Dự thảo đề án thu phí vào nội đô Hà Nội:

Dự kiến thu 50.000 đồng một lượt xe vào nội đô Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc Ảnh: T.Đảng
Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc Ảnh: T.Đảng
TP - Trước các ý kiến lo ngại “phí chồng phí” và người dân không có lựa chọn khi thành phố Hà Nội triển khai Đề án thu phí phương tiện ô tô vào nội đô, chiều 29/10, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây mới là đề xuất của bên tư vấn và Sở GTVT đang tính toán các phương án phù hợp để triển khai đề án.

Thông tin với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói rằng, Sở đang từng bước triển khai các nội dung của “Đề án Quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tháng 7/2017. Trong đề án này có nội dung lập đề án thành phần là “Đề án Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí xe vào nội đô) để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành. Hiện đề án này được giao cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) và Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải - Đại học GTVT (TRANCONCEN) lập.

Chiều 29/10, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo HPTC nói rằng, việc báo cáo kết quả xây dựng đề án thu phí phương tiện vào nội đô với Sở GTVT là việc HPTC và Tư vấn làm thường xuyên phải thực hiện theo tháng, quý. Tháng 10 này, đề án đã được xây dựng xong bước đầu nên HPTC đã có văn bản báo cáo Sở GTVT. Theo phương án Tư vấn đưa ra, để thu phí phương tiện vào nội đô, thành phố sẽ lập 87 trạm thu phí tại 68 vị trí dọc Vành đai 3 để giảm ô tô vào các quận nội thành.

Lãnh đạo HPTC cho biết, phương án chỉ quy định thời gian thu phí với phương tiện trong khoảng thời gian từ 5 đến 21h; ngoài thời gian này sẽ không thu phí. Ngoài ra, trong khoảng thời gian trên, số phí được thu cao nhất chỉ vào giờ cao điểm sáng, chiều; cùng với đó, nếu chủ phương tiện lưu thông sớm (trước 5h hằng ngày) sẽ không mất phí.

Với phạm vi triển khai, nhiều ý kiến cho rằng khu vực nội đô trong 1- 2 năm tới sẽ mở ra đến Vành đai 3,5, Vành đai 4 - sẽ bao gồm các huyện ngoại thành hiện nay. Nếu xác định Vành đai 3 để làm ranh giới để thu phí vào nội thành liệu có còn phù hợp? Đại diện HPTC cho rằng, do các quận trung tâm đang tập trung lưu lượng người và xe quá đông, trong khi đó khu vực ngoài Vành đai 3 thông thoáng nên phạm vi dự án xác định Vành đai 3 để thực hiện trong giai đoạn 2025 đến 2030 là phù hợp.

6 loại xe sẽ phải đóng phí

Ngoài lập danh sách 87 trạm thu phí sẽ được bố trí tại 68 vị trí, TRANCONCEN vừa có thuyết trình với Sở GTVT Hà Nội về đối tượng là phương tiện ô tô sẽ phải trả phí khi đi qua các trạm thu phí. Về các trạm thu phí, không phải xây dựng trạm (chỉ lắp điểm thu phí tự động), xe không phải dừng để trả phí và hệ thống sẽ tự động trừ tiền qua tài khoản thu phí không dừng của ô tô theo công nghệ nhận diện vô tuyến RFID và tự động nhận dạng biển số ANPR.

Đơn vị tư vấn cho biết, phương tiện phải chịu phí là ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường (trừ các phương tiện miễn phí theo quy định).

TRANCONCEN và HPTC đã đưa ra 4 loại phương tiện phải trả phí khi đi vào nội đô, gồm: Ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, xe taxi, xe tải, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách tuyến cố định.

Dự kiến không thu phí dịp cuối tuần

Dựa vào mức thu nhập của người dân, doanh nghiệp, khảo sát thực tế năm 2019, TRANCONCEN đưa ra các mức phí khác nhau. Đối với phí ngày thường (ngày làm việc trong tuần): Xe cá nhân dưới 9 chỗ và xe tải dưới 2 tấn có mức thu là 50.000 đồng/lượt; xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại trên 2 tấn có mức thu 30.000 đồng/lượt.

Tuy chưa có phân tích nào cho việc thu phí vào ngày nghỉ, ngày lễ nhưng đơn vị tư vấn đề nghị không thu phí vào các ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ vì trong các ngày nghỉ và ngày lễ, mức độ ùn tắc giao thông thấp hơn vào các ngày làm việc.

Với mức thu trên, cả TRANCONCEN và HPTC đã tính toán được tổng mức thu dự kiến tại 87 trạm thu phí cho từng giai đoạn. Giai đoạn 1 tổng thu sẽ là khoảng 1.067 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2 khoảng 1.577 tỷ đồng/năm, giai đoạn 3 khoảng 1.754 tỷ đồng/năm.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.