Trở ngại giá vé máy bay
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, cả nước ước tính đón được hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa. Lượng khách nội địa tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng.
Các sản phẩm du lịch được doanh nghiệp chủ động làm mới, thu hút đông đảo khách du lịch như chương trình trải nghiệm sinh thái, thăm di tích lịch sử - tâm linh và văn hóa… Ảnh: GIA LINH |
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%. Một số địa bàn du lịch trên cả nước ghi nhận những tín hiệu tích cực. Thời gian nghỉ tương đối dài, khách du lịch thường lựa chọn điểm đến gần biển, có sản phẩm du lịch biển phát triển như: Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng,…
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đánh giá, lượng khách và doanh thu dịp nghỉ lễ đem lại tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh. “Tín hiệu khách quốc tế tăng cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, chủ động làm mới sản phẩm của mình và chủ động xúc tiến, quảng bá hình ảnh hiệu quả”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nêu.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch mạnh mẽ hơn so với cùng kỳ năm 2022. Với những con số ấn tượng trong dịp lễ này, tháng 5 ngành du lịch có thể ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn so với tháng 4.
“Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, riêng 4 tháng đầu năm đã đón hơn 3,7 triệu khách. Đây là con số triển vọng. Nhiều khả năng Việt Nam về đích sớm so với chỉ tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế. Mùa hè cũng là dịp nghỉ dưỡng biển nhiều của các thị trường khách lân cận, đặc biệt là khách Trung Quốc và các nước trong khu vực”, PGS.TS Phạm Hồng Long nói và cho rằng, mục tiêu phục vụ 102 triệu lượt khách nội địa cũng không quá xa vời, bởi trong 4 tháng đầu năm ngành du lịch đã đón được 38 triệu lượt khách. Du lịch Việt Nam còn cả mùa cao điểm hè trước mắt.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Long khẳng định, doanh thu từ du lịch khó chinh phục hơn so với mục tiêu về lượt khách. “Khách có xu hướng du lịch nhiều nhưng cũng chắt bóp hầu bao chi tiêu. Giá cả dịch vụ tăng, chi phí đi lại đắt đỏ là trở ngại”, Trưởng khoa Du lịch học nhận định.
Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Ban Lữ hành, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội nhận định, giá vé máy bay ở Việt Nam đang ở mức rất cao. Nếu so sánh với các nước khác về chặng bay, giá vé máy bay nội địa tại Việt Nam hiện cao so với mức chi trả của người dân. Nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng hãng bay ít khiến cung không đủ cầu.
“So với con số 100 triệu dân, số lượng 3-4 hãng hàng không là khá ít. Trong đó chỉ có hai hãng chủ lực là Vietnam Airlines và Vietjet Air đáp ứng tương đối nhu cầu của khách hàng, còn lại những hãng hàng không khác có quy mô nhỏ hơn. Thực tế ngành vận tải hàng không đang có sức chứa yếu so với nhu cầu đi lại của người dân trên cả nước”, ông Tài nêu.
Giải bài toán liên kết chuỗi yếu
Nhìn nhận về du lịch trong nước, ông Phạm Hồng Long khẳng định, khó khăn lớn nhất sau đại dịch là sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ gồm ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm... “Khi chuỗi cung ứng hoạt động tốt, các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, sẵn sàng ủng hộ, hợp tác với nhau. Sau đại dịch, du lịch bùng nổ trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản dẫn đến quá trình phục hồi chậm lại. Chuỗi cung ứng ở Việt Nam xưa đã yếu, nay để đòi hỏi vận hành trơn tru rất khó khăn và cần thời gian”, PGS.TS Phạm Hồng Long phân tích.
Việc giá máy bay tăng cao vào những đợt lễ, cao điểm một phần đến từ cơ chế chính sách. Ông Nguyễn Văn Tài cho rằng, nếu các cơ quan quản lý không can thiệp hoặc không có những quy định, chế tài giám sát, giá vé máy bay liên tục bị đẩy lên cao và người chịu thiệt là người tiêu dùng, đặc biệt là những doanh nghiệp lữ hành.
“Những điểm đến du lịch trông chờ vào khách, những đơn vị cung ứng dịch vụ tại điểm đến như khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan cũng mong muốn đón tiếp lượng lớn khách du lịch, tuy nhiên giá vé máy bay chiếm đến 30-40% tổng giá trị của một tua du lịch trọn gói/người. Khi giá vé tăng, giá dịch vụ bị đẩy lên và vượt qua nhu cầu chi trả của khách hàng”, ông Nguyễn Văn Tài cho biết.
Giá vé máy bay cũng khiến thị trường du lịch nội địa mất đi sức hút đối với người dân. Thay vì chuyến đi Phú Quốc kéo dài 4-5 ngày trong dịp lễ 30/4 với giá vé có khi lên tới 8-9 triệu đồng/người, người dân hoàn toàn chọn đến Thái Lan với chi phí trọn gói tương đương.
Trong bối cảnh Việt Nam tập trung khai thác du lịch nội địa, cần xác định rõ những vấn đề tồn tại để khắc phục. “Nếu chúng ta không có sự liên thông, liên kết giữa các đơn vị cung ứng hiện nay giống các nước khác tạo thành chuỗi hàng không, hệ thống hiệp hội du lịch và các cộng đồng doanh nghiệp du lịch, du lịch nội địa Việt Nam rất khó phát triển. Ở Việt Nam các bộ phận này gần như tách bạch hoàn toàn, thậm chí đối trọng với nhau”, ông Nguyễn Văn Tài cho biết.
Sự lớn mạnh của chuỗi cung ứng du lịch phụ thuộc phần nhiều vào các doanh nghiệp. “Vai trò của doanh nghiệp và hiệp hội du lịch các địa phương cần được chú trọng. Nhà nước hỗ trợ về chủ trương, chính sách, tập huấn, đào tạo. Các bên cung ứng nên ngồi lại với nhau, thông tin cần được trao đổi đa chiều để thúc đẩy chuỗi cung ứng, xem xét mảng nào đang mạnh, đang yếu”, ông Phạm Hồng Long chia sẻ.
Liên kết chuỗi cung ứng thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng dễ nhìn thấy nhất ở gói dịch vụ (combo) vận chuyển - lưu trú - ăn uống. Các gói dịch vụ này đang được khách ưu tiên lựa chọn nhờ ưu thế vừa tiện, vừa rẻ, tạo cho khách hàng sự linh hoạt trong hành trình.
Nhu cầu đi lại của du khách tăng cao dịp nghỉ lễ, song một số đường bay du lịch vẫn vắng khách. Đường bay xuất phát từ Hà Nội vào ngày 28/4 đi các điểm du lịch như Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc có tỷ lệ đặt chỗ dao động từ 65% đến 77%. Tỷ lệ đặt chỗ cao nhất (trên 80%) ở đường bay đi các điểm Đồng Hới, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo...
Trường hợp Phú Quốc đón khách ít hơn kỳ vọng khá đáng tiếc. PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, giá vé cao chỉ là một phần nguyên nhân. Vị trí địa lý, môi trường, phí dịch vụ ở Phú Quốc cũng đáng bàn. “Nhiều du khách phàn nàn giá cả dịch vụ ở Phú Quốc khá cao. Phú Quốc có nhiều vấn đề về môi trường: rác thải, nước thải, môi trường cảnh quan bị xâm phạm…”, ông Long cho hay.
NGỌC ÁNH