Theo Yonhap, máy bay chở Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung, Thư ký Tổng thống Suh Ho và hàng tấn quýt Hàn Quốc đã cất cánh từ đảo Jeju sáng ngày 11/11 để lên đường đến Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi chọn quýt vì loại trái cây này đang vào mùa. Và đây cũng là một loại quả hiếm ở Triều Tiên”, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc – ông Kim Eui-kyeom nói, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều người Triều Tiên được nếm thử loại quả này.
Được biết, 200 tấn quýt sẽ được đóng gói trong 20.000 chiếc hộp, và được vận chuyển đến Triều Tiên trên 4 chuyến bay.
Máy bay Hàn Quốc chở quýt đến Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Trước đó, trong 12 năm từ 1999 đến 2010, Hàn Quốc thường xuyên gửi quýt đến Triều Tiên. Tuy nhiên, việc giao thương loại trái cây quý này đã tạm dừng vào năm 2010, sau khi Triều Tiên bị cáo buộc đánh đắm tàu chiến Hàn Quốc khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định lô hàng 200 tấn quýt không vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên, vì trái cây không nằm trong danh sách cấm, đồng thời đây cũng là món quà đáp lễ mà không có thỏa thuận gì kèm theo.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Seoul đã tham vấn Washington trước khi quyết định gửi quýt đến Triều Tiên.
Trước đó, hồi cuối tháng 9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi tặng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in 2 tấn nấm thông quý hiếm, nhân dịp nhà lãnh đạo Hàn Quốc đến thăm Bình Nhưỡng và dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3.
Món quà đặc biệt đã được chuyển đến Hàn Quốc trước khi ông Moon Jae-in trở về từ Triều Tiên.
Ông Moon sau đó thông báo sẽ phân phát số nấm này cho 4.000 người là thành viên của những gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Nấm thông quý do phía Triều Tiên gửi tặng Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Mới đây, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 7/11 ra thông báo cho biết mức độ phóng xạ trong 2 tấn nấm thông do nhà lãnh đạo Kim Jong-un tặng nằm trong tiêu chuẩn cho phép.
Cụ thể, số nấm thông này đáp ứng đủ tiêu chuẩn về hàm lượng phóng xạ đối với thực phẩm (0.034 μsv) và “thấp hơn nhiều” so với mức độ cho phép của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).