Dựng nhà sống trên núi, nơm nớp lo đá đè

Anh Đỗ Văn Dũng bên kè rào chắn do anh làm để hạn chế đất đá rơi vào nhà
Anh Đỗ Văn Dũng bên kè rào chắn do anh làm để hạn chế đất đá rơi vào nhà
TP - 26 hộ dân với khoảng trên 100 nhân khẩu hàng chục năm nay dựng nhà sống ở lưng chừng và dưới chân núi Gành thuộc thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định) mặc những hiểm nguy chất chồng. Người dân vẫn mơ một nơi tốt hơn để an cư còn chính quyền địa phương cũng đau đầu vì chưa thể giải quyết giúp “yên dân”.

Chiều cuối năm, mưa, một nhóm đàn ông quây tụ nhâm nhi ly rượu với vài con mực nướng. Một người thở dài: “Mưa gió, không đi biển được. Với lại, ngồi đây nghe ngóng thời tiết còn lo mà… chạy”. Đó là ám ảnh chung của những người dân nơi đây. Một bên là đầm, một bên núi. Những ngôi nhà được dựng dưới chân núi Gành, nhiều nhà mọc ngay ở lưng chừng núi, mưa gió không tránh khỏi sạt lở.

Nhà anh Đỗ Văn Dũng dựng sát chân núi Gành. Căn nhà nhỏ, dựng lợp bằng mái tôn xung quanh mồ mả và đá núi. Hai vợ chồng cùng bốn người con sống ở đây được 20 năm.

Anh cho biết, nhà mới được dựng lại từ năm 2006. Trước đó trận mưa lớn, sạt lở, ngôi nhà cũ bị phá sập hoàn toàn. “Lúc cả nhà đang ngồi ăn cơm thì nghe tiếng động rất lớn phía sau nhà, biết là sạt lở đất đá trên núi đổ xuống, hai vợ chồng kéo nhau cuống cuồng chạy.

Lúc sau quay lại, căn nhà đã thành đống gạch ngói vỡ. May mắn mấy đứa nhỏ không có nhà chứ chắc… chạy không kịp” - anh Dũng nhớ lại. Mỗi lần dựng, sửa nhà, anh phải trích một khoản đầu tư cho tường kè, rào thép chắn nhưng cũng chỉ phòng đất đá nhỏ. Nếu mưa lớn vẫn phải chạy chỗ khác lánh nạn. 

“Tiền hỗ trợ ít quá không đủ để dựng nhà nơi ở mới. Với lại khu tái định cư do xã bố trí cũng ở cạnh đầm, đất sụt lún, mưa gió cũng nguy hiểm không kém”

         Ông Trần Minh Trung

Cả thôn Đức Phổ 1 vẫn còn ám ảnh câu chuyện của ông Nguyễn Văn Hùng chết thảm trong nhà sau một trận sạt lở do mưa lớn cách đây 6 năm. Thấy đất đá từ trên núi đổ xuống, cả xóm hô hoán nhau tháo chạy.

Ông Hùng đang nằm ngủ ở gian nhà phía sau nên bị khối đất đá đè. Khi người dân phát hiện, trở lại bới tìm giải cứu thì đã không kịp. Sauchết của ông, vợ, con cũng không dám ở lại ngôi nhà.

Gia đình ông Trần Minh Trung (46 tuổi) sống ở lưng chừng núi. Để lên tới nhà ông phải qua ít đoạn dốc đứng cả trăm mét trơn trượt. Nếu đi xe máy phải có hai người đẩy, dắt qua hết đoạn dốc xuống núi. Ông chia sẻ: Việc trượt chân ngã chổng vó là chuyện thường ngày. Chỉ sợ người già với con nít chứ tụi tui sống ở đây quen rồi.

Cách đây 20 năm vợ chồng ông về đây dựng nhà. Rồi đến đời các con, cháu. Nhiều lần cán bộ xã vận động gia đình ông di dời đến nơi ở mới nhưng ông không đồng ý. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết, hiện có 26 hộ dân (khoảng 100 nhân khẩu) đang sống ở sát chân núi hoặc lưng chừng núi rất nguy hiểm.

Song, đây hầu hết là do người dân tự chiếm đất dựng nhà chứ không có sổ đỏ. Nếu di dời đến khu quy hoạch tập trung, chỉ được hỗ trợ 100 - 200m2 đất và 10 triệu đồng.

Từ năm 2011 xã đã có chủ trương vận động di dời nhưng người dân không chịu chấp nhận với lý do kinh phí hỗ trợ thấp, không đủ công tháo dỡ, vận chuyển vật liệu đến nơi ở mới. Sắp tới xã sẽ có biện pháp kiên quyết di dời. Phương án có thể là xen cư hoặc đến khu TĐC để đảm bảo an toàn.

MỚI - NÓNG