trình, thầy cô giáo sẽ là người chấm điểm cho các em và cuối ngày nhà trường sẽ tổng kết, trao giải. “Qua chương trình, chúng tôi nhận thấy nhiều em rất giỏi, có năng khiếu sư phạm, từ đó bồi dưỡng, định hướng cho các em. Đặc biệt, chương trình cũng là cơ hội để các em có cơ hội trải nghiệm nghề giáo, từ đó biết trân quý thầy cô nhiều hơn…”, ông Phú nói.

MỚI - NÓNG