Đưa heo bệnh, gà thối ra tiêu thụ
> Tứ bề thịt bẩn, gia cầm lậu
> Dịch cúm gia cầm xuất hiện tại Quảng Ngãi, Thanh Hóa
Ngày 18-10, lực lượng chức năng huyện Đông Hòa (Phú Yên) tiến hành tiêu hủy 16 con heo bị nhiễm bệnh, trong đó 10 con được phát hiện tại lò mổ của bà Trần Thị Mỹ Dung ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa.
Gà chết tại cơ sở của ông Hòa. Ảnh: Kim Cương. |
Khuya 17-10, lực lượng chức năng huyện Đông Hòa nhận được tin báo của người dân phản ánh, bà Dung đang chở heo bệnh về mổ nên đến kiểm tra. Số lượng heo tại chuồng là 19 con, thân mình đỏ, thở dốc; 3 con heo bệnh nằm ngoài vườn.
Số heo này là của gia đình bà Dung và có 5 con heo được mua ở vùng bệnh dịch tai xanh thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa.
Bệnh heo tai xanh xuất hiện ở huyện Đông Hòa cách đây 2 tuần và đã có hơn 500 con heo mắc bệnh này.
Thay vì báo cho lực lượng chức năng tiêu hủy, người chăn nuôi lại bán cho các lái heo với giá rất rẻ. Nhiều lái heo đã đổ xô về đây thu gom, vận chuyển đi đến vùng khác bán.
Cùng ngày, Trạm thú y huyện Trảng Bom (Đồng Nai) phối hợp với QLTT tiêu hủy 500 kg gà thối, mất vệ sinh.
Trước đó, tối 17-10, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở giết mổ gà do ông Nguyễn Ngọc Hòa (38 tuổi, ngụ ấp 3, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) làm chủ có gần 500 kg thịt gà chết đã tím tái, bốc mùi hôi thối, được làm sạch lông, đựng trong các thùng xốp, ướp đá chờ đem đi tiêu thụ.
Khi đoàn kiểm tra tới, chủ cơ sở không chịu mở cửa, đồng thời đổ một số lượng lớn gà chết thối, chưa làm lông xuống ao cá sau nhà để tẩu tán.
Cũng tại cơ sở này, ngày 4-10, cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu gần 1,7 tấn thịt gà chết đã làm lông chờ đem đi tiêu thụ. UBND huyện Trảng Bom quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động, đồng thời tạm giữ ô tô biển số 54L-0780 dùng để vận chuyển gà, nhưng cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động.
Theo Đức Huy - Kim Cương
Thanh Niên