Được giải oan, gian nan đòi quyền lợi

Được giải oan, gian nan đòi quyền lợi
TP - Tháng 9 này, đã hơn 21 năm từ ngày xảy ra oan sai và hơn 7 năm được xin lỗi oan sai, cựu binh Nguyễn Xuân Phương ở phường 5 (TP Tân An, tỉnh Long An) vẫn chưa được giải quyết quyền lợi dù đã qua xem xét, quyết định của nhiều cơ quan từ tỉnh đến trung ương.

> Cựu chiến binh bị bắt oan sai được giải quyết chế độ
> Một đảng viên được Trung ương xóa kỷ luật khai trừ

Ông Nguyễn Xuân Phương ôm đơn đi đòi quyền lợi. ẢNH: SÁU NGHỆ
Ông Nguyễn Xuân Phương ôm đơn đi đòi quyền lợi. ẢNH: SÁU NGHỆ.

Vụ việc này, báo Tiền Phong từng bên cạnh ông Nguyễn Xuân Phương trong quá trình giải oan. Xin lược lại vài mốc thời gian. Tháng 7/1992, ông bị Công an tỉnh Long An bắt giam, một năm sau được thả. Ngày 9/8/2006, Viện KSND tỉnh Long An công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho ông những ngày bị giam. Ngày 6/5/2009, ông được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phục hồi đảng tịch.

Oan sai đã cởi, ông đi đòi quyền lợi (lương, bảo hiểm xã hội). Sau nhiều cuộc họp của nhiều cơ quan, ngày 5/7/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký quyết định “giải quyết truy trả lương và tính bảo hiểm xã hội đối với ông Nguyễn Xuân Phương”.

 Giải oan đã khó mà đòi quyền lợi để sinh sống sau khi giải oan còn khó hơn.

Ông Phương

Theo đó, “thời gian truy trả từ tháng 7/1992 và tính bảo hiểm xã hội từ tháng 12/1972 (thời điểm ông Phương tham gia công tác-PV) đến khi hoàn tất hồ sơ giải quyết chế độ”, việc lập hồ sơ thủ tục giải quyết giao cho “Sở GT&VT cùng các Sở ngành liên quan”. Hiện quyền lợi vẫn chưa đến với ông Phương.

Việc tính toán tiền lương rất phức tạp vì như công văn số 1989, ngày 5/6/2013, của Bộ LĐTB&XH: “Do vụ việc xảy ra đã lâu, trải qua thời gian dài, chính sách tiền lương và điều kiện kinh tế xã hội có nhiều thay đổi”. Qua nhiều lần tính toán của nhiều cơ quan với nhiều con số khác nhau, tháng 6/2013, Sở LĐ-TB&XH Long An đưa ra con số cuối cùng: tiền lương phải trả cho ông Phương gần 346 triệu đồng.

Nhưng lấy tiền ở đâu để trả? Lúc bị bắt, ông Phương là cán bộ của Cty Vận tải Tân An trực thuộc Sở GT&VT Long An. Sau khi giải oan, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, Sở GT&VT lập phương án truy trả lương cho ông Phương từ nguồn của Cty. Tuy nhiên, từ giữa năm 2004, Cty này đã được cổ phần hoá thành Cty Cổ phần Vận tải Long An, không còn trực thuộc Sở GT&VT nên không thực hiện phương án của Sở GT&VT.

Cuối năm 2012, ông Phương kiện Cty Cổ phần Vận tải Long An ra toà, yêu cầu trả lương cho ông (theo số tiền tính toán của các cơ quan chức năng lúc đó). Ngày 10/12/2012, TAND tỉnh Long An trả đơn kiện vì cho rằng “không đúng đối tượng khởi kiện”.

Ông Phương khiếu nại, TAND tỉnh Long An lại nhận đơn và ngày 9/4/2013, lại trả đơn kiện. Thông báo trả đơn kiện của TAND tỉnh Long An cho rằng, khi cổ phần hoá “không có phần nghĩa vụ đối với trường hợp giải quyết chế độ cho ông Nguyễn Xuân Phương. Do đó, Cty Cổ phần Vận tải Long An không có trách nhiệm đối với ông Phương”.

Ngày 11/7/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm ký công văn khẳng định “nguồn kinh phí chi trả từ nguồn của Cty Cổ phần Vận tải Long An”. Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải Long An, ông Nguyễn Văn Hồng, ngày 13/9/2013 trả lời: “Tại thời điểm cổ phần hoá doanh nghiệp, ông Phương không có tên trong danh sách CBCNV của Cty và Cty Cổ phần Vận tải Long An không ký bất kỳ một hợp đồng lao động nào để giao việc cho ông, kể cả hồ sơ lý lịch gốc của ông, Cty cũng không quản lý nên không trả lương cho ông Phương” .

Việc ký xác nhận thời gian công tác của ông Phương để tính bảo hiểm xã hội cũng nan giải. Ngày 10/9/2013, GĐ Sở GT&VT tỉnh Long An, ông Lưu Đình Khẩn ký công văn “đề nghị Cty xác nhận thời gian làm việc tại Cty cho ông Phương”. Giám đốc Cty Nguyễn Văn Hồng lại đề nghị Sở GT&VT tỉnh Long An xem xét việc đề nghị trên, mà không chịu ký xác nhận cho ông Phương. Ông Phương than thở: Giải oan đã khó mà đòi quyền lợi để sinh sống sau khi giải oan còn khó hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG