Gian nan diệt "giặc mỡ"
Trải qua 2 lần sinh nở, cơ thể chị Trần Bích Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) trở nên sồ sề hơn bao giờ hết. Công cuộc diệt giặc mỡ đã được chị tiến hành cả năm nay nhưng không cho hiệu quả rõ rệt, phần vì chị thực hiện không đến nơi đến chốn do bận con nhỏ, phần vì chỉ cần “nhỡ mồm” ăn hơn bình thường một chút là lại cân nặng lại tăng vù vù.
Trước “đại dịch mỡ” hoành hành, tàn phá cơ thể một thời thắt đáy lưng ong của vợ, chồng chị - vốn là một tiếp viên hàng không đã xách tay về không ít các loại mỹ phẩm có chức năng tiêu diệt mỡ, song cũng cơ thể chị vẫn vững vàng như chưa có gì tác động vào. Nhìn vợ vất vả vật lộn với công cuộc giảm béo, anh chồng chỉ biết an ủi: “Ai ơi chớ lấy vợ gầy/ Nửa đêm tỉnh dậy tưởng mình ôm cây. Béo khỏe, béo đẹp như thế này, ôm rất đã tay”.
Đang tuyệt vọng vì giảm béo bất thành thì ngày nọ, chị Ngọc gặp lại một người bà con xa - người mà trước đây từng được cả làng mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất béo”. Nhưng đó chỉ là chuyện của dĩ vãng mà thôi, bởi giờ đây người bà con đó đã thướt tha dáng ngọc. Lân la dò hỏi bí kíp khiến lớp mỡ lỳ lợm phải tan chảy, chị bất ngờ khi biết điều kỳ diệu này đến từ liệu pháp xông hơi. Xông hơi để nâng cao sức khỏe thể chất thì chị nghe nhiều, nhưng xông hơi giảm béo thì đây là lần đầu tiên. Sao mà nghi ngờ quá…
Nhìn thân hình mũm mĩm của chị người bà con kia cười ha hả: “Còn cân nhắc gì nữa, một tuần chỉ cần đi khoảng 3 lần, vừa được thư giãn, vừa giảm được béo, lợi cả đôi đường. Cứ béo thế này chồng nó nhìn, nó ngấy, rồi nó lại cặp kè trai gái”. Nghe có lý, về nhà, chị tuyên bố với chồng sẽ vực dậy phong trào diệt giặc mỡ đã bị ngủ quên thời gian qua. Dù hừng hực khí thế là vậy, song lòng chị Ngọc vẫn không khỏi băn khoăn về lợi ích thực sự của phương pháp giảm béo này. Nó có thực sự lợi hại như những gì người bà con kia nói?
Xông hơi không thể giảm béo
Giảm béo bằng xông hơi - phương pháp này đã được nhiều người truyền tai nhau thực hiện trong suốt thời gian qua, rôm rả nhất là trên các diễn đàn làm đẹp. Tại đây, các chị em không chỉ nói cho nhau biết các địa chỉ tin cậy mà còn hướng dẫn rất cụ thể về việc ăn gì, làm gì trước và sau khi xông hơi để có kết quả tốt nhất. Có người nhiệt tình đến mức còn post cả hình mình trước và sau khi thực hiện phương pháp này với mục đích khẳng định hiệu quả của nó.
Nếu nhìn vào những bằng chứng được đưa ra như vậy, có lẽ hiệu quả của xông hơi giảm béo là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, theo ThS, Bác sĩ Phương Ngọc, Bệnh viện y học cổ truyền Hà Nội, xông hơi thực sự không thần kỳ như vậy. Bà Ngọc giải thích, với tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, thư giãn cơ thể, xông hơi thực sự có lợi cho sức khỏe, xong lạm dụng phương pháp này để giảm béo là điều không nên.
Thực chất, liệu pháp làm nóng cơ thể này chỉ làm mất nước tại chỗ, khiến cân nặng giảm và nhìn vào hiện tượng ấy, nhiều người cho rằng mình đã gầy đi. Thế nhưng thực tế thì, khi lượng nước cơ thể được khôi phục, trọng lượng cơ thể sẽ quay lại điểm xuất phát ban đầu. Và nếu xông hơi liên tục trong một khoảng thời gian dài còn làm cơ thể mất nước nhanh gây hại cho sức khỏe.
Lý giải về những bằng chứng được đưa ra để chứng minh hiệu quả của xông hơi, các chuyên gia cho rằng: cùng với xông hơi, có thể những người này đã đồng thời áp dụng một chế độ ăn uống, tập luyện khác và việc giảm cân là kết quả của chế độ đó. Hoặc cũng có thể, khi tinh thần xuống dốc, những người này đã tìm đến xông hơi để thư giãn và khi đó, việc giảm cân đơn thuần là do stress…
Dù không thực sự mang lại lợi ích trong việc xông hơi, tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, xông hơi là một liệu pháp tốt cho sức khỏe và nếu có điều kiện, bạn nên thử liệu pháp thư giãn này. Tuy nhiên, một tháng cũng chỉ nên thực hiện 1-2 lần, mỗi lần khoảng 15-20 phút nếu không muốn làn da bị bội thực.
Lưu ý khi xông hơi
- Không được tắm sau khi xông hơi. Trong quá trình xông hơi, các lỗ chân lông đang giãn nở ra, nếu tắm ngay lập tức sẽ khiến bít lỗ chân lông, giữ lượng nước còn đọng lại dưới da, dễ gây cho cơ thể bị cảm, gây ứ trệ, đau nhức cơ thể… Sau 6h xông hơi mới được tắm.
- Không xông hơi sau khi ăn no.
- Không xông hơi khi đói và khi đang mệt.
- Bệnh ngoài da không nên xông hơi.
- Phụ nữ đang có kinh nguyệt không nên xông hơi.
- Không được xông hơi liên tục trong 1 tuần. Tốt nhất nên cách 3 ngày xông một lần.
- Sau khi xông hơi nên ăn một bữa ăn nhẹ như súp hoặc cháo nóng để lấy lại năng lượng đã mất.