Dùng công nghệ Việt khử khuẩn thời COVID-19

TP - Buồng khử khuẩn toàn thân, máy rửa tay tự động, dung dịch sát khuẩn… chính là những công trình của người Việt. Họ đã dùng công nghệ “chiến đấu” với dịch COVID-19.

Bác sĩ thành công nhân

Trong căn phòng nhỏ nằm cuối bệnh viện (BV) Thống Nhất, gần cả tuần nay đều vang lên âm thanh khoan đục, hàn xì. Đó là “xưởng” sản xuất máy rửa tay tự động của tập thể y bác sĩ, nhân viên BV. Dù sản phẩm “cây nhà lá vườn”, sử dụng ống nước, dây điện, chai lọ… đấu nối tạo thành nhưng chất lượng thì miễn chê.

Dùng công nghệ Việt khử khuẩn thời COVID-19 ảnh 1 Người dân xếp hàng chờ rửa tay trước khi vào khám bệnh

“Chỉ đưa tay vào máy, bộ phận cảm biến sẽ nhận biết và tự động phun dung dịch khử khuẩn vừa đủ vào tay, giúp đôi tay luôn sạch sẽ. Chúng tôi sử dụng những dụng cụ đơn giản như hộp gen, ống nhựa, chai lọ, dây điện và dung dịch khử khuẩn... là có ngay một chiếc máy rửa tay thông minh” - BS CKI Võ Văn Tỵ, Trưởng phòng Quản trị BV Thống Nhất, khoe. Theo BS Tỵ, cấu trúc của phần này gồm có hệ thống bơm, mô tơ điện, bình chứa dung dịch, các đầu phun tia, hộp bên ngoài. Máy sử dụng nguồn điện với hiệu điện thế thấp, chỉ 12V nên hoàn toàn an toàn với người sử dụng.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất bộc bạch: “Chiếc máy này là phiên bản cải tiến từ máy rửa tay tự động của Trung tâm Y tế TP Vị Thanh (Hậu Giang), mà tôi và các đồng nghiệp đã được thấy khi tham quan trung tâm y tế này. Thấy ý tưởng hữu ích, cần thiết để người dân, bệnh nhân và nhân viên bệnh viện trong thời COVID-19, BV liền đề nghị được mô phỏng thiết bị để sử dụng”.

Tận dụng giờ nghỉ trưa hay bất cứ thời gian nào trong ngày, các bác sĩ, công nhân viên đều ngồi lại với nhau để mày mò, cải tiến thiết kế từ những chi tiết nhỏ nhất. Không chỉ cho ra đời máy rửa tay cố định mà còn có máy di động rất tiện lợi.

BS Võ Văn Tỵ bộc bạch: “Chúng tôi vẫn đang cải tiến liên tục như đầu phun lớn hơn, giúp phun đều hơn trên bề mặt. Ưu điểm lớn nhất của máy là tiện lợi và giúp người dùng hoàn toàn không phải chạm tay vào bất cứ thiết bị gì, từ đó loại trừ nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện, có khoảng 120 máy được đặt khắp bệnh viện”.

Còn tại BV Da liễu TPHCM, nước rửa tay nhanh do BV tự nghiên cứu và pha chế rất “được lòng” người dân đến thăm khám. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu, BV áp dụng công thức pha chế nước rửa tay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài các thành phần như ethanol, ôxy già, glycerin, nước cất… còn bổ sung tinh dầu tràm. Vì vậy, dung dịch khử khuẩn nhanh do BV pha chế ngoài đảm bảo công dụng sát khuẩn cao còn giữ được độ ẩm cho da tay, không gây kích ứng da tay và có hương thơm dịu nhẹ, tạo cảm giác dễ chịu cho người sử dụng. “Dung dịch này không chỉ dành riêng nhân viên y tế của BV sử dụng, mà còn phục vụ tất cả những người đến BV liên hệ công việc hoặc khám, chữa bệnh” - BS Hào cho biết.

Ðộc đáo buồng khử khuẩn toàn thân

Buồng khử khuẩn toàn thân gần đây trở thành món hàng hot, giúp người dân yên tâm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (TST) thuộc Thành Đoàn TPHCM cùng Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện. Với chiếc buồng này, người dùng chỉ việc bước vào và đứng yên, bộ phận cảm ứng sẽ tự nhận biết và khởi động hệ thống, dòng phun sương với dung dịch sát khuẩn giúp khử khuẩn toàn thân nhưng không gây ướt. Chỉ từ 20-30 giây/lần phun, mọi người có thể yên tâm khi đến nơi công cộng.

Ngay cả dung dịch khử khuẩn Anloyte được sử dụng trong chiếc buồng khử khuẩn này cũng do các nhà khoa học trẻ của chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện tại TPHCM tạo ra. Đó là quá trình điện phân dung dịch muối ăn (NaCl) di chuyển qua điện cực, được thiết kế đặc biệt để tạo ra dung dịch Anolyte có khả năng kháng khuẩn cao. Dung dịch có thể dùng phun sát trùng chống lại các loại vi khuẩn, virus, khử độc sinh học, diệt khuẩn sàn nhà, phòng học, rửa tay hoặc làm sạch thực phẩm. Tùy mục đích sử dụng sẽ có tỉ lệ pha giữa dung dịch và nước khác nhau. Hiện dung dịch Anloyte đã qua kiểm định, được phép sử dụng.

TST đã tặng gần 31.000 lít Anloyte cho hàng trăm đơn vị trường học, viện dưỡng lão, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật, mái ấm, nhà mở... Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc TST cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để có thể sản xuất những sản phẩm với quy mô lớn sắp tới, nhất là trong điều kiện ưu tiên phòng chống lây lan dịch như hiện nay.

Buồng khử khuẩn gần đây còn được nhiều cá nhân “tay ngang” tạo ra. Như quán cơm văn phòng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận), sau 2 ngày mày mò, anh Đỗ Hồng Phong (chủ quán) mua sắt, bạt nhựa, đường ống… lắp chiếc buồng khử khuẩn ngay cửa ra vào. Anh Phong vui vẻ: “Khách vào quán rất yên tâm, chỉ 15 giây thôi nhưng toàn thân sạch khuẩn”.

Những sản phẩm “chiến đấu” với dịch COVID-19 do người Việt sáng tạo ra còn được biếu tặng, chuyển giao công nghệ cho người cần. Với chiếc máy rửa tay tự động, BV Thống Nhất không bán mà chỉ dùng để tặng nhau. “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi có thể làm được từ 15-20 máy. Sản phẩm này không bán mà chỉ sử dụng nội bộ trong BV và tặng cho các nơi có nhu cầu. Đã có hơn 50 máy do BV sản xuất được đưa vào sử dụng ở UBND TP và 1 số quận huyện” - BS Võ Văn Tỵ chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.