Dựng chồng “rởm” qua mặt ngân hàng, công chứng

Hoàng Thị Hòa An và 2 đồng phạm trước vành móng ngựa
Hoàng Thị Hòa An và 2 đồng phạm trước vành móng ngựa
TP - TAND TP Hà Nội vừa xét xử nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc chuyển nhượng đất đai. Nhiều người không khỏi giật mình khi chứng kiến các siêu lừa dễ dàng qua mặt văn phòng công chứng, qua mặt hoạt động thế chấp tại các ngân hàng...

Nhờ người thế vai “chồng” để bán đất

Đơn cử như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vừa được TAND TP Hà Nội xét xử ngày 25/8. Chủ mưu trong vụ án được xác định là Hoàng Thị Hòa An (SN 1987, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy). 

Trong khi cơ quan chức năng đang điều tra An ở một hành vi khác, anh Trương Anh Tiến (chồng An) có đơn tố cáo một số đối tượng đã “lôi kéo” vợ anh vào con đường cờ bạc, sau đó chiếm đoạt ngôi nhà chung do vợ chồng anh Tiến đồng sở hữu.

Vụ việc nhanh chóng được điều tra. Theo đó, năm 2007, anh Trương Anh Tiến được UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cấp “sổ đỏ” một lô đất giãn dân trên địa bàn. Đến tháng 7/2010, anh Tiến và An thành vợ chồng, theo xác định của cơ quan có thẩm quyền, căn nhà trên là tài sản riêng của anh Tiến. 

Quá trình chung sống, do liên tục bị các chủ nợ, trong đó có Đồng Nhã Phương (cùng ở quận Cầu Giấy) thúc ép, An tính chuyện bán căn nhà của chồng, dù biết anh này không đồng ý.

Để hợp thức thủ tục, An chợt nhớ đến một người bạn tên Hà Huy Lâm (quê Nam Định), nhờ Lâm giả làm chồng mình. Tháng 11/2011, An gọi cho Lâm hẹn đến nhà Đồng Nhã Phương. Trước khi đến điểm hẹn, An mang theo tấm “sổ đỏ”, CMT của chồng cùng sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn.

Tại nhà Phương, An nhờ Lâm giả danh chồng mình để mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Lâm nhanh chóng gật đầu, đưa ra một tấm hình đã chụp sẵn để Phương thay vào ảnh anh Tiến trong CMT. Xong xuôi, cả nhóm đồng ý nhờ anh Nguyễn Đức Thịnh (công chứng viên, Phòng công chứng A1, ở đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy) làm dịch vụ công chứng tại nhà.

Khi anh Thịnh đến, nhóm An, Lâm cho anh này xem các giấy tờ cần thiết, trong đó có chiếc CMT đã được làm giả và yêu cầu công chứng với nội dung: “Anh Trương Anh Tiến đồng ý cho vợ (chị Hoàng Thị Hòa An) toàn quyền quyết định trong việc mua bán, sử dụng căn nhà ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy…”.

Ngay sau khi được văn phòng công chứng đóng dấu đỏ, An lập tức bán căn nhà cho anh Nguyễn Văn Dũng ở quận Thanh Xuân, với giá hơn 5,6 tỷ đồng. Trước khi bị điều tra, An còn kịp lừa thêm anh Phạm Văn Lợi (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) khi bán chiếc ô tô hiệu Innova cho anh này với giá 560 triệu đồng. Đây là chiếc ô tô An đi thuê tự lái, sau đó “chế” các giấy tờ liên quan để mang bán.

Cũng với những thủ đoạn tương tự, đầu tháng 8/2014, Mông Thị Ngọc (SN 1972, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đã bị TAND TP Hà Nội tuyên tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản cáo trạng nêu rõ, do cần vay 1,5 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Điệp đã phải thế chấp hơn 100m2 đất cho bà Ngọc bằng một bản hợp đồng sang nhượng. 

Tuy nhiên, do đây là tài sản chung của vợ chồng và không được sự đồng ý của đồng sở hữu nên bà Ngọc đã “tư vấn” cho “con nợ” dựng lên một người chồng giả để làm thủ tục ủy quyền, sau đó sang tên cho vợ chồng bà Ngọc. Xong xuôi thủ tục, bà Ngọc cầm chiếc “sổ đỏ” còn chưa ráo mực đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) để thế chấp vay 5 tỷ đồng, biến VIB thành bị hại trong
vụ án.

