Đừng quá thần thánh hóa gạo lứt

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Gạo lứt đang được nhiều người ca ngợi về tác dụng việc thanh lọc cơ thể, giảm cân, làm đẹp da, thậm chí hỗ trợ nhiều bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường… Nhưng công dụng thực sự đến đâu thì không phải ai cũng rõ.

Cùng với phong trào thực dưỡng, ăn kiêng, gạo lứt đã trở thành một loại thực phẩm được nhiều người tin dùng. Trên các trang mạng cũng truyền nhau những tác dụng “kinh điển” của gạo lứt từ giúp giảm cân, trị mụn, chống tiêu chảy, táo bón, giúp cắt cơn hen suyễn, chống suy nhược, thậm chí trị được những bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, ung thư…

Trên thị trường, gạo lứt được bán khá phổ biến trong siêu thị, đại lý gạo và đặc biệt là trong các cửa hàng thực dưỡng, gạo lứt đang được tận dụng để chế biến thành nhiều loại thực phẩm. Tại một cửa hàng thực dưỡng trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), ngoài trà gạo lứt rang được gán khá nhiều công dụng như cải thiện chứng thoái hóa khớp, loãng xương, giảm cân, giảm cholesterol, hỗ trợ bệnh tiểu đường còn có rất nhiều loại khác như cốm nếp lứt, cơm gạo lứt huyết rồng sấy giòn, bột ngũ cốc gạo lứt, bánh tráng gạo lứt...

Kèm theo mỗi sản phẩm là hàng loạt công dụng được người bán phổ biến nên dù giá gạo lứt có phần “chát” hơn gạo bình thường song rất nhiều người vẫn vui vẻ mua về sử dụng, thậm chí còn dùng để thay thế hoàn toàn gạo trắng truyền thống. Một cân gạo lứt hiện có giá trên dưới 20.000đ; đặc biệt, gạo lứt giống huyết rồng giá mỗi cân lên đến hơn 30.000đ.

Đừng quá thần thánh hóa gạo lứt ảnh 1

Tin đồn là có thật

Trao đổi về vấn đề này, TS. BS. Doãn Thị Tường Vi, Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng thừa nhận gạo lứt có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe cũng như thẩm mĩ. Bản chất gạo lứt là loại không đánh bóng như gạo trắng chúng ta vẫn hay ăn.

Trong quá trình xay xát, lớp vỏ lụa được giữ lại nên gạo lứt chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magie, mangan, sắt và chất xơ. Trong đó, vitamin B1 và chất xơ có hàm lượng cao hơn rất nhiều trong gạo trắng thông thường. Nhờ vậy, gạo lứt đặc biệt tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.

“Chất xơ trong gạo lứt có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Với người bị đái tháo đường, lúc này chất xơ giống như một tấm lưới lọc lượng đường có trong thức ăn, cản trở lượng đường huyết và giúp họ kiểm soát đường huyết tốt hơn, đặc biệt sau khi ăn”, BS. Tường Vi nói.

Bản chất của gạo lứt là cứng, cần phải nấu lâu mới chín, ăn cũng cần phải nhai kĩ. Bởi vậy, người ăn sẽ phải nhai từ từ, không bị ăn quá nhanh, không kiểm soát được số lượng như gạo trắng. Trong gạo lứt cũng có một số thành phần giúp làm giảm cholesterol, nhờ vậy mới có chuyện ăn giảm lứt có thể giảm được trọng lượng cơ thể.

BS. Tường Vi đặc biệt chú ý, gạo lứt chỉ là lương thực có ích cho cơ thể nhưng với điều kiện đó là gạo lứt “sạch”, tức là không chứa tồn dư chất hóa học, chất bảo quản.

Chỉ nên dùng như một thực phẩm hỗ trợ chữa bệnh

 Vẫn theo BS. Tường Vi, hiện nay cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của gạo lứt mà chỉ là những lời truyền miệng. Cũng có nhiều người đã sử dụng gạo lứt và thu về những lợi ích nhất định nhưng chúng cũng chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ phòng bệnh.

Cũng theo BS. Tường Vi, nếu tách rời các thành phần của gạo lứt, rõ ràng chúng có rất nhiều tác dụng, trong đó có cả tác dụng chữa bệnh ung thư. Tuy nhiên trong gạo lứt, duy chỉ có vitamin B1 và chất xơ là có hàm lượng cao, còn lại đều không đáng kể.

Chưa kể đến việc vitamin B1 là nhóm vitamin dễ hòa tan trong nước, nên trong quá trình sử dụng nếu ngâm quá lâu hoặc vo gạo kỹ, lượng vitamin đó sẽ không còn. Trong quá trình nấu, nếu mở vung, cũng sẽ làm bay hết các vitamin…

Cần phải hiểu rằng gạo lứt cũng như gạo bình thường, chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, chúng ta vẫn cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như chất đạm, chất khoáng… Mặc dù chất xơ là thành phần có hàm lượng cao trong gạo lứt, nhưng cũng không thể nào bằng hàm lượng chất xơ có trong rau xanh, trái cây… Bởi vậy, nên chăng nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thay vì lạm dụng thái quá gạo lứt để mang lại lợi ích cho cơ thể.

“Trong gạo lứt có những thành phần bổ ích cho cơ thể nên có tác dụng phòng bệnh rất tốt. Với những người đã bị bệnh, nếu phó thác hoàn toàn cho gạo lứt hẳn là một sự mạo hiểm vì tôi khẳng định gạo lứt không hề có tác dụng chữa bệnh như mọi người vẫn đồn thổi”, BS Tường Vi nói.

Mỗi tuần chỉ nên ăn 2-3 lần

Theo BS. Tường Vi, mỗi tuần chỉ nên ăn 2-3 lần gạo lứt bởi ăn nhiều gạo lứt không mang lại nhiều lợi ích, thậm chí còn gây phản tác dụng. Khi ăn gạo lứt cũng cần đảm bảo lượng gạo cung cấp sao cho đủ tỷ lệ năng lượng nhất định, chứ không phải ăn càng nhiều càng tốt.

Nếu một bữa ăn ta ăn được bao nhiêu bát cơm thì cũng chỉ cần tính đủ lượng gạo lứt tương đương để có được lượng cơm như vậy. Khi ăn phải nhai thật kỹ, nhai cho đến khi ra nước mới nuốt, nếu không sẽ không tốt cho đường ruột, gây ra chứng khó tiêu.

Đặc biệt ở một số lứa tuổi như trẻ em, người cao tuổi, người thể trạng yếu, gầy gò, đang trong thời kỳ thai kỳ, bồi bổ sức khỏe, không nên ăn gạo lứt thường xuyên. Nếu ăn thường xuyên sẽ dẫn đến sức khỏe suy giảm, thiếu dưỡng chất, thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết đối với sự phát triển của cơ thể trẻ em, tăng sức đề kháng và bồi bổ cơ thể cho người già, người trong thời kỳ mang thai…

“Khi dùng gạo lứt để nấu ăn phải nấu kĩ. Nếu những người già răng yếu phải ăn trường kỳ cơm gạo lứt khô cứng và khó nuốt là một điều không thực tế và không cần thiết”, BS. Tường Vi khẳng định.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG