Được gia hạn hơn 66,7 nghìn tỷ, nhiều doanh nghiệp tỏ ra 'thờ ơ'?

Dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn
Dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn
TPO - Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 22/9/2020, có 128.619 doanh nghiệp (DN) nộp giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất, chỉ chiếm khoảng 30% số DN thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 41.

Gia hạn hơn 66,7 nghìn tỷ đồng, vẫn ít hơn dự kiến

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình báo cáo việc thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP (Nghị định 41) về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đề xuất điều chỉnh thời gian, bổ sung đối tượng gia hạn.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 22/9/2020, cơ quan thuế đã tiếp nhận gần 185.000 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Trong đó, có 128.619 doanh nghiệp (DN), chiếm khoảng 30% số DN thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 41. Số hộ, cá nhân kinh doanh có 56.268 giấy đề nghị, chiếm khoảng 53% số hộ, cá nhân kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh.

Thống kê của ngành Thuế, tính đến 22/9, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 66.713 tỷ đồng. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) được gia hạn xấp xỉ 32.000 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được gia hạn là 30.563 tỷ đồng; tiền thuê đất được gia hạn là xấp xỉ 3.400 tỷ đồng; thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn xấp xỉ 828 tỷ đồng.

Theo giải thích của Tổng cục Thuế, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thấp hơn dự kiến chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, dẫn đến không có nguồn thu và không có lợi nhuận nên nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (thuế GTGT, thuế TNDN) giảm hơn so với năm trước (số liệu dự kiến khi xây dựng chính sách khoảng 180.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh dẫn đến số lượng DN giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh tăng cao. Một bộ phận DN, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, số thuế phát sinh phải nộp không nhiều nên không nộp giấy đề nghị gia hạn.

Ngoài ra, đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, theo Tổng cục Thuế, đặc thù của các đối tượng này là nộp thuế khoán, số thuế phải nộp hàng tháng, hàng quý không nhiều. Hơn nữa, việc gia hạn nộp vào thời điểm 31/12/2020 sẽ dẫn đến số tiền bỏ ra một lúc lớn, vì vậy các hộ kinh doanh vẫn nộp thuế theo thời hạn quy định.

Bổ sung nhóm ngành báo chí, xuất bản được gia hạn 

Qua rà soát các nhóm đối tượng cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh thời gian gia hạn, bổ sung đối tượng gia hạn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin.

“Các ngành thuộc lĩnh vực này thực sự bị ảnh hưởng của dịch bệnh và đã tham gia trực tiếp trên tuyến đầu trong công tác nắm bắt thông tin dịch bệnh, tuyên tuyền các biện pháp, chính sách của nhà nước nhằm khống chế hiệu quả dịch bệnh“ Bộ Tài chính lý giải.

Các khoản thu được gia hạn gồm: Thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất như quy định tại Nghị định 41. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10, tháng 11/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý III/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý).

Bộ Tài chính cũng đề nghị gia hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý III năm 2020; Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ thứ hai năm 2020.

Đánh giá của Bộ Tài chính, với việc gia hạn 3 sắc thuế, khoản thu nêu trên thì dự kiến tổng số thuế được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng. Thời gian gia hạn đối với các kỳ tính thuế từ nay đến cuối năm 2020 ít nhất là được 1 tháng, nhiều nhất là được 2 tháng.

Trường hợp Chính phủ thống nhất chủ trương nêu trên, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép ban hành Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước đó, có ý kiến đề nghị kéo dài hơn nữa thời gian gia hạn sang năm 2021. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, xử lý theo phương án này sẽ làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội phê duyệt. Vì vậy, vượt thẩm quyền của Chính phủ và phải báo cáo Quốc hội.

Bộ Tài chính cho biết, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy thời gian tới sẽ theo dõi sát tình hình thực tế, tổng hợp các kiến nghị của cơ quan, tổ chức và DN để nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể.

Từ đó, đề xuất giải pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường (trong đó có chính sách gia hạn nộp thuế trong năm ngân sách 2021).

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.