TRẢI NGHIỆM ÐẶC BIỆT
Vừa trở về từ Hạ Long, chị Vũ Kỳ An (Hoàng Mai, Hà Nội) phấn chấn vì giải tỏa hết nỗi hoang mang trước đó. Từ trước hè, gia đình chị lên kế hoạch đi Hạ Long vào giữa tháng 8. Dịch giai đoạn hai bùng phát, cả nhà bàn lùi. “Nghe lời khuyên từ vài người bạn làm ở các công ty lữ hành, tôi quyết tâm đưa gia đình đi nghỉ như lịch hẹn”, chị An nói. Theo chị, du lịch nghỉ dưỡng trên du thuyền còn ít phải tiếp xúc với đám đông hơn ở Hà Nội.
“Gia đình tôi đi cùng gia đình bạn thân nên mua vé xe khách, dịch vụ đưa đón tận nhà và giá cả rất phải chăng. Khi lên xe tôi bất ngờ vì chẳng có hành khách nào khác, thành ra coi như chúng tôi “bao” luôn cả chuyến. Hồi giữa tháng 7, Hạ Long nườm nượp tàu tham quan vịnh, thế mà giờ lưa thưa vài chiếc neo bờ. Cả bãi tắm Ti Tốp chưa đầy chục người, chính là những hành khách trên chiếc tàu chở chúng tôi cập bãi. Năm nào gia đình tôi cũng chọn nghỉ dưỡng ở Hạ Long nhưng chưa bao giờ có cảm giác thảnh thơi đến thế”, chị An kể.
Phân vân giữa đi hay hủy vé, cuối cùng, anh Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội) vẫn thuyết phục gia đình bay vào Nha Trang như dự kiến. Đổi lại cho sự “liều” là trải nghiệm chưa từng có: chỉ gia đình anh vùng vẫy ở bể bơi mênh mông, hoặc lác đác vài người ở bãi biển riêng biệt trong khu nghỉ dưỡng cao cấp. “Tôi ngẫm ra trong mấy ngày ở Nha Trang, chúng tôi thậm chí tiếp xúc với ít người hơn khi ở Hà Nội. Chúng tôi thuê biệt thự riêng biệt nên còn tự nấu nướng, gần như không phải tiếp xúc với nhân viên ở đây”, anh Đạt nói.
Bỏ qua lo ngại về nguy cơ lây nhiễm virus, chị Trần Thanh Vân (Long Biên, Hà Nội) khoe đại gia đình 12 người của chị thu lại nhiều trải nghiệm thú vị. Khách hàng hủy vé nhiều nên số chuyến và tuyến bay cũng thay đổi theo. Thay vì bay từ Hà Nội vào Cần Thơ rồi nối chuyến ra Côn Đảo, cả nhà phải lục tục bay vào TPHCM sau đó ra Côn Đảo. “Hãng hàng không hỗ trợ thủ tục bay rất nhanh gọn. Giá thuê khách sạn ở TPHCM rẻ bất ngờ. Chúng tôi nhận phòng khách sạn 4 sao ngay mặt phố đi bộ Nguyễn Huệ chỉ chưa đầy 800 ngàn/phòng/đêm. Đặt chân tới Côn Đảo, cảm nhận đầu tiên là cảnh tưởng vô cùng vắng vẻ bởi chỉ còn một, hai chuyến bay mỗi ngày. Đây là cơ hội hiếm có để tận hưởng cảnh quan Côn Đảo”, chị Vân nói.
Không chịu cảnh chen lấn nhưng du khách cũng gặp đôi chút bất tiện. Theo lời chị Vân, gia đình mua tua ở Côn Đảo nên việc ăn uống, đi lại đều được thu xếp chu toàn, song nhiều bữa chỉ có một bàn ăn trong nhà hàng lớn. Dịch bệnh bùng lên và vắng khách nên nhân viên xin nghỉ về quê, chủ nhà tự vào bếp nấu và phục vụ. Món ăn có thể không được ngon như đầu bếp chuyên nghiệp, được cái đồ ăn tươi. Do khách quá ít, nhiều ngày không có khách nên khi có ai đặt, nhà hàng mới tự đi chợ, mua trong ngày.
