100% cơ sở nấu rượu không phép
Lần theo nguồn gốc sản xuất rượu chứa methanol mà Sở Y tế Hà Nội xác định sau vụ 9 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương nhập viện 5 ngày trước, ngày 13/3 phóng viên đã về những địa phương này để tìm hiểu.
Theo ghi nhận, từ đầu ngõ cụm 8, làng Thúy Hội xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), từng tốp từng tốp người dân địa phương xôn xao câu chuyện cơ sở rượu Bắc Hùng cung cấp rượu cho các đại lý, cửa hàng có thể dẫn tới việc hàng loạt sinh viên ngộ độc sau khi uống. Bà Thơm (người địa phương) cho biết, vài ngày gần đây liên tiếp có các đoàn kiểm tra các hộ dân nấu rượu. “Sau khi biết cơ quan chức năng xác định rượu Bắc Hùng liên quan tới vụ ngộ độc rượu, cả làng đều lo lắng, bất an vì từng sử dụng rượu ở đây. Mỗi khi đoàn công tác ra về, gia đình ông Hùng đều đóng cửa và ít ra ngoài”, bà Thơm nói.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 13/3, lãnh đạo UBND xã Tân Hội cho biết, ngày 11/3 địa phương đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra toàn bộ 20 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Theo đó, xã xác định 100% cơ sở này là các hộ dân tự nấu rượu gạo phục vụ nhu cầu địa phương và đều không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Trước mắt UBND đã tạm đình chỉ sản xuất đối với những hộ này để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý. Đồng thời phối hợp với UBND huyện lập các đoàn công tác liên ngành tổ chức lấy mẫu, kiểm tra quy trình sản xuất”, ông nói.
Đối với hộ gia đình ông Hùng (trú cụm 8, làng Thúy Hội, người được cho là cung cấp cho quán hàng tạp hóa liên quan vụ việc sinh viên ngộ độc rượu 5 ngày trước), tổ công tác đã thu giữ 80 lít rượu tại nhà ông Hùng. Qua bước đầu kiểm tra, số rượu này chưa có dấu hiệu pha hóa chất.
Về thông tin cơ quan điều tra xác định nhóm sinh viên ngộ độc rượu sau khi uống rượu do chứa methanol, vị phó chủ tịch cho biết, đơn vị chưa xác định được ông Hùng có giấu giếm mua rượu nơi khác về để pha chế bán cho các cửa hàng hay không. Do đó UBND xã gửi mẫu rượu đã thu giữ lên cơ quan chức năng để thẩm định lần nữa về nồng độ methanol.
Chủ cơ sở bán rượu trốn khỏi nhà
Trong khi đó, tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), mấy ngày nay người dân trong thôn vẫn chưa hết hoang mang về vụ ngộ độc rượu liên quan tới cơ sở chuyên cung cấp rượu Duy Hảo của bà Nguyễn Thị Hảo. Ngôi nhà 50m2 đầu thôn của bà chủ này luôn trong tình trạng khóa trái. Bà Sinh (người địa phương) cho biết, bà Hảo có hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi hai con. Vài năm trở lại đây, bà Hảo không nấu rượu mà mua từ nơi khác về rồi bán lại cho các quận, huyện khác ở Hà Nội.
“Giá rượu nếp truyền thống tại địa phương có giá 40.000-45.000 đồng/lít trong khi những loại rượu trôi nổi tại các cửa hàng tạp hóa chỉ từ 15.000-20.000 đồng/lít. Loại rượu trôi nổi này thường bán cho những người lao động phổ thông hoặc sinh viên. Người dân trong thôn không sử dụng rượu Duy Hảo”, bà Sinh nói.
Ông Vũ Văn Tuấn, trưởng thôn Cự Đà cho biết, vài ngày trước khi cơ quan công an tới làm việc về vụ ngộ độc rượu, bà Hảo do quá sợ hãi đã rời khỏi nhà. Sau đó, cơ quan chức năng đã mời người phụ nữ này lên làm việc. Từ trước đến nay, trong thôn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc rượu phải nhập viện điều trị. “Cả thôn có gần 2.000 hộ, trước đây có khoảng 30 hộ nấu rượu theo phương thức truyền thống sử dụng gạo nếp và men tự sản xuất để sử dụng và cung cấp ra thị trường.Tuy nhiên hiện nay những hộ nấu rượu đã giảm đi nhiều”, ông Tuấn nói.
Bà Lê Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, UBND huyện đã lập các tổ công tác và đang tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.