Đưa cả sinh viên vào biên chế

Đưa cả sinh viên vào biên chế
TP - Nhiều sinh viên được các trường mầm non ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) tuyển dụng vào biên chế để đủ định biên. Việc này xảy ra kể từ khi tỉnh Quảng Bình có chủ trương chuyển đổi toàn bộ trường mầm non bán công sang công lập.

Quyết định chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập có hiệu lực vào tháng 1-2011. Theo đó, các trường mầm non sẽ được cấp ngân sách nhà nước để hoạt động thay vì phụ huynh học sinh phải đóng góp như trước. Đây được xem như “một cuộc cách mạng” đối với bậc giáo dục mầm non của Quảng Bình. Bởi, từ chỗ dạy hợp đồng, thu nhập bấp bênh vì phải tùy thuộc vào sự đóng góp của phụ huynh, thì nay giáo viên mầm non được vào biên chế Nhà nước.

Trước đây, để tiết kiệm chi phí, hầu hết trường mầm non bán công không hợp đồng đủ giáo viên theo quy mô trường lớp như quy định (từ 25 đến 30 cháu/1 lớp/2 cô). Kể từ khi quyết định chuyển đổi có hiệu lực, các trường mầm non trên địa bàn ồ ạt tuyển dụng giáo viên để đủ định biên theo quy định của bậc học mầm non. “Cung không đủ cầu”, nhiều hiệu trưởng mới nảy ra “sáng kiến” tuyển luôn sinh viên đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để chờ... họ ra trường.

Một giáo viên mầm non dạy ở Đồng Hới xin được giấu tên cho biết: Bình quân mỗi trường thiếu từ 3 đến 10 giáo viên và các chức danh khác như nhân viên y tế, văn thư... Do thời điểm tuyển dụng là vào giữa năm học (tháng 1), sinh viên chưa ra trường, với lại tất cả các trường đều tuyển dụng khiến “ứng cử viên” thiếu trầm trọng nên đã xảy ra tình trạng nói trên.

“Đa số người được tuyển mới đều không đi làm vì còn bận đi học. Có trường hợp được tuyển dụng chỉ đến trình diện một lần rồi biến mất tăm, thậm chí có trường hợp chưa bao giờ thấy mặt mũi ngang dọc nhưng vẫn có trong danh sách nhận lương”, giáo viên này nói.

Hầu hết hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn Đồng Hới mà PV Tiền Phong tiếp xúc đều thừa nhận tình trạng nói trên. Họ cho rằng, được giao biên chế mà không tuyển dụng thì phí nên các hiệu trưởng bàn với nhau cùng làm.

Còn về số tiền lương dôi ra do tuyển dụng khống, mỗi trường có chủ trương chi tiêu mỗi khác. Trường thì dùng bù cho các giáo viên phải “gánh vác” trách nhiệm cho những trường hợp tuyển khống, trường thì dùng làm quỹ phúc lợi, trường thì để đó “chưa dám tiêu”…

Bà Lương Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Sơn, cho biết: Sau chuyển đổi, trường này phải tuyển thêm 4 giáo viên và 2 chức danh văn phòng và y tế là thành 6 người. Bà được bổ nhiệm lên hiệu trưởng vào tháng 3 và cùng thời gian này, bà tuyển luôn 6 chức danh nói trên. Tuy vậy, 6 người này lại được nhận truy lĩnh lương từ tháng 1. “Thấy các trường làm như thế cả nên em làm theo, các anh đừng truy xét em mà tội, em mới lên hiệu trưởng được mấy tháng”, bà Vui năn nỉ.

Bà Lê Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Ninh, - nơi cũng nhận thêm 6 người, nói: “Lương nhận về đó chúng tôi chưa dám tiêu, đang định xin ý kiến cấp trên xem thế nào đã. Các cháu được nhận vào đều là người địa phương cả, đang đi học. Tháng 7 này ra trường thì các cháu sẽ về đi làm”.

Có được bật đèn xanh?

Với mức lương bình quân khởi điểm 1,86 và được truy lĩnh từ tháng 5, mỗi trường trên địa bàn Đồng Hới nhận khống trên dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Phan Xuân Luật, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Đồng Hới, cho rằng, mình không hề biết vì việc tuyển dụng là do hiệu trưởng các trường và Phòng Nội vụ làm.

“Tôi sẽ kiểm tra lại, hiệu trưởng nào nhận người sai sẽ phải chịu trách nhiệm”. Ông Luật khẳng định là không có việc bật đèn xanh cho các trường làm bậy và cũng chưa thấy trường nào “đi cảm ơn cấp trên” như tin đồn.

Ông Trần Viết Cay, Trưởng phòng Nội vụ Đồng Hới, nói rằng việc tuyển dụng cho đủ định biên ở các trường mầm non ở thành phố chưa làm vì còn phải đợi hướng dẫn từ Sở Nội vụ Quảng Bình. “Hình như là họ hợp đồng thêm cho đủ người chứ làm gì có chuyện ấy. Chúng tôi chỉ quản lý người trong biên chế, chứ hợp đồng thì ở trường và Phòng Giáo dục họ tự quyết”, ông Cay nói.

Tuy nhiên, hầu hết hiệu trưởng mầm non ở Đồng Hới đều khẳng định, hồ sơ tuyển dụng đã được chuyển lên Phòng Giáo dục. Theo quy trình, hồ sơ tuyển dụng từ trường chuyển lên Phòng Giáo dục, sau khi xem xét, nếu đạt, phòng này sẽ chuyển lên Phòng Nội vụ và UBND thành phố là cấp cuối cùng xét duyệt.

Nói về nguyên tắc giải ngân tiền lương tại Kho bạc Nhà nước, bà Đỗ Thị Lệ, Trưởng phòng Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước Quảng Bình, cho biết, thường vào đầu năm tài chính, các đơn vị hưởng ngân sách phải có dự toán lương của cấp có thẩm quyền giao; có bảng đăng ký quỹ lương; hằng tháng khi muốn rút lương buộc phải có danh sách chi lương ghi rõ họ tên, hệ số lương, phụ cấp cụ thể.

Bà Hoàng Thị Bích Liên, Kế toán trưởng Phòng giao dịch Đồng Hới thuộc Kho bạc Nhà nước Quảng Bình, nói: “Từ tháng 1 đến tháng 4, Phòng Giáo dục Đồng Hới chỉ sang ứng lương cho giáo viên mầm non.

Sang tháng 5, Phòng Giáo dục Đồng Hới đưa danh sách sang nhận lương nhưng chúng tôi đã từ chối vì không có hệ số lương. Sau đó ít ngày thì thấy họ đưa sang đầy đủ hồ sơ, có danh sách, có hệ số và kèm theo các quyết định liên quan của lãnh đạo thành phố, lúc đó chúng tôi mới chi lương và cho truy lĩnh luôn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG