Dùng súng đạn… ngăn chặn sự lây lan COVID-19

Nigeria sử dụng cảnh sát và quân đội phong tỏa, giới nghiêm để chống dịch
Nigeria sử dụng cảnh sát và quân đội phong tỏa, giới nghiêm để chống dịch
TP - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia tỏ ra quá căng thẳng, lo sợ. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp cứng rắn, thậm chí đến mức cực đoan như Nigeria, Philippines và Ấn Độ...  

Theo tin của Reuters ngày 16/4, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria ra thông báo cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phong tỏa đất nước để chống lại dịch bệnh COVID-19 trong hai tuần qua, lực lượng an ninh nước này đã giết chết 18 người là dân thường “vì không tuân theo lệnh giới nghiêm”, 33 người khác bị tra tấn, nhiều người bị thương trong các vụ việc. Con số người bị sát hại vì vi phạm lệnh giới nghiêm thậm chí vượt quá số người chết vì dịch bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nigeria, tính đến ngày 16/4, giờ địa phương, tại đất nước đông dân nhất châu Phi với 194 triệu người này mới ghi nhận tổng cộng 442 trường hợp bị nhiễm COVID-19 với 13 người tử vong. Bắt đầu từ ngày 30/3, để đối phó với đại dịch COVID-19, Nigeria bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa 14 ngày tại một số khu vực tập trung đông dân cư của nước này. Đến Chủ nhật tuần trước (12/4), lệnh cấm được kéo dài thêm hai tuần nữa và mở rộng ra nhiều vùng của đất nước.

Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria ngày 15/4 ra tuyên bố, từ ngày 30/3 đến ngày 13/4 đã xảy ra “8 vụ hành quyết ngoài pháp luật đã được ghi nhận, dẫn đến 18 người chết”. Tuyên bố viết, các nhân viên thực thi pháp luật đã giết chết 18 người này trong khi thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lệnh phong tỏa.

Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria chỉ trích: “Đây hoàn toàn là các hoạt động của nhân viên an ninh bất chấp hậu quả và coi thường mạng sống của con người” trong quá trình thực thi pháp luật. Tuyên bố nêu rõ, Cơ quan cải huấn Nigeria (Nigeria Correctional Service) đã giết chết 8 người, lực lượng cảnh sát Nigeria đã giết chết 7 người, quân đội Nigeria đã giết chết 2 người và Lực lượng đặc nhiệm bang Ebonyi (Ebonyi State Task Force) của Nigeria đã bắn chết 1.

Qua thông tin trên truyền thông, có thể thấy, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Nigeria đã rất cứng rắn. Hầu như những người dân vi phạm lệnh giới nghiêm phải đưa ra lựa chọn giữa “cái chết bởi virus” hoặc “chết vì súng đạn”. Chính quyền tin rằng, làm như thế, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt.

Tương tự như Nigeria, Philippines cũng đã đưa ra các biện pháp chống dịch rất cứng rắn, nhưng khi thực hiện, đã không “triệt để” như Nigeria. Theo tin của Reuters ngày 2/4, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc, nói rằng những người vi phạm các biện pháp cách ly phòng dịch “có thể bị bắn ngay”.

Tổng thống Duterte nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 1/4 rằng chính phủ Philippines hiện đang nỗ lực để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và người dân “phải hợp tác và tuân thủ các biện pháp cách ly”. Ông nói: “Tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn. Một lần nữa tôi nhấn mạnh sự nghiêm trọng của vấn đề và các bạn cần phải lắng nghe. Tôi đã yêu cầu cảnh sát và quân đội rằng… nếu có rắc rối và xảy ra trường hợp người dân chống lại và mạng sống của các bạn bị đe dọa, hãy bắn chết họ”.

Chỉ một ngày sau, hôm 2/4, một người đàn ông 63 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết tại một chốt kiểm tra COVID-19 ở thị trấn Nasipit, thuộc tỉnh miền Nam Agusan del Norte. Nguyên nhân được cảnh sát thông báo là khi được nhắc nhở vì không đeo khẩu trang, “ông ta đã đưa ra nhiều lời lẽ khiêu khích và cuối cùng lao vào tấn công nhân viên cảnh sát bằng một lưỡi hái”.

Ngày 1/4, theo dữ liệu từ Đại học Hopkins ở Mỹ, số người nhiễm bệnh ở Philippines là 2.311. Theo trang web worldometers.info ngày 18/4  số người nhiễm bệnh ở Philippines đã lên tới 5.878 với 387 người chết.

Dùng súng đạn… ngăn chặn sự lây lan COVID-19 ảnh 1 Cảnh sát Ấn Độ thẳng tay trừng phạt những người vi phạm lệnh cấm ra ngoài đường
Ấn Độ cũng là một “khu vực thảm họa nặng” tiềm tàng. Từ vấn đề vệ sinh kém và mật độ dân số cao của Ấn Độ, giới quan sát lo ngại một khi virus corona mới lan rộng ở Ấn Độ, đó sẽ là “thảm họa của cả nhân loại”.

Để ngăn chặn sự lây lan của virus, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngay từ ngày 24/3 đã ban hành “lệnh đóng cửa cả nước”, tuyên bố phong tỏa 21 ngày trên phạm vi toàn quốc, nói rằng hành động này là để tránh dịch bệnh COVID-19 “kéo Ấn Độ lui lại 21 năm”. 21 ngày đã vượt xa thời gian ủ bệnh trung bình của virus Corona mới (14 ngày). Động thái của Ấn Độ được coi là “mạnh tay”, nhưng sự “mạnh tay” vẫn còn ở phía sau.

Ngày 15/4, để ngăn chặn sự lây lan của virus hiệu quả hơn, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ gia hạn “lệnh đóng cửa” thêm 19 ngày nữa cho đến ngày 3/5. Động thái này đã gây nên bất bình trong một số người dân Ấn Độ. Để buộc dân chúng phải tuân thủ biện pháp cách ly, cảnh sát Ấn Độ đã mang gậy gỗ và roi tre ra phố, thấy người dân nào ra đường là vụt. Hành động này không gây tử vong, roi tre và gậy gỗ quất vào cơ thể rất đau, nó cũng có hiệu ứng âm thanh chói tai, có tác dụng răn đe rất mạnh đối với những người xung quanh. Đây thực sự là một biện pháp cứng rắn.

Tính đến ngày 17/4, số bệnh nhân COVID-19 được chẩn đoán ở Ấn Độ đã lên tới 14.352 trong khi ngày 8/4, con số này là 5.194, mức tăng lên tới khoảng một ngàn người mỗi ngày. Từ quan điểm tổng thể, có vẻ như dịch bệnh vẫn “có thể kiểm soát được”; nhưng theo báo cáo ngày 14/4 của các ông  Srinivas Gori, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tây Australia và K.S James, Giám đốc Viện Khoa học Dân số Quốc tế Ấn Độ, số người nhiễm bệnh thực tế của Ấn Độ có thể đã vượt quá 150.000.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.