Phó An My thăng hoa trong đêm diễn. Ảnh: Xuân Phú. |
Vốn say mê âm nhạc của chầu văn, Phó An My đã nghiên cứu, tìm hiểu khá nhiều và ấp ủ làm một đêm nhạc piano với hát văn từ năm 2005. Nhưng nếu cứ ngồi chờ được tài trợ thì chẳng biết bao giờ. Đầu năm 2011, My bỗng cao hứng và đặt quyết tâm phải làm bằng được trong năm nay.
Cần trao huân chương về… sự liều mạng
Khi cô trao đổi ý tưởng này với người bạn, người sẽ giúp cô làm đạo diễn chương trình, người bạn: “hỏi thật bà, bà có bao nhiêu tiền?”. My trả lời: “5 triệu.” Người bạn trợn tròn mắt ngạc nhiên: “Bà có điên không đấy?”. Nhưng sau đó, anh cũng muốn giúp bạn với lời gợi ý: “Nếu không muốn lỗ, bà chỉ có cách bán vé, và phải bán được ít nhất 500 vé. Không thì từ bỏ ý định này đi”.
Tự thấy tên tuổi mình không đủ độ hot để có thể bán được ngần ấy vé, lại với giá cao ngất ngưởng: 1,5 triệu đồng, nhưng My quyết làm. Bởi cô nghĩ nếu mình không liều thì chả biết đến bao giờ. Rất may, cô được nhiều người bạn nhiệt tình ủng hộ.
Cô thú nhận, chính bạn bè đã kích cô phải làm, chứ không cô vẫn còn mải rong chơi. 494 vé được phát đi (My nhớ chính xác từng con số vì cô phải tự tay ghi số ghế và đóng dấu để giao cho các bạn mang đi bán) và 20 người bạn của cô đã bán hết vé chỉ trong vòng 5 ngày.
Nhạc sỹ Dương Thụ, người đã khích lệ Phó An My rất nhiều, đã bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và chạy taxi đi bán vé giúp cô. Ông trần tình: “Là người đã từng làm công tác tổ chức biểu diễn, tôi hiểu My đâu có nổi tiếng đến mức có thể bán được vé với mức giá 1,5 triệu đồng. My cần được trao tặng huân chương về sự liều mạng. Chính vì vậy, tôi cũng phải lựa chọn trong số những người bạn của tôi những người nào có thể mua được vé với giá tiền nào”. Và kết quả là ông đã bán giúp cho My được 12 chiếc vé.
Nghệ nhân Vũ Giỏi, người chịu trách nhiệm phần trang phục cho My cũng đã hỗ trợ cô hai chiếc áo hầu văn khi biết cô không có nhà tài trợ nào, tự bỏ tiền túi ra làm. Anh cho biết, anh và các nghệ nhân của mình đã kỳ công may và thêu chiếc áo trong hơn hai tháng trời. Theo ước tính của anh, trị giá hai chiếc áo đó khoảng hơn 60 triệu đồng.
Một ngày trước buổi diễn, liên lạc mãi với My không được. Hóa ra cô đang chú tâm vào tập luyện, tắt hết điện thoại. Hôm sau gặp My, cô cười hớn hở và khoe: “Bán hết vé rồi chị ạ. Em tự thấy mình quá giỏi, quá xuất sắc. Lần này chắc chắn không bị bù lỗ rồi. Thế là có thể yên tâm biểu diễn. Đây là lần liều duy nhất trong đời em, nên thử một lần cho biết.”
Tranh của Đỗ Hiệp. |
Tự thấy điên
Nhạc sỹ Dương Thụ, cố vấn nghệ thuật cho đêm nhạc Đối thoại hát văn của Phó An My nhận xét: “My là người đặc biệt. Hơi điên điên, khùng khùng. Tôi chưa thấy ai chơi Chopin dữ dội như My. Chính nhờ hai người này (Phó An My và nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên), ta sẽ có cách chơi nhạc riêng, có lối đi riêng cho âm nhạc Việt Nam. Hy vọng 10 năm nữa, người ta sẽ nhìn ra được điều này.”
Còn chính nghệ sỹ piano Phó An My nhận định: “Đây là chương trình dài hơi nhất, vất vả nhất và điên nhất của tôi.” Điên vì phải lo quá nhiều việc: từ ý tưởng, thiết kế, sân khấu, âm thanh, thuê rạp, giấy phép biểu diễn và bán vé.
Điên vì chương trình quá lớn, 60 phút cho một đêm nhạc chỉ toàn piano kết hợp với hát văn, tất nhiên cũng có dàn nhạc dân tộc phụ trợ như đàn nguyệt, gõ, sao, tiêu, nhị, tam thập lục. Điên vì guồng tập luyện. Để chuẩn bị cho đêm nhạc này, My đã phải tập luyện hầu như 12 tiếng mỗi ngày, liên tục trong vòng 6 tháng.
Trước ngày diễn một hôm, My ăn gì cũng không thấy ngon. Đầu óc quay cuồng. Cô nói: “Em tưởng em bị điên, em quá mệt. May sao, mọi việc đều tốt đẹp”. Và cô rút ra kết luận: “Lần sau có ai mời thì mới đi diễn. Chứ quyết không tự làm một mình nữa.”
My cũng tự nhận mình điên. Khi nói về My, bạn bè cũng cho rằng cô điên. Nhưng cái điên trong nghệ thuật đôi khi rất cần thiết để có thể làm những cuộc đột phá, làm cái chưa ai từng làm. Trong cuộc sống, My là người khá ngang tàng, thích là làm và ham chơi. Các nghệ sỹ thường luôn bắt mình phải tập luyện để giữ phong độ, My thì không. Cô bảo, thời khổ luyện đã chấm dứt. Cô không thể suốt ngày bó gối trong nhà tập luyện.
