Bắt tay gỡ khó
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021-Giải pháp khôi phục và phát triển chiều 12/1 tại Flamingo Cát Bà, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) nhận định: Thiệt hại do COVID-19 sau một năm chưa thể tính hết được. Du lịch Việt Nam năm qua giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt du lịch nước ngoài, doanh thu giảm gần 60% so với 2019.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành luôn tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch, cũng như thúc đẩy thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh. Hiệp hội Lữ hành Việt Nam mời các doanh nghiệp chia sẻ, hiến kế để vực dậy ngành du lịch trong tương lai.
Đà Nẵng là một trong những địa phương thành công vượt qua khủng hoảng COVID-19. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ gói giải pháp phục hồi du lịch cho thành phố đáng sống sau đại dịch. Trước ý kiến cho rằng, vai trò của doanh nghiệp lữ hành ngày càng mờ nhạt, ông Dũng lại đánh giá: sau đại dịch các công ty lữ hành lấy lại vị thế.
Tin tưởng kích cầu vẫn là phao cứu sinh giúp cầm cự và vượt qua giai đoạn lao đao, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông VISTA, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours phân tích loạt nhược điểm của liên minh kích cầu trước đó. Lực lượng nòng cốt tham gia Liên minh vẫn tập trung chủ yếu vào các công ty lữ hành và hàng không mà chưa có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan… trong khi họ là đơn vị thụ hưởng nhiều nhất từ kết quả của kích cầu. Điều đó khiến sản phẩm kích cầu vẫn chưa được tối ưu tính hấp dẫn cũng như gắn kết giữa các bên. Chưa kể khi chương trình có hiệu ứng thì lại xuất hiện tình trạng phá cam kết như tăng giá, cạnh tranh kém lành mạnh.
“Năm 2021 xác định vẫn là thời điểm khó khăn của ngành. Vai trò của liên minh, liên kết cần đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Muốn như vậy cần khắc phục triệt để những hạn chế bằng các giải pháp cụ thể”, ông Hoan nói. Để Liên minh kích cầu hiệu quả, ông Hoan cho rằng yếu tố then chốt là sự vào cuộc của tất cả các bên từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành. Cơ quan quản lý địa phương phải là nhạc trưởng tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ “chung vai sát cánh” đưa ra những cam kết về chất lượng, công khai mức giá. Chính quyền địa phương cần đi đầu trong việc ưu đãi các khoản phí, lệ phí trực tiếp thu, tích cực phối hợp với liên minh trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến.
Là một trong những doanh nghiệp lữ hành tiên phong đổi mới, đa dạng hóa khai thác sản phẩm mới, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel gửi tham luận đề xuất tập trung vào các chính sách kích cầu. Doanh nghiệp du lịch tại địa phương và các địa phương liên kết khác cần phối hợp để cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ, cùng nhau xây dựng các thị trường xúc tiến và kích cầu du lịch chung. Doanh nghiệp lữ hành cũng trông đợi ở chính sách hỗ trợ góp phần làm nên sản phẩm có giá tốt, chẳng hạn giảm phí các điểm tham quan từ 30% đến 50%, trợ giá cho du khách để ngành du lịch sớm phục hồi.
Hướng tới tương lai
Không chỉ tập trung chụm đầu nghĩ cách tồn tại và vượt qua giai đoạn trước mắt, các doanh nghiệp lữ hành thảo luận về tương lai. Du lịch nội địa là cứu cánh trước mắt, nhưng không thể thụ động chờ đợi thị trường quốc tế mở cửa. Ông Võ Anh Tài, Phó Chủ tịch VISTA, Phó Tổng giám đốc Saigontourist phân tích, loạt thị trường lớn của du lịch Việt Nam đều có diễn biến dịch phức tạp như Mỹ, châu Âu, Úc. Thị trường quốc tế vì thế phục hồi không đồng đều, tùy tình hình khắc phục và kết quả kiểm soát dịch bệnh ở mỗi quốc gia. Ông cho rằng, cuối 2023 mới có thể hồi phục du lịch quốc tế.
Mở cửa du lịch quốc tế nhiều thách thức hơn, vì vậy cần chuẩn bị sẵn sàng để bật dậy như lò xo nén lại lâu ngày. “Chúng ta cần khai thác tối đa lợi thế an toàn, chính là khác biệt của Việt Nam. Mỗi thị trường quốc tế có sự phục hồi khác nhau, vì thế cần tăng cường nghiên cứu và đưa dự báo tốt”, ông Tài nói. Doanh nghiệp đón khách quốc tế đều có chung mong mỏi về chính sách miễn thị thực trở lại khi mở cửa bầu trời. Ông Võ Anh Tài đề xuất cần cơ chế phối hợp quốc gia, liên quốc gia để kích hoạt du lịch quốc tế. Dù chưa đem lại hiệu quả tức thời, nhưng hình thức quảng bá trực tuyến, tham dự hội chợ du lịch trực tuyến là cách duy trì quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Là người đề xuất cần thiết đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành trong bối cảnh mới, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch VISTA, Giám đốc Hanoitourist nêu tầm quan trọng của phát triển bền vững, vai trò của lữ hành trong quá trình phục hồi. Ông Thắng nhận định, đại dịch chưa có tiền lệ làm thay đổi hoạt động du lịch, trong đó an toàn là ưu tiên hàng đầu. “Mặc dù đại dịch chưa kết thúc, nhưng niềm tin vào tương lai của ngành du lịch, lữ hành vẫn hiện hữu trong các doanh nghiệp lữ hành”, ông Thắng nói. Ông đề xuất loạt giải pháp về phát triển bền vững, quan tâm tới du lịch cộng đồng, chuyển đổi số.
Ghi nhận tham góp của các doanh nghiệp tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình cho rằng việc đưa ra giải pháp không chỉ là câu nói mà là trách nhiệm, lương tâm của những người làm du lịch. “Tác động của COVID-19 rất nặng nề nhưng không có gì không thể khắc phục được, hơn nữa những người làm du lịch luôn giàu sáng kiến”, ông Bình nói.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam chủ trì lễ ký kết hợp tác giữa: Liên minh kích cầu du lịch miền Bắc, Liên minh kích cầu du lịch miền Nam; Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng; Hiệp hội Du lịch Việt Nam-UBND huyện Cát Hải; CLB Du lịch MICE và tập đoàn Flamingo về phát triển MICE cho du lịch Cát Bà.