Cải cách Bảo hiểm Xã hội

Dù khó, BHXH Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu

Nghị quyết 28 đặt mục tiêu BHXH toàn dân. Ảnh: MH.
Nghị quyết 28 đặt mục tiêu BHXH toàn dân. Ảnh: MH.
TP - Nghị quyết 28 với mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân... Dù khó, nhưng BHXH Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết đặt ra.

Vì lợi ích người dân

Trước thực tế thực hiện chính sách BHXH còn một số khó khăn, hạn chế, tháng 5 vừa qua, Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết 28) đã được ban hành. Ngoài mục tiêu khắc phục những khó khăn, hạn chế thời gian qua, Nghị quyết 28 còn hướng tới mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, BHXH toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân...

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, Nghị quyết 28 đặt ra những quan điểm cải cách BHXH sâu rộng. Điều đó tất yếu tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt với những bộ, ngành liên quan, như yêu cầu về thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, thách thức cũng là cơ hội để các đơn vị liên quan thực hiện tốt hơn công việc của mình. “Nghị quyết 28 mang tới nhiều cơ hội cho người dân, với mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước về BHXH toàn dân, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội cho người dân khi hết tuổi lao động. Nếu chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết 28, chắc chắn quyền lợi người dân sẽ được tăng lên rất nhiều”, bà Minh nói.

Theo bà Minh, Nghị quyết 28 đưa ra lộ trình cải cách phù hợp với điều kiện nhất định của kinh tế - xã hội đất nước. Trong đó, yếu tố tiên quyết là nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tính ưu việt, ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH; những quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm, nâng cao như thế nào. “Dù khó khăn, nhưng BHXH Việt Nam tin tưởng, với nỗ lực, cố gắng của ngành sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra”, bà Minh khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bản chất của BHXH là trụ cột chính sách an sinh của Nhà nước, được Nhà nước quản lý và bảo hộ. Nguồn đầu tư của Quỹ BHXH phải bảo đảm tăng trưởng, phát triển và bảo tồn. Đặc biệt, một số người nghỉ lương hưu không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, Nhà nước sẽ có chính sách điều chỉnh lương hưu bảo đảm quyền lợi cho người dân. Do đó, theo ông Lợi, Nghị quyết 28 được ban hành mở ra nhiều cơ hội cho nền an sinh xã hội nước ta, đó là: Mọi người dân được tham gia hệ thống BHXH; hướng tới BHXH đa tầng… Tuy nhiên, theo ông Lợi, để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương tới địa phương.

Cần chính sách hỗ trợ tương ứng

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, để thu hút được nhóm lao động khu vực phí chính thức, cần tăng hỗ trợ của nhà nước với người tham gia BHXH. Tương tự như với bảo hiểm y tế, nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tham gia với nhóm hộ nghèo, đối tượng yếu thế, một số nhóm khác được hỗ trợ tới 70%...

Ngoài ra, ông Lợi cho rằng, cần giải pháp để ngăn chặn tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, vốn ưu tiên để dành cho tương lai khi hết khả năng lao động. Ông Lợi đề xuất, hiện người lao động đóng 8% và chủ sử dụng đóng 14% lương vào Quỹ BHXH, nhưng khi rút BHXH một lần, người lao động được nhận cả phần mình đóng và phần doanh nghiệp đóng vào quỹ. “Do đó, chúng ta phải điều chỉnh luật theo hướng, nếu hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được nhận phần tiền mình đóng góp, phần doanh nghiệp đóng sẽ đưa vào Quỹ BHXH để cân đối cho những người lương hưu thấp”, ông Lợi nói. Ngoài ra, theo Đại biểu Lợi, nhiều người rút BHXH một lần, nhưng sau muốn trả lại và đóng tiếp các năm còn thiều để hưởng lương hưu, nhưng luật không cho phép, nên theo vị Đại biểu Quốc hội trên, điều này cũng cần xem xét, sửa lại.

Trước những yêu cầu cải cách chính sách BHXH một cách toàn diện được Nghị quyết 28 đặt ra, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, cơ quan này đã quất tâm thay đổi, hoàn thiện để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra. Theo đó, việc đầu tiên BHXH Việt Nam thực hiện là triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28 trong toàn ngành. Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ thay đổi cách thực tuyên truyền về BHXH; tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt xúc tiến các Hiệp định song phương về BHXH. Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tổ chức chính sách BHXH để phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất, tạo tiện lợi tối đa trong các giao dịch với BHXH. Cùng đó, theo bà Minh, BHXH Việt Nam tiếp tục cải cách các quy trình nghiệp vụ theo hướng tối ưu hoá và đặc biệt là thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người dân, chủ sử dụng lao động, hướng tới sự hài lòng của người dân…

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính tới hết tháng 7/2018, cả nước có 13,94 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 230.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,89 triệu người tham gia BH thất nghiệp; 81,69 người tham gia BHYT. Trong 7 tháng đầu năm 2018, ngành BHXH đã giải quyết chế độ cho 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; hơn 5,7 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; có trên 100 triệu lượt người khám chữa bệnh bằng BHYT.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.