Có thời, khi mới đi du học về, My chỉ chơi. Khi trong tay có khoảng 20 triệu là xách ba lô đi du lịch. Đi du lịch mãi cũng chán. Cô chuyển sang đi buôn. Sang Quảng Châu đánh quần áo về bán. Có bận, vừa đánh hàng về khoảng 3 hôm đã hết hàng, lại tiếp tục đi. Cô bảo: vừa được chơi, vừa có tiền, sao lại không đi nhỉ? Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc và hội họa, nhưng dường như cô có máu kinh doanh ngay từ nhỏ. My biết kiếm tiền lúc 14 tuổi, khi đang theo học tại Đức.
Với khả năng hội họa được học từ nhỏ, cô vẽ tranh biếm họa và kết hợp với mấy bạn trong trường làm báo, bán cho các bạn trong trường. Nghệ sỹ dương cầm thường rất giữ gìn đôi tay của mình, tránh làm việc nặng. Nhưng My thì không.
Về nước, thời gian đầu, My chơi suốt. Cô cảm thấy tự ti khi đánh đàn ở quê nhà. Cô mở cửa hàng nội thất. Nhưng tất cả chỉ là cho vui, chứ cũng chẳng lời lãi gì. Kể cả đêm diễn này, cô cũng chỉ mong hòa vốn là may. Hỏi sao không nhờ sự giúp đỡ tài chính của gia đình? My bảo, bố mẹ em nói vớ vẩn, ai bắt mày làm đâu. Còn chồng thì ủng hộ về mặt tinh thần là quí lắm rồi.
Trong suốt thời gian học tập tại Đức, cô đã lăn lộn đủ nghề để kiếm sống từ phụ bàn, quét dọn cho đến đánh đàn ở quán bar. Cô bảo có người cụt tay, vẫn đánh đàn được đấy thôi. Quan trọng là ở cái đầu. |
Nghiêm túc phá đàn
Tôi hẹn gặp Phó An My sau giờ tập luyện, cô hồn nhiên: “Em còn phải đi uống bia với bạn bè”. Nhạc sỹ Dương Thụ nghe được tiếng đàn của My trong một lần tới thăm gia đình cô đã hết sức ngạc nhiên trước cách chơi đàn đầy cá tính. Khi ấy cô đánh đàn đệm cho người chú. Ông đề nghị My đánh lại bản nhạc cô vừa chơi, My cười nói: “Chú cứ uống bia với cháu đã, rồi cháu đánh cho chú nghe”.
Tôi trêu, nghệ sỹ gì mà mê uống bia thế. Cô cười to: “Em thích đàn đúm với các bạn, các bạn thích uống bia thì mình uống”.
Nói vui thế thôi, nhưng khi làm việc, My cực kỳ nghiêm túc. Đó cũng là một phần tính cách mà My đã được lĩnh hội trong 8 năm học tập tại Đức. Cô thú nhận, mình chơi nhiều, nhưng khi cần vẫn có thể tập trung 12 tiếng một ngày tập luyện, cứ thế 6 tháng liền. Nhưng diễn xong là chơi.
Khoảng năm 2005, lần đầu tiên My chơi dòng nhạc cận đại. My cho biết, kỹ thuật chơi dòng nhạc này cực khó, chẳng liên quan gì đến dòng cổ điển, cái mà cô đã được đào tạo 8 năm trời tại Đức. Cô đi khắp nơi lùng tìm mua đĩa nhưng không được. Để có thể tập được dòng nhạc này, My đã tập như điên suốt ba tháng trời đến nát bét chiếc piano của chú (nhạc sỹ Phó Đức Phương) khiến ông chú phải đi mua cái đàn khác.
Cảm xúc, ngẫu hứng và điêu luyện Nghệ sỹ piano Phó An My được công chúng biết đến lần đầu tiên với buổi trình diễn độc tấu piano năm 2005 tại L’Espace (Trung tâm văn hóa Pháp). Liên tiếp sau đó, cô có những buổi trình diễn gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả, trong đó có buổi độc tấu tại Festival Huế năm 2010. Từ 5 tuổi, Phó An My đã làm quen với chiếc đàn piano. 13 tuổi, My thi đỗ trường E.M. Phillips Bach ở Berlin, một trong những trường đào tạo âm nhạc có tiếng ở Đức và theo học 8 năm liền. Cô đã đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano- clarinette của thành phố Berlin năm 1996 và tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1998. Lựa chọn trường phái piano cận đại, Phó An My mang tới tiếng đàn giàu cảm xúc, phô diễn kỹ thuật điêu luyện với phong cách ngẫu hứng riêng biệt. Những chương trình như Phiêu thanh, Lửa thiêng (2008), Điều còn mãi với Bồng bềnh (2009), Tiếng thốt (2010) đều được sử dụng ngôn ngữ âm nhạc dân gian Việt Nam như tuồng, hò mái đẩy Huế, hát cọi dân ca Tày. Chương trình Đối thoại hầu văn với phần nhạc của Đặng Tuệ Nguyên và trình diễn piano của Phó An My diễn ra ngày 28-5 tại Rạp Công Nhân. Tác phẩm Bóng gồm 5 biến thể gọi là Nhập sẽ do Phó An My diễn với vai trò như một ông đồng, bà cốt để thánh nhập vào và sẽ cùng các nhân vật khác nhau ở mỗi giá đồng. Xen giữa các Nhập là phần hát văn cổ của nghệ nhân hát văn như NSND Thanh Hoài, nghệ nhân Dương Thanh An. Cây đàn piano của Phó An My và hát văn sẽ là hai thực thể song song tồn tại, có giao thoa, có bồi đắp nhưng không hòa lẫn vào nhau. |