Đứng dậy sau đại dịch: Khi dòng vốn đứng yên

Dệt may cầm cự để tránh bị phá sản nếu dịch kéo dài Ảnh: Như Ý
Dệt may cầm cự để tránh bị phá sản nếu dịch kéo dài Ảnh: Như Ý
TP - Tập đoàn dệt may và các doanh nghiệp dệt may, da giày với hơn 5 triệu lao động đang điêu đứng trước cảnh toàn bộ hoạt động có nguy cơ bị đình trệ. 80% đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị giãn, hủy và mất mùa kinh doanh dịp Hè. 

Nguy cơ phá sản nếu dịch kéo dài

Chuyển hướng tạm thời may các loại khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, găng tay, phụ kiện chống dịch và thực hiện chiến lược lấy ngắn nuôi dài, cầm cự giữ chân người lao động… đang là những việc mà các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày duy trì luồng tiền giữ cho DN không bị phá sản.

Dù tìm mọi cách xoay chuyển nhưng khó chồng khó là nhận định của nhiều DN ngành dệt may khi nói về dịch COVID-19. Với đơn hàng hủy, thiệt hại của DN đã rõ. Với hàng giãn tiến độ, số lượng phải xử lý hàng tồn có tính mùa vụ cũng khiến đại diện nhiều DN ban đầu với họ, hàng không giao, nguyên liệu nằm kho đồng nghĩa luồng tiền không dịch chuyển, không có lợi nhuận.

Trả lời Tiền Phong, ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, dịch COVID-19 đang khiến thu nhập của 3 triệu lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề. Tại châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất của  dịch. Tuy nhiên, những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp Xuân - Hè và dự kiến hết dịch thì thời tiết đã sang Thu. Vì vậy, khả năng cao đơn hàng dừng hoãn sẽ trở thành đơn  hàng bị hủy. Thời gian hoãn hợp đồng cũng cũng kéo dài lên đến 3 - 6 tháng. Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến DN không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng. Tuy nhiên thách thức lớn nhất đối với DN dệt may trong nước cũng như toàn cầu là dòng tiền đang dừng lại, đe dọa sự tồn tại của DN.

Đứng dậy sau đại dịch: Khi dòng vốn đứng yên ảnh 1

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Khoảng 1,5 triệu lao động ngành dệt may thiếu việc làm, ông Hiếu ước tính với  số lượng này nếu phải trả lương cho 30% công nhân thiếu việc tháng 4 và 50% công nhân thiếu việc tháng 5, với mức tối thiểu theo luật bình quân là 4,2 triệu đồng/người/tháng, ngành dệt may sẽ mất 5.040 tỷ đồng, tương ứng tập đoàn sẽ mất 403 tỷ đồng. Với nguyên liệu đã nhập về và bị hủy đơn hàng, không được sử dụng đến, giả sử ngành nhập 1,5 tỷ USD và có 20% đơn hàng bị hủy, tương ứng 300 triệu USD vật tư đã nhập không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó 

luân chuyển.

“Ước đến hết năm 2020, số hàng tồn kho của 2 tháng 4 và 5 sẽ mất giá trị khoảng 50%, tương ứng 300 triệu USD. Với giả thiết dịch sẽ kết thúc vào tháng 5 và tháng 6 các hoạt động sẽ trở lại, ảnh hưởng về mặt tài chính đối với ngành dệt may sẽ vào khoảng 11.000 tỷ đồng và với riêng tập đoàn sẽ là 1.000 tỷ đồng”, lãnh đạo Vinatex cho hay. Việc tiền bị đọng trong nguyên phụ liệu đã nhập về, hàng đã làm nhưng chưa kịp xuất, tiền lưu kho, bến bãi, các chi phí hoạt động của doanh nghiệp… sẽ khiến tính thanh khoản của các doanh nghiệp yếu qua từng ngày, từng tuần. Do đặc điểm thâm dụng lao động của ngành và vốn điều lệ thấp, nếu chỉ dừng hoạt động sản xuất trong 3 tháng mà vẫn trả lương công nhân, doanh nghiệp sẽ phá sản.

Mất ngủ với câu hỏi: Làm gì để sống?

Chia sẻ về khó khăn của DN cách đây ít ngày, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm và Công ty May Chiến Thắng cho hay, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả. Những ánh hào quang của quá khứ như: tăng trưởng liên tục đạt hai con số trong nhiều năm, kim ngạch đạt xấp xỉ 40 tỷ USD năm 2019, chỉ đứng sau Trung Quốc, ngang hàng với Ấn Độ … đã phải lùi lại để đối mặt với những thách thức chỉ sau vài tháng của năm 2020.