VỪA CHỐNG DỊCH VỪA DU LỊCH
Du lịch giữa tâm dịch hẳn tâm trạng ít nhiều hoang mang? Chị Vân kể, trước chuyến đi, chị “tập huấn” cho đại gia đình về quy trình đeo khẩu trang, sát khuẩn. “Tại các điểm tham quan tập trung như bảo tàng, việc nhắc nhở đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay và giãn cách đối với các đoàn khách được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy thế, có lẽ do tâm lý dịch nên có hướng dẫn viên thuyết minh điểm hạn chế giao lưu với du khách”, chị nói.
Sở dĩ dám liều du lịch dịp này bởi anh Nguyễn Tiến Đạt chính là CEO một công ty du lịch. Đưa gia đình đi nghỉ hè và kết hợp khảo sát tua, anh Đạt cho rằng, di chuyển thời này không nguy hiểm như nhiều người ngồi nhà tưởng tượng. “Chưa bao giờ tôi thấy một chuyến bay chỉ có khoảng 20% khách như chuyến bay từ Hà Nội vào Cam Ranh. Chuyến về đông hơn một chút nhưng sân bay rất vắng. Chúng tôi tuân thủ khai báo y tế, đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên”, anh Đạt nói.
Các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp du lịch đều lĩnh hội tinh thần từ Chính phủ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thế nhưng, kích cầu du lịch giai đoạn sắp tới không thể lặp lại kịch bản ào ào như trước. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, sai lầm của chiến dịch kích cầu du lịch một cách ồ ạt ẩn chứa nhiều nguy cơ dịch bệnh hơn, chưa kể nảy sinh tình trạng lừa đảo khách hàng.
“Chúng ta cần làm quen với tình hình dịch bệnh mới, vừa chống dịch vừa lo sản xuất, kinh doanh. Du lịch vì thế cũng phải thích ứng bằng cách xác nhận tiêu chuẩn các khu và điểm du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ an toàn. Thay vì chiến dịch kích cầu nội địa rầm rộ hồi tháng 5, Tổng cục Du lịch nên đưa ra định hướng về chiến lược kích cầu giai đoạn mới. Tinh thần kích cầu lần này không nên đánh vào tiêu chí giá rẻ, dễ dẫn tới chất lượng dịch vụ kém do quá tải”, anh Đạt phân tích.
Lựa chọn du lịch trong lúc nước sôi lửa bỏng, chị Vũ Kỳ An (Hà Nội) nêu quan điểm không chủ quan với dịch bệnh nhưng cũng không hoảng sợ quá mức. Thay vì chờ hết dịch để lũ lượt du lịch như trước, gia đình chị chọn đi theo nhóm nhỏ vì có thể tin tưởng lẫn nhau. Trước khi du lịch Hạ Long, hai gia đình cùng phượt chuyến lên vùng cao bằng xe riêng. Chọn nơi gần gũi thiên nhiên, thời điểm vắng vẻ để du lịch cũng là một xu hướng mùa dịch.
Du lịch nhóm nhỏ lên ngôi
Ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, nói rằng, khi khảo sát hành vi của du khách giai đoạn đầu, ông nhận ra xu hướng: du khách quan tâm tới sự an toàn nhiều hơn là giá cả, khách ưu tiên chọn du lịch theo nhóm nhỏ, tìm về thiên nhiên nhiều hơn, có thể lựa chọn điểm đến gần, dễ di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Xu hướng này đang quay trở lại, ông Chính khẳng định.
Một số trang web đặt phòng trực tuyến hiện có thêm một mục lựa chọn các khách sạn an toàn. Hóa ra không nhiều khách sạn thực sự quan tâm đảm bảo tiêu chuẩn và đăng ký là điểm đến an toàn trên hệ thống. Tổng cục Du lịch có văn bản từ tháng 5 quy định rõ các tiêu chí về điểm du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ vận chuyển an toàn để đảm bảo an toàn cho du khách.
Đảm bảo an toàn đã đành, chiến dịch kích cầu sắp tới cũng nên chuyển hướng. “Tổng cục Du lịch nếu có phát động kích cầu giai đoạn mới nên đưa ra định hướng hạn chế du lịch theo đám đông, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp đưa ra các gói sản phẩm phù hợp cho nhóm nhỏ”, ông Chính đề xuất.