Dùng công nghệ bơm VA 'giải khát' cho thầy trò vùng cao

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu bơm tự áp đưa nước từ suối về bể chứa ở Trường THPT Mùn Chung
PGS.TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu bơm tự áp đưa nước từ suối về bể chứa ở Trường THPT Mùn Chung
TP - Thay vì phải đi bộ 5km trong những ngày đông để mang nước về sinh hoạt, giờ đây thầy cô và học sinh trường Trường THPT Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã có nguồn nước sinh hoạt ngay gần trường trong mùa khô khắc nghiệt.

Đây là kết quả Dự án Khảo sát, xây dựng công trình nước sinh hoạt cho trường THPT Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện.

Công trình Khảo sát, xây dựng công trình nước sinh hoạt cho trường THPT Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên nhằm giải quyết các vấn đề gồm tìm kiếm nguồn nước, cấp nước về trường với lưu lượng 100m3/ngày đêm và xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt với điều kiện tiết kiệm năng lượng (hạn chế sử dụng điện).

Sau hơn một năm triển khai, cả 3 mục tiêu trên hoàn thành. Các nhà khoa học đã xác định được nguồn nước trong xã gồm nguồn nước suối Nậm Mu, nguồn nước xuất lộ từ đá phiến Sét và nguồn nước trong hang động đá vôi.  Sau khi đánh giá tính khả thi, phương án khai thác từng nguồn nước, nhóm nghiên cứu lựa chọn nước trong hang động đá vôi để cấp về trường do khoảng cách gần, lưu lượng nước ổn định quanh năm, chất lượng nước đảm bảo.

Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ bơm VA do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chế tạo để dẫn nước về trường từ khoảng cách 500m với cao độ cột nước là 16m, lưu lượng cấp là 100m3/ngày đêm. Hệ thống bơm điện được lắp đặt nhằm đảm bảo công suất nước dẫn về trường luôn luôn ổn định hoặc trong điều kiện bơm áp lực không hoạt động. Nước dẫn về được chứa trong bể thu nước nguồn và được làm sạch qua hệ thống xử lý nước sinh hoạt công suất 100m3/ngày đêm trước khi đến với  người dùng.

Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt gồm các mô đun: Mô đun lọc thô áp dụng phương pháp lọc ngược, bơm định lượng hóa chất để xử lý nước; Mô đun lọc tinh áp dụng phương pháp lọc áp lực; Mô đun khử trùng ứng dụng nước Giaven được điện phân từ muối ăn để khử trùng nước sau khi đã lọc tinh. Sau khi qua công đoạn này nước đảm bảo các tiêu chí liên quan đến độ đục, TSS và E.coli đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Mục tiêu ban đầu của công trình là cung cấp nước sạch cho thầy và trò trường THPT Mùn Chung nhưng ngoài mong đợi, công trình đã cung cấp nước sinh hoạt cho cụm trường tiểu học, mầm non Mùn Chung, cụm dân cư xung quanh với khoảng 2.000 người.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với kinh phí nghiên cứu và lắp đặt khoảng 1 tỷ đồng, hệ thống cấp nước ổn định cho điểm trường với công suất 100m3/ngày đêm, chất lượng nước hợp vệ sinh, đây là mô hình cung cấp và xử lý nước sinh hoạt nhỏ gọn, tiết kiệm, đem lại hiệu quả cao, phù hợp để triển khai tại nhiều địa phương với các địa hình khác nhau, có thể giải quyết bài toán thiếu nước mùa khô ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa nước ta.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.