Nhà riêng của anh ở dốc Bưởi (Hà Nội) trở thành một trung tâm, một điểm đến của các nghệ sĩ được gắn mác “cách tân”. Bẵng đi 30 năm không vẽ, Đức “nhà sàn” đột ngột xuất hiện với một triển lãm cá nhân “khác lắm, lạ lắm, vui lắm”.
Một triển lãm “rất vui”
“Phù thế” là tên triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức. Nó đang diễn ra ở Trung tâm thương mại Mipec Long Biên, kéo dài đến 25/12.
Không gian triển lãm bắt đầu bằng một cái cổng có vẽ số 0, mà theo như chủ nhân giải thích thì con số này vừa có thể phủ nhận, xóa sạch, vừa có thể tạo mới, dung chứa. “Tôi muốn mọi người đi vào bằng số 0 – không định kiến, không phán xét và đi ra cũng bằng số 0 – không bị ảnh hưởng, không bị chi phối, chúng ta vẫn là chúng ta”, anh nói thêm.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức |
Ngay bên tay phải cổng vào, nghệ sĩ bày hai cái tủ gỗ kiểu cũ, bên trong treo hầu hết những bộ đồ quan trọng của chính anh: bộ do con gái tặng, bộ do bạn bè tặng, thậm chí cả bộ anh từng mặc khi bị tai nạn trên cầu Long Biên. Khách tò mò mở cánh tủ, hóa ra bên trong tràn ngập âm thanh của đường phố: tiếng ô tô, xe máy, xe bus, xe cứu hỏa, cứu thương, tiếng còi, tiếng rao hàng trộn lẫn vào nhau. Ở cái tủ thứ hai, vẫn là quần áo giày tất, nhưng âm thanh lại đổi thành đoạn thoại của Lão Hạc với cậu vàng trong tác phẩm điện ảnh “Làng Vũ Đại ngày ấy” của NSND Phạm Văn Khoa: “Không biết khi nào bố cậu mới về, nó mà về nó giết cậu, liệu hồn đấy”!... Nhắc lại, người thủ vai Lão Hạc trong phim chính là cố nhà văn Kim Lân – “ông già” của Đức “nhà sàn”.
Nguyễn Mạnh Đức gọi lối vẽ của mình là “nghịch trên điện thoại”. Từ “nghịch” theo đúng nghĩa đen, vì toàn bộ tác phẩm đều được họa sĩ vẽ bằng ngón tay trên một phần mềm phổ thông, loại điện thoại thông minh nào cũng có.
Qua cổng, lọt giữa phòng tranh chính là một ngôi nhà gỗ Bắc Bộ ba gian được sơn xanh, bộ bàn ghế tiếp khách vẽ hoa văn “Phù thế” khiến nhiều khách bất ngờ bởi khi đụng vào nó, lại có một loạt âm thanh nổi lên. Bốn cái ghế được thiết kế theo bốn đường âm của ca trù: phách, đàn, trống, hát, ngoài ra tùy vào đường âm mà chủ nhân trộn thêm tiếng mưa, tiếng gió, tiếng chim kêu vượn hót... Như thế, khách chọn ngồi ghế nào, sẽ được thưởng thức âm thanh của ghế đó. Trường hợp có đủ 4 khách, thì lẫn trong câu chuyện sẽ là văng vẳng một buổi hát ca trù như gần như xa.
Sâu bên trong nữa, phía cuối phòng tranh còn một cái giường treo màn phất phơ. Trên đó có một cái gối thắp đèn neon, và xung quanh tràn ngập tiếng ngáy ngủ.
