Chỉ giảm đau tức thời
Chị Thu Hiền, ở Mỹ Đình, Hà Nội nghe người mách uống soda giúp giảm đau dạ dày nên chị đã dùng thử. Vài lần đầu, thấy tình trạng giảm thật, chị mừng ra mặt nên rất tích cực dùng. Mỗi lúc thấy đau, chị lại uống soda. Vì vậy, thứ nước này như vật bất ly thân của chị. Nhưng được một thời gian, chị Hiền lại thấy cơn đau nhiều hơn, kéo dài hơn. Đến khi tái khám, bác sỹ nghe chị kể về dung soda đã khuyên chị dừng ngay.
Soda là đồ uống ngọt có gas, chuyên dùng để giải khát và do có chứa nước và CO2, nên nó làm cho người ta có cảm giác như giảm cơn khát. Soda với thành phần chính là Bicarbonat natri - chất này có tác dụng tương tác với acid HCl (acid HCL có trong dịch vị dạ dày khiến cơn đau nặng thêm) tạo nên những loại muối không được hấp thu hoặc ít hấp thu. Kết quả là quá trình này làm tăng pH dạ dày, hạn chế khả năng hoạt động của pepsin. Hay nói cách khác, nó có thể làm trung hòa lượng acid trong dạ dày, dẫn tới làm dịu cơn đau dạ dày trong chốc lát. Chính vì thế nên khi mới dùng soda, người bị đau dạ dày sẽ thấy giảm cơn đau nên họ tưởng là chúng có ích.
Càng dùng nhiều càng nguy
Nhưng tính về lâu dài, soda mang lại lợi ích thì ít mà gây hại thì nhiều. Đó là bởi Bicarbonat natri có khuynh hướng gây nhiễm kiềm toàn thân. Chất này cũng chứa nhiều natri (gây ra hội chứng sữa – kiềm), đồng thời nó gây một phản hồi làm tăng tiết hormone gastrin. Kết quả là acid HCl lại được tiết nhiều hơn trước nên bệnh nhân càng gặp cơn đau dạ dày thường xuyên và mức độ nặng hơn.
Người bệnh càng dùng soda nhiều và dùng kéo dài càng làm cho bệnh lý dạ dày thêm trầm trọng. Chưa kể đến, nước sôđa còn gây ra nhiều tác dụng không tốt khác. Bản chất soda không có hại nhưng kết hợp với đường, phụ gia nên gây bất lợi cho cơ thể. Chúng có thể gây ra tình trạng thừa cân béo phì, tăng khả năng bị ung thư vú, đái đường, sỏi thận, loãng xương, tăng huyết áp … Vì vậy, hãy cân nhắc mỗi khi sử dụng đồ uống có gas/soda nếu bạn không muốn bị mắc tất cả các bệnh kể trên.
Tư vấn của ThS.BS Nguyễn Bạch Đằng