“Nghiệp vụ hành nghề chính là nút cởi”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Dũng (Trưởng Văn phòng Công chứng Hồ Gươm, Hà Nội) phân tích, nghiệp vụ hành nghề chính là yếu tố quan trọng nhất giúp một công chứng viên đối mặt với các “siêu lừa”. Với nhiều năm hành nghề trong lĩnh vực công chứng, dù không dám khẳng định 100% các tình huống lừa đảo đều có thể bị lật tẩy, nhưng công chứng viên Nguyễn Bá Dũng khẳng định, có thể nhận diện các dạng lừa đảo tại văn phòng công chứng. 

“Bất luận thủ đoạn lừa đảo công chứng dù tinh vi đến mấy, sẽ đều có những kẽ hở nhất định. Tôi đơn cử, để tránh bị các công chứng viên “soi” hồ sơ, kẻ lừa đảo thường đến văn phòng vào các buổi cuối giờ, khi đó, với tâm lý đã gần kết thúc buổi làm việc, nhiều người uể oải, muốn làm nhanh cho xong, rồi lại kèm theo lời thúc giục của khách hàng, kiểu: “Làm nhanh cho chị để chị kịp tới ngân hàng vay vốn v.v và v.v..., sẽ dễ dẫn đến việc công chứng bị qua mặt” – ông Dũng nói.

Ngoài yếu tố chuyên môn, nghiệp vụ, theo ông Dũng mỗi công chứng viên phải tự tích lũy cho mình kinh nghiệm ứng phó với các tình huống. “Trong công chứng, việc lăn tay khách hàng (chủ sở hữu tài sản) là việc làm hết sức quan trọng. Nếu là chủ sở hữu “xịn”, họ lập tức đồng ý cho các công chứng viên lấy vân tay mình, nhưng nếu đó là kẻ mạo danh, chắc chắn sẽ bộc lộ những thái độ e ngại, chần chừ. Khi đó, nếu công chứng viên có kinh nghiệm, sẽ nhận ra được bộ hồ sơ mình đang thụ lý có vấn đề” – ông Dũng đúc rút.

Quay lại vụ án Hoàng Thị Hòa An, dù trong quá trình hành nghề, công chứng viên đã lăn vân tay của các bên liên quan, nhưng theo quy định tại Luật Công chứng cùng các văn bản khác liên quan, ông Nguyễn Đức Thịnh đã mắc phải các sai phạm, như không đối chiếu những vân tay đó với “bản vân tay gốc” ở chứng minh thư nhân dân. “Đây là một thiếu sót đáng tiếc trong nghề” – ông Dũng khẳng định.

Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm hành nghề công chứng, ông Nguyễn Bá Dũng khẳng định, khi tiến hành các văn bản ủy quyền hoặc sang nhượng có đồng sở hữu là vợ chồng, nhất thiết phải tiến hành xác định tình trạng hôn nhân của người ủy quyền, qua đó sẽ hạn chế tối đa những vụ án lừa đảo trong hoạt động công chứng.

Bổ sung những ý kiến trên, luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, dù ở công chứng hay các ngân hàng đều có những điểm chung khá căn bản: Do áp lực công việc mong muốn phục vụ khách hàng nhanh chóng, chu đáo cũng như cạnh tranh với các đơn vị khác, nên việc thẩm định hồ sơ thường hay nóng vội, và đây là yếu tố “chết người” khi hành nghề.

“Vì lẽ đó, công tác thẩm định nhất thiết phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản, bởi chỉ cần mắc lỗi ở một công đoạn, sẽ kéo theo hàng loạt những sai phạm tiếp theo, mang tính hệ thống” – luật sư Đăng nói.

Tòa tuyên bị cáo Hoàng Thị Hòa An 20 năm tù về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 30 tháng tù cho tội Làm giả con dấu, tài liệu, tổng hợp hình phạt chung 22 năm 6 tháng tù. Với hành vi làm giả con dấu, bị cáo Hà Huy Lâm bị tuyên 15 tháng tù treo. Do những sai sót về nghiệp vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, công chứng viên Nguyễn Đức Thịnh phải thụ án 15 tháng tù treo về hành vi thiếu trách nhiệm.

MỚI - NÓNG