Nói triển lãm của Nguyễn Mạnh Đức chi bằng gọi đây là một cuộc sắp đặt có lẽ hợp lý hơn. Bởi ở đây, anh đã đem hầu hết kinh nghiệm làm phim của mình để áp vào không gian triển lãm, khiến cho khách, khi bước qua cánh cổng giống như bị đánh thức rất nhiều giác quan, cả thị giác, thính giác, vị giác lẫn xúc giác. Tác phẩm treo trên tường không ngay hàng thẳng lối mà có chút nghiêng lệch, lộn xộn. Bên dưới chân, thay vì thảm đỏ, đều những tranh là tranh. Chưa hết, không gian triển lãm sẽ được thay đổi và dịch chuyển theo tuần. Vào một số buổi tối, còn có các buổi diễn Quan họ, Chèo, Tuồng, Chầu văn...
Toàn bộ tranh trong triển lãm lần này đều được Nguyễn Mạnh Đức vẽ trên điện thoại trước khi phóng tác nó ra khổ lớn.
Tranh: Kim Duẩn |
Tinh thần “phá vỡ”
Kể về cái tên “Phù thế”, Nguyễn Mạnh Đức cho biết: nó có nghĩa là khước từ ổn định, đi đến mơ hồ, bất ổn, bồng bềnh, phiêu linh.
Kỹ thuật vẽ trên điện thoại được Đức “nhà sàn” khám phá ra trong thời Covid. Trước đó phải kể đến cú ngoặt trong quan điểm nghệ thuật của anh.
“Đầu tiên là phá vỡ quy ước, thói quen, thẩm mỹ trước đây, đón nhận sự thay đổi, mạo hiểm, đón nhận ngôn ngữ khác. Đối với tôi, trạng thái tự do, giải phóng trong nghệ thuật quan trọng hơn sự đẹp. Cũng phải mất rất nhiều thời gian tôi mới học được bài học về thái độ bình đẳng, trọng thị lẫn nhau, và không gây áp lực của mình lên người khác. Khi trải nghiệm đến một mức nào đó ta sẽ thấy rất nhiều giá trị mà chúng ta hay coi thường thì lại là một giá trị không thay đổi được, nó có lý do tồn tại của nó. Và rằng hóa ra ta lại học được rất nhiều từ những thứ ta từng bài xích ấy”.
Nhiệm vụ của người nghệ sĩ, theo Đức “nhà sàn” là tạo ra những giá trị mới, rồi sau đó phá vỡ nó, lại tiếp tục tạo ra. Vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ ấy không duy trì nhờ vào khao khát khẳng định cái tôi của nghệ sĩ. “Cái tôi mà bị nhấn mạnh quá sẽ thành ra diêm dúa, chính khao khát sáng tạo mới là động lực khiến người nghệ sĩ có thể làm mới, tạo ra những giá trị mới”.
Không gian triển lãm “Phù thế” |
Sự “phá vỡ” ấy của anh Đức, triệt để đến cả chất liệu và kỹ thuật. Anh gọi lối vẽ của mình là “nghịch trên điện thoại”. Từ “nghịch” theo đúng nghĩa đen, vì toàn bộ tác phẩm đều được họa sĩ vẽ bằng ngón tay trên một phần mềm phổ thông, loại điện thoại thông minh nào cũng có. Và không theo một trường phái sẵn có nào như anh từng được đào tạo trong trường Mỹ thuật: không lập thể, không trừu tượng, không hiện thực... Ban đầu, khi làm thế, anh chỉ muốn chứng minh với những người bạn trẻ: nếu chỉ cắm đầu vào biểu hiện và kỹ thuật thì máy móc sẽ thay thế chúng ta. Cái mà nghệ thuật cần chỉ có thể là ý tưởng, thông điệp, tinh thần, tư tưởng, là cái muốn nói, là vấn đề muốn giải quyết... Đó cũng là lý do anh không hề giấu nghề, cũng không câu nệ phải thuê thợ thật giỏi hỗ trợ kỹ thuật hay tác phẩm làm ra phải giống y phác thảo.
“Có rất nhiều sai số trong những phiên bản cuối cùng. Nhiều bức làm lỗi nhưng hầu hết tôi không bỏ đi, mà tìm lỗi nhân lên hoặc tạo thêm tình huống khác để lỗi cân bằng. Quá trình vẽ của tôi cũng không theo đề tài mục tiêu có sẵn, nó là quá trình ứng tác”, họa sĩ sinh năm 1953 chia sẻ về quá trình sáng tạo của mình.
Thực ra có một nguyên nhân sâu xa khác để những ứng tác của Đức “nhà sàn” thành công ngoài mong đợi là anh đã mang theo kinh nghiệm “lọ mọ, quái gở” của mấy chục năm làm phục chế đồ cổ và đồ sơn thếp giả cổ vào quá trình “làm tranh” của hiện tại. Trong suốt 30 năm không cầm cọ, Nguyễn Mạnh Đức tồn tại trong vỏ bọc một “ma xó” đồ giả cổ ở ngay đất Thủ đô. Các công trình tu bổ, sơn thếp quy mô lớn và khó, đâu đâu cũng thấy người ta nhắc tên Đức “nhà sàn”.
Nếu người ta lấy tranh tôi lát sàn tôi cũng vui
Bước vào không gian triển lãm “Phù thế”, nhiều người khuyên Đức “nhà sàn” đừng lấy tranh lát lối đi bởi làm thế thì “bôi bác”, anh chỉ cười. Tranh trong bộ “Phù thế” của Nguyễn Mạnh Đức hiện tại, ngoài lát sàn, còn có thể ốp nhà vệ sinh, ngoài các độc bản còn có dạng sản xuất hàng loạt, bán theo mét vuông.
“Với tôi bây giờ, cái quan trọng nhất là con người – các đối tượng thụ hưởng nghệ thuật. Nếu như họ cảm thấy run rẩy khi bước lên những viên gạch ấy, nếu như họ cảm thấy thoải mái, họ thấy rằng đẹp thì tôi rất vui. Thậm chí chỉ cần họ nhìn nó một cách ngỡ ngàng, hay nó gợi cho họ một cảm giác buồn cười, ngộ nghĩnh, vui vẻ... thì tôi cũng đã thích rồi. Tôi muốn nghệ thuật của mình được ứng dụng rộng rãi”, anh nói.
Lý do 30 năm không vẽ
Lý giải về lý do 30 năm buông cọ, Đức “nhà sàn” thật thà: vì cứ cầm bút lên là thấy mình vẽ na ná ông Chương (họa sĩ Thành Chương), bà Hiền (họa sĩ Nguyễn Thị Hiền), thế là không thích. Lúc ấy nghĩ, đến bao giờ mình mới trở thành một thằng người là mình? Khó quá, bởi vì hình ảnh của ông Chương, bà Hiền, ông già (Kim Lân) nó dính vào người như một cấu thành trong cơ thể rồi, cứ cố tình vẽ khác đi thì hoặc là mình không có khả năng hoặc là mình không trung thực. 30 năm ấy, Nguyễn Mạnh Đức làm đủ thứ nghề, từ xuất nhập khẩu, phục chế, làm đồ giả cổ, cho đến đi làm phim, bao gồm cả việc làm họa sĩ cho phim lẫn diễn viên. “Toàn việc lăng quăng vô bổ vô hại, sống dặt dẹo vì tuy làm nhiều mà không giàu vì không biết quản lý”, anh cười xòa.
Cho đến khi tìm ra cách “nghuệch ngoạc” trên điện thoại, với tâm thế không định kiến, không kinh nghiệm, chỉ vẽ bằng tất cả riêng tư, cá nhân của mình, mà nhờ thế “tôi không khống ai cả, không giống ông Chương, cũng chẳng giống bà Hiền, cũng chẳng giống ông Lân và tôi có thể suy nghĩ theo cách tôi muốn, và tôi sử dụng nó như một phương tiện để nêu ra một cái ý nghĩa, một cái ấp ủ, một câu chuyện...”.