Đưa hàng bình ổn đến người tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
Người dân vui mừng được mua thực phẩm tại điểm bán hàng trợ giá sau dịch. Ảnh: U.P
Người dân vui mừng được mua thực phẩm tại điểm bán hàng trợ giá sau dịch. Ảnh: U.P
TP - Trong bối cảnh nhiều người còn khó khăn sau dịch, nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN) đã cố gắng giữ giá sản phẩm, đưa thực phẩm giá bình ổn đến tay người tiêu dùng.

“Bao rẻ, bao ngon”

Vài ngày gần đây, điểm bán hàng trợ giá tại địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo (quận 5) luôn nhộn nhịp, người mua liên tục lựa chọn thực phẩm, người bán nhanh tay đưa thêm hàng lên ô quầy.

Từ quận Gò Vấp, ông Nguyễn Ngọc Nhân chạy gần 20 km đến quận 5 để mua hàng trợ giá. “Sau dịch, ai cũng khó khăn nên mua được thực phẩm tươi ngon, giá rẻ nên mừng lắm. Tôi thường đi chợ nên nắm rất chắc giá, nhưng chưa bao giờ tìm được nơi bán hàng rẻ hơn điểm bán này. Đơn cử như cá thác lác bình thường hơn 250.000 đồng/kg, nay chỉ còn khoảng 200.000 đồng; giảm hơn 40%. Tôi mong có nhiều điểm bán hàng trợ giá thế này để hỗ trợ người dân mùa dịch” - ông Nhân bày tỏ.

Ông Trần Huy Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động quận 5 bộc bạch, dù TPHCM đã trở về trạng thái “bình thường mới” nhưng còn rất nhiều người dân vẫn khó khăn do thu nhập giảm sút hoặc mất thu nhập, trong khi giá cả hàng hóa thực phẩm bán trên thị trường khá cao. Do đó, UBND quận 5 phối hợp cùng Phòng kinh tế quận 5, Trung tâm hỗ trợ phát triển kinh tế và Cung ứng lao động mở điểm bán hàng trợ giá cho người dân.

Cố giữ giá

Ông Nguyễn Minh Hà - chủ cơ sở chuyên sản xuất bánh tráng, bún, phở… huyện Củ Chi cho biết, nhiều nguyên liệu như bột mì, gạo, dầu ăn đều tăng khoảng 30% khiến đơn vị rất chật vật khi duy trì sản xuất. Tuy nhiên, ông Hà khẳng định vẫn sẽ giữ giá thành sản phẩm như cũ, ít nhất là đến hết năm để hỗ trợ khách hàng.

“Thời gian vừa qua, chúng tôi khá tốn kém khi duy trì công nhân thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, chi phí xét nghiệm, chi phí vận chuyển tăng cao… Sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 18, người dân vẫn còn rất khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Do đó, tôi cho rằng mình cố giữ giá ổn định lúc nào sẽ càng đỡ phần nào lo lắng cho người dân” - ông Hà bày tỏ.

Đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM cho biết, thời điểm này, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh song không có tình trạng khan hiếm hàng hóa nên người dân rất yên tâm mua sắm. Theo vị này, việc triển khai liên kết đã tạo được thị trường ổn định, doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý.

“Việc mở điểm bán hàng trợ giá của quận với mục đích hỗ trợ cho người dân trong địa bàn quận được mua thực phẩm giá tốt nhất có thể, tất nhiên yêu cầu phải thấp hơn giá cả hàng hóa tại chợ và siêu thị. Lý do, hàng hóa từ các DN đăng ký bán hàng tại điểm trợ giá này phải bảo đảm mua tận gốc, bán tận ngọn hoặc hàng chính DN sản xuất, tự đứng ra phân phối hỗ trợ người dân, không qua khâu trung gian... Dự kiến, chương trình bán hàng hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch Covid-19 tại quận 5 sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2021” - ông Cường khẳng định.

“Đến thời điểm hiện nay, các cửa hàng bán lẻ trực thuộc hệ thống siêu thị về cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng thiết yếu, hàng bình ổn cho nhiều tháng, đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định trong thời gian tới, không chỉ tại TPHCM mà còn các địa phương khác, hàng hóa đảm bảo đầy đủ” - đại diện siêu thị này cho biết.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, một số đơn vị sản xuất trứng than phiền sản lượng trứng cung cấp cho chế biến hay sản xuất bánh kẹo giảm 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí đầu vào tăng khiến các đơn vị kinh doanh phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh và các phương án cân đối chi phí phát sinh để không bị lỗ, mất khách hàng.

“Tuy rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sức mua kém nhưng các DN cố gắng giữ giá, tận dụng hết nguồn nguyên liệu dự trữ” - bà Chi nói.

MỚI - NÓNG