Khó khăn của các DN dệt may, theo bà Ty, không thể mô tả hết bằng vài lời ngắn gọn. Trong những năm qua, DN dù đã tái cơ cấu cho phù hợp thị trường, tối ưu kinh doanh nhưng dịch xuất hiện, mọi thứ đặt DN về mốc xuất phát ban đầu. Khủng khiếp…là từ được bà Ty sử dụng khi nói về những diễn biến thị trường trong các tháng đầu năm 2020.

Không chỉ mệt mỏi về đơn hàng trước mắt, theo bà Ty, DN không thể dự báo được xa khi ngay bản thân khách hàng cũng không thể đưa ra dự báo về nhu cầu thị trường. Khó khăn, lối thoát nào, DN chỉ nhìn vào con số sức cầu là hiểu.

“Mất ăn, mất ngủ vì những gánh nặng ngày càng đè nặng nên vai các chủ DN. Chúng tôi có gần 6.000 công nhân, tương ứng từng đó gia đình, chưa kể người phụ thuộc, liên quan”, bà Ty nói.

Mọi kỹ năng, mọi kinh nghiệm thương trường lăn lộn được các lãnh đạo đơn vị vận dụng nhưng tình hình vẫn khó. Giảm giờ làm, giảm lương, kể cả với khối văn phòng, cũng được áp dụng. DN rà soát, siết toàn bộ chi phí đến mức ngạt thở giúp đơn vị tiết kiệm được 1 tỷ đồng sau hơn 1 tháng. Quay về thị trường nội địa là cách lựa chọn của nhiều DN trong ngành. Tuy nhiên, sức cầu trong nước suy giảm mạnh, khiến DN gặp khó.

Theo bà Ty, người lao động càng đồng lòng giảm lương, càng chia sẻ, thì áp lực cho ban lãnh đạo càng ngày lớn hơn. “Có hôm tôi không ngủ được, cứ trằn trọc với câu hỏi làm gì để vượt qua khó khăn. Tôi cũng nói với công nhân, sẽ cố gắng đến cùng. Đến khi không cố được nữa mới thôi. Tháng 3, chúng tôi đã vượt qua được. Nhưng giờ là câu hỏi, làm gì để vượt qua hết tháng 4 khi đơn hàng giảm. Việc chuyển sang may khẩu trang cũng chỉ như muối bỏ biển khi một dây chuyền 50 người làm được mấy chục nghìn chiếc một ngày. Số lao động hàng nghìn người còn lại làm gì?”, bà Ty nói.

Tính kế cầm cự lâu dài

Theo ông Hiếu, trước việc phải duy trì việc làm cho người lao động, Vinatex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã giúp tập đoàn và các đơn vị thành viên bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống. Tính đến 15/4, Tập đoàn đã cung ứng thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Việc sản xuất khẩu trang giúp tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.

Tập đoàn cũng đang xúc tiến xuất khẩu khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế sang một số quốc gia châu Âu và Mỹ như Séc, Hungary, Canada, Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, đây chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm.

Theo lãnh đạo Vinatex, trong thời điểm dịch bệnh hiện tại, ưu tiên số một của tập đoàn là giữ chân người lao động với mong muốn các chính sách được triển khai nhanh hơn.

Câu trả lời về việc làm thế nào để các DN dệt may thoát khó khăn, chắc vẫn còn chờ phía trước khi dịch COVID-19 ở các nước vẫn đang trong cảnh: Chỗ bùng phát mạnh, chỗ có dấu hiệu giảm bớt nhưng khi nào kết thúc hẳn thì không ai có câu trả lời.

“Các kịch bản ứng phó được Vinatex đưa ra trong giai đoạn dịch COVID-19 gồm: Tập trung giải quyết nhanh, gọn các đơn hàng chưa bị hủy, tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa, sản xuất các mặt hàng phòng dịch. Chúng tôi đã có kiến nghị lên Chính phủ đề nghị hỗ trợ nguồn tài chính để trả lương cho người lao động, miễn, giảm, hoãn bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, thuế VAT, tiền thuê đất năm 2020; đề nghị ngân hàng ân hạn khoản vay dài hạn đến hạn, kéo dài thời gian vay vốn lưu động, giảm lãi suất, không hạ loại tín dụng, xin ân hạn khoản vay ADB của Tập đoàn và một số đơn vị thành viên tham gia dự án. Đồng thời, kêu gọi cổ đông chia sẻ giải pháp tài chính để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Năm 2020, “tồn tại” được coi là “thắng” với doanh nghiệp”.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.