Ngày 31/5, Bộ Tài chính có báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội giải trình ý kiến đánh giá về trái phiếu doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội cho rằng: Hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường tài chính đã diễn ra nhiều nhưng các cơ quan chức năng chưa kịp thời phát hiện và xử lý (như vụ việc liên quan đến ngân hàng SCB, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC... ), ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, tác động xấu đến xã hội, người dân, do đó cần có biện pháp phòng ngừa mạnh hơn.
Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn qua ngân hàng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2021 về trước, Luật Doanh nghiệp chưa quy định rõ cơ chế quản lý đối với công ty không phải đại chúng, Luật Chứng khoán chưa quy định rõ việc hạn chế giao dịch chứng khoán riêng lẻ.
Theo đó, từ năm 2018, khi thị trường bắt đầu có xu hướng phát triển, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ gồm: Hạn chế giao dịch sau 1 năm phát hành; yêu cầu công bố thông tin trên chuyên trang tại Sở GDCK Hà Nội để tăng cường tính công khai và minh bạch; sử dụng biện pháp hành chính khống chế khối lượng phát hành (năm 2020).
Song song đó, Chính phủ kiến nghị sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán chứng khoán theo hướng chỉ cho phép phát hành và giao dịch TPDN đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phải có tổ chức tư vấn phát hành; quản lý giám sát thông qua tổ chức tư vấn vì số lượng doanh nghiệp phát hành nhiều.
Sau hơn 1 năm thực hiện quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ cố tình vi phạm quy định để thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành nâng lãi suất để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ (NHTM, công ty chứng khoán, tổ chức lưu ký... ) còn hạn chế.
"Có hiện tượng một số NHTM để nhân viên chào mời khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng chuyển sang đầu tư TPDN riêng lẻ mà không cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, gây hiểu nhầm. Ví dụ: hiểu nhầm giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán; giữa chứng chỉ tiền gửi và đầu tư trái phiếu", Bộ Tài chính giải trình.
Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65 sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ theo hướng quản lý chặt chẽ, thận trọng với những rủi ro trên thị trường và tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.
Ngay sau khi Nghị định số 65 được ban hành, tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước diễn biến bất lợi. Lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao, thanh khoản của thị trường tài chính và thị trường tiền tệ gặp khó khăn.
Đặc biệt là sau vụ việc của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB từ tháng 10/2022, thị trường TPDN trong nước có nhiều biến động, khối lượng phát hành sụt giảm, tình hình mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh.
Cụ thể, khối lượng phát hành TPDN cả năm 2022 chỉ đạt 337,1 nghìn tỷ đồng, giảm 44,3% so với năm 2021, khối lượng mua lại trước hạn là 220 nghìn tỷ đồng, tăng 57% so với năm trước.
Do vậy, ngày 5/3, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08. Quy định tại Nghị định này cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu đã phát hành trước đây (thời gian gia hạn tối đa không quá 2 năm); ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc.
"Nghị định góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường", Bộ Tài chính đánh giá.
Bộ Tài chính cho rằng: Kể từ khi Nghị định 08 có hiệu lực thi hành (5/3) đến 19/5/2023, khối lượng trái phiếu phát hành là 25,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 96,7% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Một số doanh nghiệp lớn đã thực hiện đàm phán, gia hạn trái phiếu thành công với nhà đầu tư.
"Dư nợ TPDN tại thời điểm 19/5 khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 11,6% GDP năm 2022", Bộ Tài chính cho biết.
Link gốc: https://vietnamnet.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-du-no-la-1-1-trieu-ty-dong-2149844.html