Dư vị 'món' liên hoan phim

Đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Reis Celik lên nhận ba giải thưởng cho “Đêm yên lặng”. Ảnh: T.Toan
Đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Reis Celik lên nhận ba giải thưởng cho “Đêm yên lặng”. Ảnh: T.Toan
TP - LHPQT Hà Nội lần ba sẽ diễn ra sau 2 năm nữa, 2014. Bằng vào chất lượng của đa số phim truyện năm nay, nhất là phim dự thi của nước chủ nhà trong đó có Thiên mệnh anh hùng đoạt giải BGK, khó kỳ vọng “thành công tiếp nối thành công”.

Khó người, khó ta

Hàn Quốc đang nổi lên là “nước lớn” về điện ảnh (không phải truyền hình), nên mỗi khi phim Hàn chiếu thì đều có người xem. Những phim ấn tượng kiểu như Sự im lặng chẳng dự thi, và họ lại mang Vô vọng đến.

Theo giám khảo NSND Như Quỳnh, các vị giám khảo cũng thấy Vô vọng Mỹ quá. Có thể sự mới mẻ của LHP Hà Nội khiến Hàn Quốc chỉ gửi tác phẩm èng èng.

Song căn cứ vào thái độ của đoàn làm phim thì có vẻ họ coi bộ phim đặc Mỹ của mình là đúng hướng. Mới biết không chỉ “phim nhà” mới gặp khó trong việc đo lường phản ứng của khán giả.

Một đại danh nữa là điện ảnh Nhật dự thi phim Xin chào, giám khảo cùng nhiều nhà báo có nghề nhận xét: Xem chẳng hiểu gì. Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông cũng không tạo được dấu ấn.

LHP nào cũng hướng tới nhân văn, nhân loại, bản sắc. Một số LHP đòi hỏi sáng tạo, tìm tòi nổi bật.

Nhân văn, bản sắc- thế thôi nhưng mà loay hoay. Cam go lắm, hiếm tài năng, ở đâu cũng vậy, nước nhỏ nước lớn. Và nếu có phim hay thì họ có chịu khó mang tới cho mình thưởng thức với không?

Một phim gọi là võ hiệp kỳ tình kịch bản sơ sài, nhiều yếu tố phi lý, hình thức thì “mạ” Trung Quốc rất nhiều, chỉ được cái quay đẹp và đánh đấm đẹp (so với phim Việt Nam) mà còn ẵm giải của BGK, khiến không thể không nghĩ về yếu tố “chủ nhà” (như một lẽ đương nhiên?).

Có giải- dù chỉ là giải đặc biệt, giải phụ mà không thấy mừng là thế. Nó khác hẳn cái ngày ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Kiên xướng dõng dạc “Sand life!” (Đời cát) xuất sắc nhất LHP châu Á Thái Bình Dương cách đây 5 năm.

“Phim của mình nhiều nhạc quá”

Giám khảo NSND Như Quỳnh có nhận xét đáng chú ý: “Phim của nước nhỏ như Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines hóa ra được làm khá kỹ, nhạc sử dụng ít và đúng chỗ. Phim mình thì nhạc suốt, nhằm lôi kéo người xem kiểu ào ào, sao phải thế?”

Quan điểm của đạo diễn Trần Anh Hùng: “Nhạc nổi lên trong một đoạn phim, để nói rằng: Tôi đồng ý với anh, nghĩa là đồng ý với nội dung của đoạn phim đó.

Nhưng tôi muốn nói thêm điều này, như thế này (bằng nhạc). Và nhạc là để tỏa sáng nội dung chứ không phải minh họa nội dung”.

Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ không chỉ ầm ào hoặc du dương suốt chiều dài phim, mà cứ khoảng chục phút lại có một cảnh quay chậm, khiến cho mục đích, thành quả của việc quay chậm này trở nên vô nghĩa.

Đạo diễn Phillip Noyce trong một lần lên lớp cho sinh viên điện ảnh Hà Nội, có dặn rằng: Chuẩn bị làm phim, bạn phải lập tức kết thân với nhạc sĩ giỏi, quan hệ tốt với cả ê-kip, và truyền thông.

Là người đề cao yếu tố ăn khách, Phillip Noyce cần truyền thông, bên cạnh đó soạn nhạc là yếu tố ông hay đề cập nhất. Clint Eastwood còn “tham” đến nỗi tự viết nhạc cho phim của mình.

Nỗi sợ “loạn nhạc, sai nhạc” là nỗi sợ có thật của các đạo diễn. Hãy xem Rừng Na-uy của Trần Anh Hùng thì biết, chưa nói cao xa- như khi bài hát Skyfall của Adele vang lên sau đoạn dạo đầu phim 007 mới đây, nó kinh khủng thế nào.

Nhạc, và không chỉ nhạc, và cả khán giả nữa cơ. Nói như Nguyễn Vinh Sơn “Có những bộ phim mà khán giả càng hứng thú bao nhiêu càng đáng nản bấy nhiêu”.

Cuộc cọ xát, thế nào?

Bên lề hội thảo sáng 28-11, Giám đốc LHP Ngô Phương Lan trả lời chất vấn của báo chí đại ý: Vẫn biết Việt Nam khó có cơ hội lần này nhưng vẫn cần thi thố, cọ xát để mà biết người biết ta.

Trước đó, chị Lan từng nói về những bộ phim không thể tiết kiệm tiền nong hơn như Chia ly của Iran mà vẫn đoạt giải Oscar, đáng để nhà làm phim trong nước tham khảo.

Cuộc cọ xát này, xem ra chẳng mấy tiến bộ hơn lần trước (2010, với đại biểu Long thành cầm giả ca). Kể cả, như đã nói, có 1 trong 2 phim thực sự được ưu ái.

Lâu lâu lại tề tựu, nghệ sĩ gạo cội và nghệ sĩ của dòng phim nghệ thuật nhiều người tỏ ra cảm động được mời đến cuộc này, có người từ nước ngoài về như Minh Trang.

Được ở khách sạn đẹp, ăn ngon, gặp lại đồng nghiệp quí hóa song họ tâm sự không phải lúc nào cũng thấy thư giãn. Như Thế Anh, Đoàn Dũng kể, vừa mới vào liên hoan chả nhẽ không xem phim khai mạc nhưng “cố gắng lắm cũng chỉ ngồi đến ¾ phim thì phải bỏ ra ngoài vì sợ tăng-xông.

Đầy tình tiết áp đặt, phi lô-gic”. Không đoàn quốc tế nào nán lại xem hết Cát nóng, phim chiếu khai mạc LHP của Lê Hoàng- nhiều người kể.

Nữ diễn viên còn trẻ, nổi tiếng của dòng phim nghệ thuật, ngồi cạnh Thế Anh bảo: “Nhà báo thử phỏng vấn Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái mà xem, ông ấy có quan điểm về bộ phim này đấy”. Những khán giả này có thể coi là chọn lọc được chưa?

Cho nên, việc LHPQT Hà Nội được tổ chức liền tù tì 2 niên một lượt- như tuyên bố của BTC trong đêm bế mạc, làm cho người ta lo hơn là vui, như đối với LHP trong nước diễn ra 2, 3 năm/lần. Dù BTC lần này đã có những cố gắng đáng ghi nhận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG