> Bão đang tiến nhanh dần vào bờ biển Bắc Bộ
> ‘Chụp cắt lớp’ bão số 14 đang di chuyển lên phía bắc
Đào hầm
Những căn hầm tránh bão được người dân Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) đào cấp tốc trong chiều ngày 9/11 đã không phải sử dụng trong ngày 10/11 khi dự báo cơn bão số 14 đổ bộ vào. Bão không vào, người dân xã Duy Hải thở phào, nhiều người nhìn nhau cười: “Hầm đào xong, không phải dùng đến là mừng rồi”.
Xã Duy Hải chỉ trong ngày 9/11 đã đào xong gần 200 hầm chống bão dã chiến. Hậu quả từ cơn bão Nari trước đó nửa tháng khiến người dân vùng ven biển này khiếp đảm. Dân Duy Hải thay nhau đào hầm, đến mức chiều ngày 9/11, UBND xã Duy Hải phải cưỡng chế gần 10 hầm tránh bão của người dân đào quá sát biển, trong đó đa phần nằm ở thôn Trung Phường không cho ở vì sát biển.
Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, lý giải: “Bão Nari vào, khiến nhà cửa người dân tan hoang. Không ai bảo ai, người dân trong xã tự đào hầm tránh bão. Chỉ có một số hộ dân sát biển nhà cửa sập trước đó, lo sợ đào hầm quá sát biển nên chính quyền buộc lòng phải cưỡng chế di dời vào sâu đất liền cho an toàn”.
Cách không xã Duy Nghĩa, hàng trăm hộ dân cũng đào hầm tránh bão. Sau bão hỏi người dân, đào hầm có bõ công? Nhiều người đáp, công sức xá gì, tính mạng là quan trọng nhất.
Ngày 9/11, ba cha con ông Trần Thông (thôn Bình Triều) thay nhau đào đất cát sâu 2m, để làm hầm tránh bão. Bão không vào, căn hầm không dùng đến nhưng mọi người vẫn vui vì may mắn bão không vào.
Gần đó, ông Nguyễn Văn Hùng cùng con trai đang dỡ bỏ hầm tránh bão. Suốt đêm 9/11 ông Hùng cùng gia đình tránh trú bão trong căn hầm đơn sơ.
“Mái không nhà trống”
Anh Nguyễn Văn Thiên (37 tuổi, quê Ninh Bình), chủ quán nhậu trên đường Yết Kiêu (Sơn Trà, Đà Nẵng), thay vì chất bao cát lên mái tôn như nhiều người, đã có “sáng kiến” tháo sạch gần 40m2 tôn xuống dưới nhà để cột kèo cẩn thận. Quán mới làm lại hết hơn 20 triệu đồng.
Sợ bão mạnh, có chằng chống cũng dễ bị cuốn hết vì nằm ở chỗ hứng gió. Các cửa ngõ được anh cột néo cẩn thận, chằng loại sắt to buộc ngang dọc vào những thanh xà cửa chịu lực. Đêm 9/11, gia đình gia di tản sang hàng xóm tránh bão. Theo anh Thiên, kinh nghiệm bão số 11, bão Haiyan lớn, mình phải chống theo kiểu “mái không nhà trống”. Dỡ hết mái tôn, di chuyển đồ đạc nếu chẳng may bão đổ bộ thì không lo thiệt hại.
Dọc hàng quán trên đường Hoàng Sa-Trường Sa, trọng điểm thiệt hại nặng từ cơn bão Nari trước đó nửa tháng, khiến người dân, các cơ sở kinh doanh “tỉnh ngộ”.
Anh Minh, chủ quán Bé Hùng (đường Trường Sa), kể: Bão đi rồi, tôi mới tin mình không bị thiệt hại gì. Bão trước, cả quán tanh bành như bãi chiến trường. Gió thốc hết tôn, cửa ngõ, bàn ghế. Lần này tôi quyết tâm di chuyển hết đồ đạc, dỡ mái tôn, đưa vật dụng giá trị vào nhà kiên cố.
Khách sạn Novotel trên đường Bạch Đằng đầy vững chắc, cũng “rùng mình” trước tin bão dữ có nguy cơ đổ bộ. Ngày bão vào, 6 container chất đầy cát, vật dụng bên trong được cố định bằng dây cáp xuống mặt đường, tạo lực đặt ngay trước cửa chính ra vào tòa nhà để cản gió.
Hệ thống kính dán băng keo cẩn trọng. Chỉ khi bão chính thức “ngang qua” trên biển, chủ cơ sở an tâm di chuyển các container về lại vị trí cũ. Chị Chu Khánh Hương, Trưởng phòng Marketing Novotel, cho hay: Do mặt tiền khách sạn lớn, nằm hướng gió nên bão Nari khiến hệ thống cửa kính ra vào bị vỡ. Lần này, khách sạn “sáng kiến” đưa container vào để giảm thiệt hại nếu bão đổ bộ.
Không hoài công
Chủ trì các buổi họp khẩn tại Sở chỉ huy tiền phương số 1 đối phó bão số 14 (tại Quân khu 5, Đà Nẵng), và cuộc họp trực tuyến trưa 10/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực phòng chống bão của chính quyền và người dân. Khoảng 600.000 người dân các tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã được hoàn thành sơ tán.
Đây là cuộc di dân, sơ tán lớn nhất trong lịch sử phòng chống thiên tai những năm gần đây. Từ 12 giờ trưa 10/11, số dân sơ tán được chính quyền các địa phương hỗ trợ trở về lại nhà khi bão chuyển hướng. Riêng hình ảnh đào hầm tránh bão, bố trí “mái không nhà trống” của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng là nỗ lực, tinh thần đáng ghi nhận.
“Đào hầm là cách làm đầy sáng tạo của người dân ta để tránh thiên tai. Có nhiều vấn đề sau này phải tổng kết, đánh giá để phổ biến thành những bài học kinh nghiệm”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.