Mới 8 giờ tối, trên phố chính chỉ còn lác đác người qua lại, vài ngọn đèn từ trong quán hắt ra ánh sáng yếu ớt, đỏ quạch không rõ mặt người. Mưa vẫn lất phất bay, càng về đêm trời càng lạnh. Nhìn thấy những đốm lửa lúc bừng sáng, khi lại chìm trong mưa bụi, tiến lại gần hóa ra là hàng ngô nướng. Cô gái Mông còn rất trẻ, dưới ánh lửa đỏ, đôi gò má cô như một trái hồng chín mọng căng tròn càng tăng vẻ đẹp huyền bí nơi núi cao rừng thẳm này.
Đang rét cóng, mỗi người chúng tôi vội cầm một bắp ngô nướng còn nóng hổi rồi cùng nhau ngồi phệt trên phiến đá lạnh để thưởng thức hương vị thơm, dẻo, ngọt, bùi của thứ ngọc thực mới bẻ từ trên nương về.
Cô gái Mông, đôi tay thoăn thoắt quạt cho hòn than cháy hồng, bắp ngô trắng ngần lăn trên ngọn lửa, những hạt ngô căng nhựa khẽ nứt bựt từng hạt nổ lép bép, mùi thơm ngọt ngào theo làn gió núi, quyện hơi ấm từ chậu than hồng.
Nào các anh Đinh Quang Thành, Cao Phong, anh Ngô Dư, anh Cao Minh, hãy cùng nhau thưởng thức đi, dưới xuôi ta làm gì có thứ ngô thơm ngon dẻo thế này. Ngô này được trồng trên các sườn núi Bản Phố, Tả Van Chư, Cốc Ly, Thái Giàng Phố…
Nếu để chưng cất rượu, được ủ men từ các rễ cây, hoa lá, quả rừng, được cất bằng chính thứ nước suối, nước nguồn từ đất mẹ đại ngàn thì thứ rượu ngô ấy khi đã ngấm trong ta, sẽ như ngọn lửa tình rực cháy dâng trào tận con tim. Đến Bắc Hà mà không thưởng thức rượu ngô Bản Phố, không ăn thắng cố thì chưa phải đã đặt chân lên vùng đất cực Bắc cao nguyên này.
Chúng tôi lại ngược dốc phố. Phố núi cao nguyên về đêm vừa buồn lại vừa huyền bí. Mấy anh bạn tôi chân đã liêu xiêu, không hiểu có phải vì chén rượu ngô giờ mới ngấm, hay vì gió núi mưa ngàn khiến các anh chùn gối. Tôi vẫn rảo bước một mình giữa đêm vắng lạnh, ngắm nhìn những ngôi nhà nhiều tầng kiến trúc Tây, ta lẫn lộn, những cửa hàng, cửa hiệu hai bên phố hầu hết đã đóng cửa, chỉ thảng hoặc vài ánh đèn từ những hàng ăn đón khách đêm.
Chợt trước mắt tôi hiện ra tòa dinh thự nguy nga, đồ sộ của cha con Thổ ty Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng. Trong bóng đêm, lâu đài cổ lấp lánh như sao sa. Với khuôn viên ước chừng vài ngàn mét vuông. Cổng dinh thự kiến trúc bề thế theo kiểu phương Đông. Khách viễn du thực sự choáng ngợp trước công trình một thời khét tiếng về sự xa hoa, độc ác, bá quyền với bao kẻ hầu người hạ của cha con Thổ ty.
Người ta kể lại rằng, để xây dựng dinh thự này, cha con họ bị vắt kiệt sức làm ngày, làm đêm trong suốt 7 năm liền. Không ít người gửi xác dưới những viên gạch kiên cố này, hoặc có lê thân về được đến nhà rồi cũng ốm dần, ốm mòn hoặc bị ngã nước mà chết…
Lịch sử đã sang trang, nhưng dấu tích một thời của chế độ phong kiến vẫn còn hằn sâu trong lòng người dân nơi đây và dinh thự cha con Hoàng A Tưởng là minh chứng còn lại. Cứ mải mê ngắm nhìn dinh cơ của gia đình họ Hoàng, mải mê suy nghĩ đến ngạc nhiên về tòa lâu đài vừa nguy nga, tráng lệ, vừa hiện đại, uy nghi ở chốn xưa kia còn rừng thiêng nước độc, sơn cùng thủy tận, khỉ ho cò gáy, với những tộc người còn lạc hậu.
