Đừng biến Thủ đô thành nơi thử nghiệm

Đừng biến Thủ đô thành nơi thử nghiệm
TP - "Đề án mở rộng Hà Nội trình Quốc hội kỳ này, là một sự vội vã không cần thiết. Cho dù những ý tưởng ấy có hạt nhân hợp lý nhưng phương pháp tư duy và quy trình thực hiện tôi cho là không bình thường", - ông Dương Trung Quốc nói.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào ngày 13/5, sau đó các ĐBQH có một phiên thảo luận ở tổ và một phiên thảo luận ở hội trường trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết về vấn đề này, dự kiến vào chiều 22/5.

Tiền phong đã  có cuộc trao đổi với ông Dương Trung Quốc, TTK Hội Sử học VN, ĐBQH Đoàn Đồng Nai về vấn đề này. 

Ông Quốc nói:

Nếu đọc văn bản của  Đề án mở rộng Hà Nội (sẽ bao trọn toàn bộ tỉnh Hà Tây cộng thêm huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh  Hòa Bình-PV) thì thấy tư duy của các nhà thiết kế chủ yếu theo hướng pha loãng. Pha loãng cả không gian và pha loãng cả những vấn đề đang tồn đọng của Hà Nội.

Tôi cho đây là tư duy không biện chứng và không tưởng. Thí dụ như là nhờ diện tích rộng như thế thì tỷ lệ cây xanh trong thành phố sẽ nhiều hơn, mặt bằng để có thể xây dựng đường sá nhiều hơn…

Điều đó là lý thuyết thôi! Chứ thực tế nó không chỉ bị pha loãng mà thậm chí nó còn có thể bị biến dạng mà không ai có thể lường trước được. Bởi vì, những nhân tố ở đây nó như một thứ hóa chất, và nó sẽ vận động theo quy luật của nó chứ không tuân theo ý muốn của chúng ta.

Tôi nghĩ, điều đó nó có thể chưa nảy sinh những vấn đề lớn ở nhiệm kỳ của những người thiết kế, nhưng nó sẽ nảy sinh ở nhiệm kỳ của người thừa kế! Và tư duy theo nhiệm  kỳ  vẫn đang là một cái gì đó tác động vào đời sống của chúng ta.

Thưa ông, Quốc hội và ĐBQH sẽ có tiếng nói gì trước vấn đề quyết định  mở rộng Hà Nội? Và việc HĐND các tỉnh được sáp nhập về Hà Nội  và ngay bản thân HĐND Hà Nội đã họp bất thường và có nghị quyết đồng ý sự sáp nhập này, đã  đủ tính pháp lý?

Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã khẳng định rằng, tất cả quy trình về vấn đề này (lấy ý kiến HĐND 4 địa phương và lấy ý kiến MTTQ về Đề án mở rộng Hà Nội trước khi Chính phủ trình ra Quốc hội-PV) là đúng luật; không cần lấy ý kiến của dân vì các vị đại biểu trong HĐND là đại diện cho dân; và bây giờ chúng tôi là ĐBQH cũng là đại diện của dân rồi…

Tôi cho cách nói như thế là ngụy biện. Tôi không dám đảm nhận cái chức trách quan trọng như thế!

Nếu đề án được chuẩn bị thật kỹ, được cung cấp cho chúng tôi  trước thì những cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi sẽ hỏi dân, hoặc hỏi những nhà chuyên môn, các tổ chức xã hội nghề nghiệp … và có cơ sở để chúng tôi bấm nút (biểu quyết bằng bấm nút tại nghị trường QH-PV) với đầy đủ cơ sở khoa học.

Còn  đến đây chúng tôi mới nhận được văn bản đề án ấy- cho dù văn bản lần này  cũng không đến nỗi chỉ một vài trang- thì  tôi nghĩ vẫn không thể yên tâm khi mình đại diện  cho người dân trong quyết định quan trọng này được.

Mới đây, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bày tỏ ý kiến trên báo chí: Việc quyết định  mở rộng Hà Nội-một việc hệ trọng- mà  sao cơ quan chuẩn bị đề án lại  suy nghĩ giản đơn đến vậy! Ông nghĩ sao?

Ta cứ nhìn  dự án thành phố bên sông Hồng (cũng của Hà Nội-PV) thì đã thấy, đó mới chỉ là ý tưởng chứ đã thành hiện thực đâu?

Đề án mở rộng Hà Nội trình Quốc hội kỳ này, là một sự vội vã không cần thiết. Cho dù những ý tưởng ấy có hạt nhân hợp lý nhưng phương pháp tư duy và quy trình thực hiện tôi cho là không bình thường.

