Đưa bạo lực tình dục ra ‘vùng sáng’

Việt Nam đang đứng trước báo động về nạn xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em (ảnh minh hoạ). Ảnh: Diệp Anh
Việt Nam đang đứng trước báo động về nạn xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em (ảnh minh hoạ). Ảnh: Diệp Anh
TP - “Một chiếc đũa không tạo nên sức mạnh nhưng cả bó đũa thì là câu chuyện khác. Đã đến lúc chúng ta bước ra khỏi vùng tối để cùng liên kết lại, cùng lên tiếng thì tiếng nói mới đủ mạnh mẽ khiến tội ác bị vạch trần và những kẻ dã tâm phải run sợ”, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề bạo lực tình dục đang xôn xao dư luận thời gian qua.

Phần nổi của tảng băng chìm

Mới chỉ trong ba tháng đầu năm đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong khi các gia đình trên cả nước đang sum họp ăn tết thì em nữ sinh ở Điện Biên bị một nhóm côn đồ dùng thủ đoạn bắt cóc, hãm hiếp trong nhiều ngày và cuối cùng giết hại dã man. Câu chuyện chưa kịp lắng xuống thì đầu tháng 3, lại xảy ra vụ thầy giáo ở Bắc Giang dâm ô hàng loạt học sinh tiểu học. Liên tiếp sau đó là vụ cháu gái 9 tuổi bị hiếp dâm trên đường đi học về và vụ người đàn ông tấn công tình dục một cô gái đi cùng thang máy ở một chung cư tại Hà Nội. Gần như cùng một lúc là vụ thầy giáo gạ tình học sinh ở Thái Bình rồi đến vụ nữ sinh ở Quảng Trị bị hiếp dâm tập thể bởi một nhóm nam sinh. Chưa kể vụ việc một bé gái ở Cà Mau bị người bán vé số sờ soạng cơ thể khi đang nằm trên võng.

Đưa bạo lực tình dục ra ‘vùng sáng’ ảnh 1 TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Ảnh: Diệp Anh

Đầu tháng 4, một bé gái ở Đăk Lăk cũng bị gã hàng xóm cho tay vào người sờ mó sau khi đưa cho bé 50 ngàn đồng. Tiếp đó là câu chuyện cháu bé 9 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh trở thành nạn nhân của một vụ tấn công tình dục khác trong khi đi cùng thang máy. Ngay sau đó, báo chí đưa tin một cháu gái ở Bắc Giang bị cha đẻ xâm hại tình dục suốt 4 năm liền, từ khi cháu mới học lớp 4…

“Có một thực trạng là nạn nhân của các vụ bạo hành tình dục thường lại trở thành tội nhân cho thói định kiến của xã hội Việt Nam”

Theo thống kê của Bộ Công An, năm 2018, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là hơn 1.200 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em). Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Tuy nhiên, theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam thì những con số thống kê ấy hay những vụ việc được dư luận biết đến thời gian qua vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vẫn còn rất nhiều trường hợp, câu chuyện đau lòng chưa được nói ra. “Một nghiên cứu của tổ chức ActionAid ở TPHCM và Hà Nội trên 2.000 người cho thấy có đến 87% nói rằng họ đã ít nhất một lần bị quấy rối tình dục nhưng phần lớn họ không dám lên tiếng tố cáo. Rất nhiều nạn nhân cũng đã nhắn tin chia sẻ với tôi câu chuyện của họ nhưng đề nghị không công khai danh tính. Họ chỉ muốn nói ra để giải toả nỗi niềm. Có những câu chuyện loạn luân trong gia đình khiến tôi thấy đau xót vô cùng”, bà cho biết.

Hãy hành động, đừng chỉ hô hào!

Đưa bạo lực tình dục ra ‘vùng sáng’ ảnh 2  Sinh viên với khẩu hiệu, thông điệp tại Hội nghị quốc gia về tình dục và sức khoẻ “Nạn nhân hay Tội nhân” do Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam tổ chức. Ảnh: Diệp Anh

Theo TS Khuất Thu Hồng, có lẽ chưa bao giờ vấn nạn bạo lực tình dục lại trở thành nỗi lo chung của nhiều gia đình đến như vậy. Chưa bao giờ dư luận xã hội lại đồng thuận đến như vậy trong nỗi bức xúc về hiện tượng xấu xa này. Nỗi lo lắng và bức xúc cứ bị đẩy lên theo mức xử lý nhẹ đến khó hiểu đối với những thủ phạm và tưởng như đã lên đến đỉnh điểm khi kẻ tấn công tình dục trong thang máy chỉ bị phạt 200 ngàn đồng – một mức phạt thấp đến mức khôi hài, đến nỗi không ít báo chí quốc tế cũng phải đưa tin. “Việt Nam cần tham khảo các nước xung quanh đang làm luật như thế nào. Chúng ta đã ký công ước quốc tế, chúng ta đã tuân thủ rất nhiều điều khoản, sửa đổi luật pháp để hài hoà với quy định của công ước quốc tế. Các nước cùng ký với ta đều có quy định rõ về bạo lực tình dục, dâm ô trẻ em… Còn ở Việt Nam, tất cả những khái niệm này đều chưa có hoặc chưa rõ ràng”, bà nhận định.

