Ðua trên đường phố hay xây trường đua chuyên nghiệp?

Một số giải đua Go-kart (còn được gọi là giải F1 mini) đã được tổ chức tại Việt Nam
Một số giải đua Go-kart (còn được gọi là giải F1 mini) đã được tổ chức tại Việt Nam
TP - Nếu được tổ chức tại Hà Nội, giải đua xe chuyên nghiệp số 1 thế giới F1 được cho là sẽ mang lại cho Thủ đô hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tính lâu dài, mở một trường đua chuyên nghiệp sẽ rẻ hơn chi phí tổ chức các chặng đua đường phố.

Thành phố Hà Nội đang đàm phán để tổ chức giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1). Phương án tổ chức điểm đua ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình, địa điểm đã đồng bộ hạ tầng, tuyến đường có sẵn.

Mong tận mắt xem màn đua tốc độ

Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội cho biết, Sở đã có buổi tiếp xúc với người dân tại các phường thuộc quận Nam Từ Liêm dự kiến có đường đua chạy qua. Trong đó 100% ủng hộ và chờ đợi sự kiện F1 đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Về chi tiết đường đua, đại diện Sở VHTT và quận Nam Từ Liêm đều từ chối trả lời vì đây là thông tin mật của thành phố. Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, quãng đường đua xe dự kiến dài 6,5km qua các tuyến phố Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ…

Thực tế, thông tin trên nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, đặc biệt là những chuyên gia đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực đua xe tại Việt Nam. Theo anh Nguyễn Đại Nghĩa (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm) nếu giải đua xe F1 được tổ chức thì các nhà hàng, khách sạn quanh Mỹ Đình chắc chắn tăng doanh thu, bởi không chỉ người dân địa phương mà cả du khách các tỉnh, du khách quốc tế cũng sẽ đến xem rất nhiều. Tuy nhiên, anh Nghĩa tỏ ra băn khoăn là liệu người dân ở đây có đủ tiền để xem giải đua F1, bởi giá vé xem giải này trên thế giới đều rất đắt đỏ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Thắng (admin diễn đàn Otofun, đồng tổ chức một số giải đua xe) cho biết, đua F1 là bộ môn thể thao hàng đầu thế giới, doanh thu của mỗi giải F1 từ tiền bán vé, quảng cáo, truyền hình… nhiều khi còn vượt cả những giải đá bóng lớn. Đơn cử tại Singapore, mỗi lần tổ chức giải đua F1, có tới hàng trăm nghìn người theo dõi trực tiếp, chưa kể truyền hình trực tiếp, doanh thu mỗi mùa ước tính gần 200 triệu USD. Toàn bộ đường phố nơi tổ chức đua sẽ được ngăn lại, dựng khán đài, khu vực thi đấu cũng sẽ được kiểm soát an ninh chặt chẽ.

Nếu Hà Nội tổ chức được giải đua xe F1, chắc chắn doanh thu của ngành du lịch sẽ tăng mạnh. Theo ông Thắng, nếu tổ chức vòng đua quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình, FIA (Liên đoàn đua xe thế giới) sẽ đặt ra những tiêu chuẩn ngặt nghèo, trong đó toàn bộ đường sẽ phải thảm lại, những khúc cua cũng sẽ được tính toán cho phù hợp… “Bao nhiêu khúc cua trái, cua phải, bao đường thẳng tăng tốc phải do các nhà thiết kế đường đua thực hiện để đủ hấp dẫn”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Hồng Vinh (Giám đốc Cty Redline Racing - doanh nghiệp chuyên đào tạo kỹ năng lái xe) cho biết thêm, giải đua xe F1 là đỉnh cao của đua ô tô, ở Việt Nam bản chất chưa có lịch sử về môn đua xe. Cty của ông Vinh đã tổ chức một số giải Go-kart (giải đua xe F1 mini), đây được coi là tiền đề cho những tay đua trước khi bước lên giải chuyên nghiệp F1- tuy nhiên được đến chuyên nghiệp như F1 còn rất xa. Theo ông Vinh, giới motor ở Việt Nam đang rất mong chờ giải đua F1 đầu tiên của Việt Nam, đây cũng là 1 công cụ thúc đẩy du lịch, bởi giải đua được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới.

Về những lo ngại tiếng ồn, cũng như độ an toàn của giải đua F1 đường phố, ông Vinh khẳng định: “Với giải đua F1, không có gì phải lo lắng về những vấn đề đó”. Đường đua có làm những giải phân cách cứng, mềm, khán đài được bố trí hợp lý với đường đua để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, “âm thanh thuần khiết” của tiếng động cơ là một trong những điểm hấp dẫn, yếu tố kích thích của giải đua bên cạnh yếu tố hình ảnh. Việc đua trong một thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Cần tính toán khía cạnh kinh tế

Trên thế giới, doanh thu của tập đoàn Formula One Group (đơn vị tổ chức giải F1) đang sụt giảm qua từng năm. Đầu năm 2017, Malaysia đã dừng tổ chức giải F1 sau 19 năm đăng cai liên tục do doanh thu sụt giảm. Được biết, mỗi năm nước này tốn 67 triệu USD để tổ chức giải F1, việc giảm doanh thu được lý giải vì chi phí tổ chức đắt đỏ, lượng người xem truyền hình giảm cũng như sự cạnh tranh của các trường đua trong khu vực.

Đại diện trường đua xe Happy Land (trường đua xe chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam) cho rằng, dù đơn vị tổ chức giải đua F1 có suy giảm doanh thu so với trước đây nhưng sức hút của giải vẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tổ chức được lâu dài, ban tổ chức cần có kế hoạch cân đối tài chính phù hợp để phát triển giống như Singapore, Monaco, Pháp. Kể cả việc tính toán nên tổ chức tại trường đua hay đường phố, bởi đua xe đường phố tưởng rẻ nhưng về lâu dài chi phí vận hành rất cao.

Theo vị này, chọn đường phố công cộng để đua xe F1 có lợi thế chi phí ban đầu rẻ hơn so với việc xây dựng một trường đua, trong khi hiệu quả lại cao hơn khi các địa danh của thành phố tiếp cận được hàng trăm triệu người xem truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, chi phí hằng năm cho một chặng đua trên đường phố bị đội lên rất nhiều, bởi ngoài chi phí dựng khán đài tạm thời, nâng cấp chất lượng mặt đường của FIA rất ngặt nghèo. Ngoài ra, vấn đề an toàn cũng không thể bằng tổ chức trong trường đua.

Theo tính toán, xây một trường đua tiêu chuẩn cho đua xe công thức F1 sẽ mất khoảng hơn 1 tỷ USD. Còn tổ chức ngoài đường phố, mỗi năm sẽ mất vài trăm triệu USD để nâng cấp và dọn đường. Ðặc biệt, xe cộ qua lại sẽ khiến đường sá xuống cấp không đạt chuẩn sẽ rất tốn kém chi phí bảo dưỡng.

Ðua trên đường phố hay xây trường đua chuyên nghiệp? ảnh 1  
MỚI - NÓNG