Chợt nhìn đồng hồ đã quá nửa đêm, tôi giật mình vì sáng mai là phiên chợ Bắc Hà. Trên này, tuần có hai phiên chợ chính, thứ bảy phiên chợ Cán Cấu, chủ nhật chợ Bắc Hà.
Sáng hôm sau, trời còn chưa hửng chúng tôi đã chỉnh tề ba lô, túi xách cùng lỉnh kỉnh chân máy chuẩn bị lên đường tác nghiệp, và chỉ chừng 30 phút sau đã có mặt ở đỉnh dốc Bản Phố để đón dòng người xuống chợ. Sương sớm còn đọng lại trên những nhánh cây, hừng đông xuất hiện từ trên đỉnh núi, những tia nắng đầu tiên đổ tràn xuống phố như một tấm thảm óng ánh nhiều màu sắc cuốn theo dòng người xuống chợ.
Những chàng trai Mông vai chắc nịch, rắn như đá núi tay dắt ngựa thồ hàng. Vài con trâu béo mập ngơ ngác theo chân chủ xuống chợ để đổi lấy ngô, lấy thóc, lấy tiền. Có lẽ vui nhất vẫn là các cô gái Mông, trông cô nào cũng xinh như tiên nữ bởi những bộ váy áo nhiều màu sắc, hoa văn rực rỡ, vòng bạc đeo đầy cổ, trễ vành tai, kín cổ tay, vừa đi vừa cười nói ríu rít như chim.
Họ đi chợ không chỉ để mua sắm, mà còn để khoe váy áo, khoe những nụ cười với các chàng trai Mông, còn để tìm nhau vì lời hò hẹn từ phiên chợ trước.
Một số hình ảnh tại phiên chợ Bắc Hà |
Bắc Hà có hơn 10 dân tộc cùng chung sống, cùng uống chung dòng nước suối. Riêng tộc người Mông là đông nhất, họ sinh sống trên các triền núi cao, làm nương làm rẫy. Đặc trưng của người Mông là trang phục nhiều họa tiết sặc sỡ rất đẹp. Chẳng thế mà khách du lịch nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam đa phần đều tới Bắc Hà để đi chợ phiên, để được ngắm nhìn các cô gái Mông xinh đẹp, hồn nhiên như những cây rừng mọc trên núi.
Không riêng gì khách nước ngoài, chúng tôi cũng bị hút hồn bởi nét đẹp độc đáo và khoảnh khắc hiếm hoi khi các cô gái cười nói vui vẻ bên những chiếc khăn, chiếc váy thổ cẩm trong một cửa hàng.
Khi nắng xế đỉnh đầu cũng là lúc chợ phiên đông vui nhất vì dòng người từ các bản làng xa xôi bắt đầu đổ về. Có người tận Tả Củ Tỷ, Nán Xìn, Cán Cấu (Si Ma Cai), Lùng Cải, Tả Van Chư, Cốc Ly… cũng về họp chợ. Họ phải đi từ tờ mờ sáng vì cần vượt qua nhiều quả núi, nhiều con suối mới đến được với chợ. Không khí lúc này càng náo nhiệt với đủ chủng loại trang phục cùng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Trong một quán hàng lợp lá ven chợ, có hai ông Tây to cao đang bê tô thắng cố húp xì xụp ngon lành, bên cạnh là mấy chàng trai người Mông đang nâng bát rượu mời nhau và cười nói bằng thứ tiếng mà chỉ có họ hiểu. Hai ông Tây kia thấy vui, cũng hùa theo cầm bát rượu giơ cao rồi chạm bát với từng người. Mấy anh người Mông cũng cười phụ họa, vô tư như đang ở bản nhà mình.
Nhẽ chẳng đâu có món ăn thắng cố thế này. Chiếc chảo gang to đùng sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút. Ruột, gan, lòng, mề, xương ngựa, trâu, dê, bò hầm cùng các vị thảo quả đã thả mùi thơm quyến rũ các chàng trai cao nguyên như một phép màu.
Hoàng hôn tắt nắng cũng là lúc chợ thưa dần. Từng tốp người tay xách, vai gùi hàng kéo nhau ra về. Lác đác mấy góc phố vẫn còn các cô gái Mông túm năm tụm ba cười nói ríu rít như còn muốn níu kéo không khí buổi chợ. Còn tôi, níu từng vệt ký ức trong hằng hà bức ảnh, mà sau này, mỗi lần giở lại, thấy cả mùi thơm của thắng cố Bắc Hà và tiếng cười nói lao xao trong cái nắng sớm như vẫn còn trong vắt.