Cuối tháng 3 vừa qua, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam đã mở chiến dịch “Không bây giờ thì bao giờ”, kêu gọi tất cả những người quan tâm đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em hãy cũng đồng hành cùng chúng tôi gửi kiến nghị thư tới Quốc hội về việc sớm sửa đổi Bộ Luật Hình sự theo hướng bổ sung và chi tiết hoá các tội danh bạo lực tình dục và các hướng dẫn thi hành luật cụ thể để luật pháp thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc ngăn ngừa và xử lý các tội phạm liên quan đến tình dục chống lại phụ nữ, nam giới và trẻ em. Chiến dịch này nhanh chóng lan toả trên cộng đồng mạng và hàng nghìn người đã đồng loạt thay ảnh đại diện bằng hình ảnh tượng trưng cho chiến dịch.

Trước đó, năm 2017, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam cũng đã phát động chiến dịch thu thập chữ ký, gửi lên Quốc hội và Thủ tướng chính phủ về việc sớm đưa ra xét xử những vụ án xâm hại tình dục trẻ em gây xôn xao dư luận như ở Vũng Tàu hay ở Hoàng Mai, Ba Vì (Hà Nội)… đang có nguy cơ bị “chìm xuồng”. Người đứng đầu mạng lưới cho biết chỉ trong 7 ngày, chiến dịch đã thu thập được 30.000 chữ ký. Sau khi gửi lên quốc hội và thủ tướng thì thủ tướng đã nhanh chóng chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động thương binh xã hội, Viện kiểm sát nhân dân các địa phương liên quan phải đưa ngay những vụ việc này ra xử lý.

Bên cạnh đó, mạng lưới cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, toạ đàm, chia sẻ, khuyến khích mọi người hãy lên tiếng và nhận thức đúng về vấn đề bạo lực tình dục. “Có một thực trạng là nạn nhân của các vụ bạo hành tình dục thường lại trở thành tội nhân cho thói định kiến của xã hội Việt Nam. Một cô gái bị hiếp dâm thường sẽ bị chê trách, nghi ngờ liệu có phải do cô ta ăn mặc hở hang, do cô ta uống rượu, hay cô ta lại đi một mình vào chỗ vắng… Chính những định kiến đó đã đẩy những nạn nhân như bé gái 13 tuổi ở Cà Mau phải tìm đến cái chết tức tưởi bằng thuốc sâu, bởi không ai tin em bị gã hàng xóm xâm hại tình dục. Hay bà mẹ ở Vũng Tàu đã phải rất kiên cường, chịu bao tủi nhục mới có thể đưa sự việc con mình bị xâm hại tình dục ra ánh sáng”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

Hiện tại, chiến dịch “Không bây giờ thì bao giờ” đã thu được hơn 11.000 chữ ký. Con số vẫn không ngừng tăng lên với kỳ vọng đạt được 20.000 chữ ký trước kỳ họp quốc hội sắp tới. “Hãy hành động, đừng chỉ hô hào! Một chiếc đũa không tạo nên sức mạnh nhưng cả bó đũa thì là câu chuyện khác. Đã đến lúc chúng ta bước ra khỏi vùng tối để cùng liên kết lại, cùng lên tiếng thì tiếng nói mới đủ mạnh mẽ khiến tội ác bị vạch trần và những kẻ dã tâm phải run sợ. Nếu chúng ta không cùng nhau đấu tranh để có một khung pháp lý hoàn chỉnh, đủ sức mạnh giáo dục, răn đe thì những vụ việc đau lòng như vừa qua lại vẫn diễn ra. Phụ nữ và trẻ em sẽ lại tiếp tục trở thành 2 lần nạn nhân: nạn nhân của tội ác và nạn nhân của sự im lặng”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định.

Một nghiên cứu của tổ chức ActionAid ở TPHCM và Hà Nội trên 2.000 người cho thấy có đến 87% nói rằng họ đã ít nhất một lần bị quấy rối tình dục nhưng phần lớn họ không dám lên tiếng tố cáo

MỚI - NÓNG