Du lịch tái tạo lên ngôi

0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm du lịch tái tạo ở làng rau Trà Quế (Quảng Nam)
Du khách trải nghiệm du lịch tái tạo ở làng rau Trà Quế (Quảng Nam)
TP - Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều du khách đã thay đổi nhu cầu du lịch. Không chỉ dừng lại ở giảm thiểu các tác động tiêu cực, họ còn muốn thông qua du lịch tạo ra các tác động tích cực để bù đắp cho sự suy thoái tự nhiên. Hình thái mới này có tên là “du lịch tái tạo”, nghĩa là làm cho điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi chuyến đi.

Nhu cầu du lịch xanh tăng

Một công bố mới đây của Booking.com (trang web du lịch nổi tiếng thế giới) cho thấy đại dịch COVID-19 đã góp phần nâng cao nhận thức của du khách về bảo tồn thiên nhiên, văn hóa; gián tiếp thúc đẩy các loại hình du lịch bền vững, trong đó có du lịch sinh thái. Báo cáo này cho biết, 97% du khách Việt cho rằng du lịch bền vững là rất quan trọng và 88% cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến họ muốn đi du lịch một cách bền vững hơn trong tương lai. Nhiều du khách Việt Nam khẳng định sẵn sàng tránh các điểm đến phổ biến để không gây thêm áp lực lên những nơi đã quá đông đúc.

Du lịch tái tạo lên ngôi ảnh 1

Sùng Mí Phìn và khách du lịch trải nghiệm văn hóa Mông

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam: trước COVID-19, tỷ lệ khách quốc tế tham gia vào các tua du lịch sinh thái chỉ chiếm khoảng từ 5 - 8% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng khách nội địa tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái đa phần là các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên với mục đích nghiên cứu, tham quan, học tập kết hợp giải trí. Nhìn chung, khách nội địa có thời gian lưu trú ngắn, thường đi về trong ngày, mức chi trả dịch vụ không cao.

"Xưa nay ngành du lịch chúng ta chủ yếu là "du lịch khai thác". Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu thế giới cho phép ta điều tiết lại, hướng xây dựng tái tạo tự nhiên là quan trọng nhất. Du lịch xanh là hướng để Quảng Nam làm du lịch nhưng không phá hủy tài nguyên thiên nhiên, làm thế nào để tài nguyên có thể sử dụng trong thời gian lâu nhất" - ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phát biểu trong một hội thảo du lịch ở Quảng Nam. Ông Thanh cũng cho rằng du lịch xanh, tái tạo lại tài nguyên là xu hướng chung của thế giới, nhất là sau đại dịch COVID-19, con người ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên hơn.

Du lịch tái tạo lên ngôi ảnh 2

Phương châm của khách du lịch xanh: Không bỏ lại gì ngoài dấu chân, không lấy gì ngoài những bức ảnh, không giết gì ngoài thời gian

Hiện nay, trong cả nước, Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh với sự hỗ trợ của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP). Theo đó, Quảng Nam đưa ra định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Mục tiêu của du lịch xanh là thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài, có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.

Một ví dụ đáng tự hào của du lịch tái tạo ở Quảng Nam chính là mô hình làng rau Trà Quế đã được Nhật báo Le Figaro của Pháp đưa vào danh sách 10 điểm không thể bỏ qua khi đến Việt Nam vào tháng 5/2015.

Những mô hình “thời xa vắng” được chào đón

Tại Việt Nam, một số mô hình du lịch tái tạo đã âm thầm vận động nhiều năm nay nhưng chưa được chú ý đúng mức. Phải đến khi COVID-19 gióng hồi chuông cảnh báo, những người tiên phong này mới được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn và hội thảo du lịch.

Theo đó, mô hình sản xuất lúa mùa được kỹ sư Lê Quốc Việt phục dựng đúng như thời “ông bà anh” đang rất được khách du lịch xanh yêu thích. Từ cách đây 7 năm, kỹ sư Lê Quốc Việt đã dùng thửa ruộng hơn 2ha của gia đình ở ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Hòa Hiệp, H.Châu Thành, Kiên Giang để trồng giống lúa mùa bản địa (6 tháng thu hoạch một lần, một năm chỉ có một vụ). Từ khâu phát cỏ, cày ải, bừa trục đất, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa đến việc thu hoạch đều thực hiện thủ công với những nông cụ truyền thống. Cây lúa sinh trưởng phát triển tự nhiên suốt thời gian nửa năm, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Phục dựng thành công việc trồng lúa, ông Việt còn tìm cách liên kết với các hộ xung quanh mở rộng diện tích, nuôi thêm tôm. Mô hình trồng lúa nuôi tôm hình thành và tạo sự thay đổi rõ về hệ sinh thái: cá đồng được phục hồi, tôm càng xanh chắc thịt, gạo sạch... Từ ý tưởng phục hồi cách làm nông truyền thống, giữ giống lúa bản địa, đến nay, ông đang phát triển ý tưởng làm nông trại kiểu xưa, đón khách trải nghiệm làm lúa mùa kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa.

Cùng vệt du lịch tái tạo ở miền Tây còn có mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt của gia đình anh Phạm Duy Khanh (Cà Mau): phục dựng lối sống thời khẩn hoang của người Nam bộ xưa. Với diện tích ban đầu vài héc-ta, gia đình anh cũng như các hộ dân trong khu vực chủ yếu đi gác kèo ong để “lấy ngắn nuôi dài” chờ cây tràm đến thời điểm thu hoạch... Từ khi có lác đác khách phượt về rừng U Minh Hạ, cộng với “nghề gác kèo ong” trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, anh Khánh đã mua và ký hợp đồng thuê thêm đất nâng tổng diện tích lên gần 60ha và chọn “ăn ong” là sản phẩm du lịch chính đan xen chuỗi hoạt động trải nghiệm khác biệt: đặt lờ, đặt lọp, giăng lưới, cắm câu bắt cá đồng; hái đọt choại, bắp chuối, bông súng và các loại rau đồng...

