Đưa đạo đức nghề nghiệp vào chương trình đào tạo kế toán

Đưa đạo đức nghề nghiệp vào chương trình đào tạo kế toán
TPO- Chương trình ngành Kế toán - kiểm toán còn trùng lặp nhau, mang tính hàn lâm và việc đào tạo vẫn chưa đề cập đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Đó là nội dung được nhiều giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia về "Đổi mới đào tạo kế toán - kiểm toán trong các trường đại học khối kinh tế ở Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đưa đạo đức nghề nghiệp vào chương trình đào tạo kế toán ảnh 1

Nội dung trùng lặp

Đánh giá thực trạng công tác đào tạo bậc đại học ngành kế toán tại các trường đại học, thạc sĩ Nguyễn Đức Dũng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện nay trên cả nước chưa có quy hoạch cụ thể về mạng lướng các trường đào tạo về ngành kế toán.

“Việc thành lập các trường đại học đào tạo về kế toán khá dễ dàng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy. Nhiều trường chưa có đội ngũ giáo viên cơ hữu chất lượng tốt, có khi chỉ ghi vào danh sách giảng dạy cơ hữu mà không thực sự tham gia đào tạo, để đào tạo vẫn phải thuê hoàn toàn giảng viên ở các trường đại học khác”- thạc sĩ Dũng nói.

Thạc sĩ Dũng còn cho rằng, chương trình đào tạo tại các trường đại học còn mang tính hàn lâm. thiếu thực tế... Kết cấu khung chương trình quá nặng mà không mang tính hiệu quả cao. Một số môn học có hiện tượng trùng kiến thức, việc cụ thể hóa chương trình đào tạo còn nhiều lúng túng.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, nội dung môn học vẫn còn nặng về lý thuyết thuần túy, dù trong mấy năm gần đây, nhiều trường đại học, học viện có những đổi mới tích cực trong phương pháp giảng dạy theo hướng giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành và giờ tự học của sinh viên.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc này còn quá thấp vì cơ sở vật chất và kinh phí của các trường thường quá thiếu. Mặc khác, sự phối hợp với các doanh nghiệp để sinh viên thực tập tốt nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; thời gian thực tập ít, thậm chí chỉ là hình thức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Năng Phúc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng, đào tạo chuyên ngành Kế toán - kiểm toán còn quá nhiều môn học chuyên ngành, có nhiều môn học trùng lặp về nội dung khoa học như kế toán công ty, kế toán tập đoàn, kế toán công. Vì có sự trùng lặp nên người giảng và người nghe đều không hứng thú.

Thạc sĩ Trần Trung Tuấn, ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: “chương trình hiện nay chưa tính đến vấn đề hội nhập. Đặc biệt, chưa chú trọng đến ngoại ngữ và kỹ năng mềm của cán bộ Kế toán - kiểm toán sau này một cách thích đáng”.

Đạo đức nghề nghiệp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hà Tấn - Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, giảng dạy môn học kế tóan tài chính phải có sự thay đổi. Với bài tập kế toán tài chính cần phải xuất phát từ thực tế, không nên suy diễn từ lý thuyết. Phải nghiên cứu những tình huống từ thực tế để hình thành bài tập, qua đó yêu cầu sinh viên phân tích, giải quyết tình huống từ cơ sở lý thuyết.

Phó Giáo sư Tấn đề xuất, các chương trình đào tạo kế toán và kiểm toán hiện nay vẫn chưa đề cập đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp: “Trong thực tế có khá nhiều vụ việc tiêu cực xuất phát từ lĩnh vực kế toán và kiểm toán. Hành xử một cách có đạo đức là vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp, lợi ích của doanh nghiệp và niềm tin của công chúng. Do đó, chương trình học cần đưa vào các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như một nội dung thiết yếu”.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thế Chi đề nghị: “Rà soát lại nội dung cụ thể của môn học để tránh trùng lặp, giảm bớt những vấn đề không cần thiết, bổ sung kiến thức mới như các thông lệ, chuẩn mực chung mang tính quốc tế về kế toán, nhằm cung cấp thêm lý luận cơ bản và tạo điều kiện cung cấp thông tin hội nhập về kế toán quốc tế và khu vực...”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Năng Phúc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất hoàn thiện chương trình đào tạo kế toán- kiểm toán trong các chương đại học. Khi xây dựng chương trình đào tạo cần tham khảo một số chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán- kiểm toán của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, thông qua việc khảo sát các chương trình đào tạo tại một số trường đại học khối kinh tế hàng đầu thế giới.

“Khi xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán- kiểm toán bậc đại học cần xem xét và kết hợp với chương trình đào tạo chuyên ngành bậc cao học và nghiên cứu sinh. Điều này hạn chế tối đa những kiến thức trùng lặp về chuyên môn ở cả ba cấp đào tạo”- Phó Giáo sư Phúc cho hay.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.