Những ngày gần đây, cộng đồng mạng Trung Quốc tranh cãi gay gắt về bức tượng con dâu vén áo cho mẹ chồng bú sữa ở khu du lịch núi Doanh Bàn, huyện An Cát, thành phố Hồ Châu tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
Cụ thể, một du khách đã đăng tải hình ảnh và video về bức tượng kèm theo sự bất bình vì cho rằng nó quá dung tục, không phù hợp để trưng bày nơi công cộng. Ngay sau đó, hàng nghìn người khác cũng lan truyền hình ảnh và video trên rồi tranh cãi gay gắt về bức tượng.
Hình ảnh gây tranh cãi của bức tượng |
Trước làn sóng chỉ trích của cộng đồng mạng, đại diện ủy ban tuyên truyền huyện An Cát cho biết tác phẩm mẹ chồng nàng dâu là một trong số 24 bức được dựng theo các điển cố trong Nhị thập tứ hiếu. Đó là cuốn sách gồm 24 câu chuyện về lòng hiếu thảo của tác giả Quách Cư Kính đời Nguyên.
Và bức tượng trong video mô phỏng truyện một gia đình nghèo, người mẹ mắc bệnh, rụng hết răng, nhà không có đồ ăn trong khi đó người con dâu mới sinh em bé, bèn cho mẹ chồng dùng sữa của mình để bà mau khỏe. Họ dựng tượng để khuyên răn con người hiếu thảo chứ không hề có ý kêu gọi người khác bắt chước câu chuyện. Tuy nhiên, do những tranh cãi gay gắt của dư luận nên chính quyền đã yêu cầu khu di tích dỡ bỏ bức tượng.
Nguyên mẫu trong truyện của bức tượng |
Mặc dù vậy, trên mạng xã hội vẫn tranh cãi gay gắt về tác phẩm này. Có tài khoản viết: “Người tích cực nhận ra thông điệp là lòng hiếu thuận của con dâu với mẹ chồng, người tiêu cực thấy đó là dung tục. Thêm một tấm bảng thuyết minh câu chuyện cho người tham quan hiểu sẽ giải quyết được vấn đề thôi”.
Trong khi người khác cho rằng: “Do văn hóa Á Đông hơi khó khăn thôi. Chứ với văn hóa phương Tây thì khác, bức họa 'Cimon and Pero' thậm chí mang hình ảnh người đàn ông ngậm bầu ngực cô gái trẻ, nó còn đem lại nhiều cảm xúc đẹp và được vẽ lại thành hàng chục bản khác nhau trên khắp thế giới”.
Nhưng vẫn có nhiều ý kiến nói: “Răn dạy lòng hiếu thuận cần phù hợp thời đại, cách diễn đạt điển cố cũng cần tinh tế hơn” hay “Bức tượng không ổn ! Có ý nghĩa điển cố tốt nhưng dễ gây những liên tưởng không tốt trong thời hiện đại thì mọi tác phẩm nghệ thuật đều nên tránh và nên cấm !”,...