Anh Khanh cho biết: “Tôi dành hơn 6 năm để xây dựng mô hình này với mong muốn tạo được môi trường tự nhiên để thủy sản trở về đồng nước đúng nghĩa. Làm du lịch như thế này thì giá trị sản phẩm được nâng lên, tạo động lực để chúng tôi tiếp tục gìn giữ những gì cha ông để lại”.

Không chỉ bảo vệ được hệ sinh thái, mô hình du lịch tái tạo của gia đình anh Khanh còn tạo ra công ăn việc làm và thu nhập, khiến người dân không cần phải bỏ đất bỏ rừng đi làm thuê, mà có thể làm giàu trên quê hương bằng vốn sống, tập quán lao động, sinh hoạt truyền thống.

Người trẻ “góp một tay”

Trên con đường phát triển du lịch tái tạo, nhiều người trẻ cũng đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu của mình.

Sùng Mí Phìn (sinh năm 1994) là người Mông chính gốc ở huyện Đồng Văn (Hà Giang). Phìn là một học trò nổi tiếng của chị Tẩn Thị Shu (người được tạp chí Forbes xướng tên trong danh sách 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi nhờ sáng lập dự án Sa Pa O’Châu). Tốt nghiệp sư phạm, từng làm giáo viên nhưng không hợp, Phìn tìm đường học tiếng Anh để về làm du lịch.

Dùng chính ngôi nhà sàn của bố mẹ (gần như không chỉnh sửa), Sùng Mí Phìn gọi gói du lịch của mình là “nhà ở thật sự”. Nghĩa là khách đến với homestay của anh sẽ không được hưởng những dịch vụ du lịch thông thường như nhiều nơi khác, thay vào đó, họ được biến thành những “người Mông bản địa” bắt đầu ngày mới và kết thúc một ngày như những người dân địa phương: sáng sớm, gùi quẩy tấu lên nương cắt cỏ, hái rau, trồng ngô… mùa nào việc nấy; chiều đến se lanh, dệt vải; tối cùng nấu nướng và ăn các món ăn truyền thống, nói chuyện với nhau về những vặt vãnh thường ngày, nếu vui thì có thể học thổi khèn hoặc hát một vài đoạn bằng tiếng Mông…

Dịch vụ “ngược đời” này đem đến khoảng 100 khách mỗi tháng cho Sùng Mí Phìn (thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát), chủ yếu là khách nước ngoài.

Nhiều năm nay, tôi là khách quen của Phong Nha Mountain House bởi định hướng “tái tạo” của mô hình này. Chủ nhân của Phong Nha Mountain House là Hồ Văn An - từng là một thợ rừng, trong quá khứ đã gùi lương thực, thực phẩm xuyên sang Lào rồi Malaysia tìm trầm với mong ước đổi đời, song thất bại. Về quê, Hồ Văn An làm porter (người chuyên giúp khách du lịch gùi cõng thực phẩm, trang thiết bị) cho tua khám phá hang Sơn Đoòng. Rồi được chính những du khách nước ngoài “giác ngộ”, An muốn làm một thứ du lịch không tạo ra gánh nặng cho Sơn Đoòng.

Thế là vào năm 2015, Phong Nha Mountain House ra đời, chỉ có duy nhất một ngôi nhà sàn gỗ đặt trong khu vườn của gia đình. Tận dụng góc nhìn đẹp và gần gũi với thiên nhiên, An nói rằng anh hướng tới đối tượng khách yêu thiên nhiên và văn minh, không muốn tạo thêm sự quá tải cho các di tích và di sản.

Giống như An, Nguyễn Trung Hiếu (từng là một phượt thủ có tiếng) cũng bắt đầu mô hình du lịch tái tạo 3R (viết tắt của: Reduce - Reuse - Recycle, dịch sang tiếng Việt là: Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) ở thị trường ngách: hoang dã và tự túc. Khách leo núi, đi bộ đường dài... của Hiếu chỉ có duy nhất một người dẫn đường đi cùng, không có porter, không có nơi lưu trú cố định. Họ phải tự mang đồ, tự dựng lều, dọn rác, và thậm chí tự tìm hiểu nơi đến mà không cần hướng dẫn viên. Qua mỗi cánh rừng, ngoài dấu chân, khách của 3R còn để lại rất nhiều bom hạt giống, đặc biệt ở những vùng đất cằn, đồi trọc. Hiếu cho biết, trung bình mỗi tháng anh có một đến hai đoàn khách (khoảng 6-10) người, chủ yếu là thanh niên có trình độ cao và thu nhập khá.

Nhà nghiên cứu Anna Pollock – người đầu tiên đưa ra khái niệm du lịch tái tạo năm 2019:

Có thể hình dung rằng bản chất khai thác của du lịch tương tự như cách thu hoạch trái trong vườn cây – nếu cứ tiếp tục thu hoạch, những cái cây rồi cũng sẽ chết. Từ đó, du lịch bền vững có thể được hiểu là dùng tiền có được từ khách tham quan vườn để mua phân bón chăm sóc lại khu vườn – duy trì sự sống cho những cây sẵn có. Còn du lịch tái tạo đi một bước xa hơn, đó là gieo lại hạt từ quả đã thu hoạch vào khu vườn – tạo ra những cây mới cho tương lai để chúng có thể tiếp tục ra quả cho những thế hệ tương lai.

MỚI - NÓNG