Đừng biến Thủ đô thành nơi thử nghiệm ảnh 1 Tôi chỉ có cảnh báo rằng: Hãy nghiêm túc học lại lịch sử. Đừng biến đất nước, nhân dân và Thủ đô thành nơi thử nghiệm cho ý chí của mình để rồi cứ mỗi lần sửa chữa sai lầm lại biến thành một thành tựu đổi mới.Đừng biến Thủ đô thành nơi thử nghiệm ảnh 2 - Dương Trung Quốc

Tại sao một việc quan trọng như thế (cá nhân tôi đánh giá nó quan trọng ngang với việc vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long) mà lại diễn ra bằng các hội nghị bất thường của hội đồng nhân dân các tỉnh? Tại sao lại như vậy? Tại sao không có một lộ trình cần thiết?

Và tại sao chúng ta không biến những ý tưởng tốt đẹp của đề án này đưa ra thành những ý tưởng để chúng ta thảo luận.

Quốc hội có thể chấp nhận đưa vào thảo luận để thời gian tới từng bước một chúng ta tiến hành, chứ nay đòi hỏi Quốc hội thông qua nghị quyết, sáp nhập xong rồi mới bắt đầu tổ chức nghiên cứu để xây dựng đề án, cái đó là làm ngược!

Theo ông, liệu một loạt các mục tiêu, cũng là lý do mà cơ quan chuẩn bị đề án đưa ra  để mở rộng Hà Nội có đạt được không?

Theo tôi, các thông số chúng ta không dự báo được bởi vì đề án này không mang tính khoa học mà mới thể hiện ý chí  và  ý tưởng thôi. Cho nên tôi rất khó mà bình luận nó.

Nếu có chăng, đến lúc biểu quyết thì sẽ có đại biểu Quốc hội biểu quyết sự tín nhiệm đối với ý chí của những người đề ra thôi, chứ không phải là tín nhiệm đối với tính khả thi và khoa học của đề án này. 

Cá nhân tôi- suy nghĩ bằng tư duy hồi cố- tôi cho rằng, chúng ta đã vấp không ít những sai lầm rồi nhưng chúng ta không nghiêm túc học được những bài học, và chúng ta biến việc mỗi lần sửa chữa sai lầm thành một thành tựu!

Điều đó đã thúc đẩy một lối hành xử và tư duy như ở đề án này. Năm mười năm nữa liệu có ai bàn đến chuyện trách nhiệm của  Quốc hội ngày hôm nay bỏ lá phiếu quyết định của mình hay không?

Được biết, tờ trình đề án đề nghị, nếu được Quốc hội thông qua thì mốc thời gian thực hiện nhập Hà Tây về Hà Nội là ngay ngày 1/7/2008, theo ông đó có là sự vội vã?

Ngay trong tờ trình của Chính phủ  nói nếu Quốc hội thông qua thì mốc thời gian thực hiện là ngay từ 1/7/2008. Dù nghiêm túc nhưng cũng thể hiện một tâm lý  vội vã.

Đọc kỹ tờ trình của Chính phủ, ở góc độ nghề nghiệp tôi thấy nhiều điều không ổn. Thí dụ như quy trình hình thành chẳng hạn, ta làm ngược. Và cái được gọi là đề án tôi thấy nó  không có cơ sở khoa học,  nó khó thuyết phục.

Tôi cho rằng cách tốt nhất là chúng ta ghi nhận đề án này rồi tổ chức  nghiên cứu thực hiện thiết kế, rồi trên cơ sở quy hoạch thiết kế   đầy đủ cơ sở khoa học mới quyết định những vấn đề có tính pháp lý của Nhà nước.

Hơn là chúng ta quyết định tính pháp lý nhà nước trước  rồi mới triển  khai cái đề án ấy thì đề án ấy sẽ đi đến đâu?

Như vậy sẽ có hàng loạt câu hỏi đặt ra về cơ sở khoa học, về  tính khả thi đối với đề án mở rộng Hà Nội,  ông có nghĩ Quốc hội sẽ mổ xẻ nó? Theo ông khả năng thông qua đề án này của Quốc hội ra sao?

Tôi nghĩ rằng Quốc hội  sẽ thảo luận sôi nổi, nhưng biểu quyết sẽ đơn giản...

Còn cá nhân ông khi biểu quyết đề án này sẽ bấm nút…?

Chắc chắn tôi sẽ bấm nút không tán thành.

Cảm ơn ông!

Tô Nam
Thực hiện

MỚI - NÓNG