Theo tờ trình do ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký, để đảm bảo ổn định trật tự xã hội, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho việc nghiên cứu các khu vực nghĩa trang tập trung của tỉnh, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho dừng chủ trương nghiên cứu triển khai lập quy hoạch xây dựng 2 khu nghĩa trang (trong đó có nghĩa trang trên đất rừng phòng hộ tại Tam Đảo).
Dư luận không tốt, phải dừng
Cũng trong tờ trình trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vừa qua, trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư, tỉnh đã có văn bản báo cáo và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chấp thuận chủ trương lập quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang tập trung tại núi Ngang, xã Bồ Lý (tại văn bản ký ngày 5/1/2017). Hiện UBND tỉnh mới giao Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lựa chọn chủ đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có nhiều cơ quan báo chí quan tâm, nhiều ý kiến phản ánh khác nhau, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Khu rừng phòng hộ ở Tam Đảo nhìn qua vệ tinh.
Cũng theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trên cơ sở quy hoạch chung đô thị tỉnh này đã được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh sẽ giao Sở Xây dựng hoàn thiện nội dung quy hoạch xây dựng nghĩa trang vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ triển khai các nội dung tiếp theo.
Tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT, TN&MT, Công Thương, UBND các huyện liên quan phối hợp với Sở Xây dựng rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên khoáng sản, quy hoạch rừng…tại các khu vực, vị trí đề xuất nghĩa trang tập trung theo quy hoạch xây dựng nghĩa trang vùng tỉnh.
Dừng là “cần thiết”
“Cần xem xét rất kỹ các góc độ, có nên đánh đổi khu rừng phòng hộ để làm nghĩa trang hay không”.
GS Nguyễn Ngọc Lung
Về đề xuất của xây dựng khu nghĩa trang tập trung nói trên của Cty CP Đầu tư Bình Minh Xanh với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Trị, Phó tổng Cục trưởng Lâm nghiệp, kiêm Cục trưởng Kiểm lâm cho rằng, Vĩnh Phúc dừng để xem xét trước ý kiến của dư luận là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Trị, việc lấy đất rừng phòng hộ để xây nghĩa trang mới là xin chủ trương. Dù chưa có hồ sơ cụ thể, tuy nhiên, theo ông Trị, nếu lấy 150 ha rừng phòng hộ không hề đơn giản, phải qua rất nhiều bước, thủ tục, thậm chí báo cáo Thủ tướng, Quốc hội, chứ không phải muốn là tự làm được. Hiện đất rừng được quản lý rất chặt. Chỉ thị 13 của Ban Bí thư mới đây đã yêu cầu dừng chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác không phải cấp thiết. Về việc chuyển đổi, cấp nào quy hoạch thì cấp đó mới có quyền cho phép chuyển đổi.
Còn theo GS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia lâm nghiệp, nếu là rừng phòng hộ phải qua cơ quan quản lý về lâm nghiệp. GS Lung cũng đặt vấn đề: “Nếu rừng đó anh lấy thì phương án đền bù rừng đó thế nào, không phải một hécta bao nhiêu tiền, mà anh phải trồng rừng bù vào. Rừng đó có chức năng phòng hộ thế nào thì anh làm lại chức năng đó. Cùng đó, khi lấy đất rừng, cần phải đánh giá tác động môi trường”.
Trước những nghi ngại về việc dựa vào dự án nghĩa trang để khai thác khoáng sản ở khu vực núi Ngang, GS Lung cho rằng, khi hình thành dự án, sẽ có báo cáo, có hội đồng với nhiều thành phần tham gia, sẽ phân tích các khía cạnh. “Thí dụ khu vực 150 ha rừng phòng hộ, có mục tiêu bảo vệ rõ ràng như bên hồ nước, chống gió bão, chống cát bay, bảo vệ khu du lịch…thì đơn vị chủ quản lập ra hội đồng. Đương nhiên phải xem xét rất kỹ các góc độ, có nên đánh đổi khu rừng phòng hộ để làm nghĩa trang hay không”- ông nói.