Du khách Trung Quốc tăng đột biến, người Campuchia không vui

Một cửa hàng bán đèn lồng Trung Quốc ở Phnom Penh. (Ảnh: SCMP)
Một cửa hàng bán đèn lồng Trung Quốc ở Phnom Penh. (Ảnh: SCMP)
TPO - Hơn 1,27 triệu du khách Trung Quốc đến Campuchia trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng không phải tất cả các chủ hàng kinh doanh địa phương đều vui vì điều này.

Tại Siem Reap, một trung tâm du lịch và là điểm đến cho những người muốn thăm khu đền Angkor Wat nổi tiếng, một số người địa phương đang kêu ca trước sự thay đổi hướng tới thị trường chủ yếu dựa vào du khách Trung Quốc.

Chị Channy Murphy, chủ quán bar Mad Murphy’s Irish Pub nằm không xa phố ăn chơi nổi tiếng của Siem Reap, nói rằng chị đang chứng kiến hiện tượng khách phương Tây dần biến mất.

Trong đầu những năm 2000, những thị trường du lịch hàng đầu của Campuchia chủ yếu là các nước phương Tây, với Mỹ, Pháp và Anh đứng hàng đầu. Giờ đây, lượng khách đó đang bị ấn át bởi du khách từ các nước khác như Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.

Năm ngoái, Campuchia đón 5 triệu khách, và ngành du lịch nước này đóng góp tới 32,4% GDP của cả nước. Campuchia có kế hoạch tăng lượng du khách lên 12 triệu vào năm 2025.
Khi đến thăm Phnom Penh vào tháng 1 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thảo luận các biện pháp thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc sang Campuchia hơn.

Chị Murphy cho biết theo kinh nghiệm của chị, du khách Trung Quốc thường đi theo nhóm và hiếm khi đi quá xa khỏi tuyến đã định trước. “Họ đặt khách sạn... mọi thứ đã được lên chương trình, vì thế họ ít khi tách khỏi đoàn”, chị nói.

Ông Bill Laurance, một nhà sinh thái học tại ĐH James Cook ở Úc và là người từng viết nhiều về tham vọng của Trung Quốc ở nước ngoài, đồng ý rằng du khách Trung Quốc có xu hướng không thích các doanh nghiệp địa phương.

“Kinh nghiệm của tôi là du khách Trung Quốc thường chỉ thích các doanh nghiệp do người Trung Quốc làm chủ và quản lý, dù là nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm hay đại lý lữ hành. Khi hoạt động ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng thích thuê người Trung Quốc làm việc bất kỳ chỗ nào có thể, thay vì thuê người địa phương”, ông Laurance nói. Vì thế, tiền từ hoạt động du lịch không chảy vào người Campuchia và chỉ luân chuyển trong tay người Trung Quốc.

Anh Him Samnang, một hướng dẫn viên du lịch của hãng lữ hành Angkor Focus Travel, cho biết du khách Trung Quốc có xu hướng chỉ chọn những khách sạn và nhà hàng do người Trung Quốc điều hành.

Bà Chhay Sivlin, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Campuchia, nói rằng thực tế này là do rào cản về ngôn ngữ và chính sách của chính phủ.

“Điều này là đúng vì người nước ngoài được phép sở hữu doanh nghiệp ở Campuchia, dẫn đến việc người Trung Quốc đổ đến đây để đầu tư nhiều loại hình kinh doanh. Do rào cản ngôn ngữ mà nhiều du khách Trung Quốc thích sử dụng dịch vụ của người nước họ hơn”, bà Chhay nói.

Tuy nhiên, bà Chhay cho rằng các doanh nghiệp do người Trung Quốc điều hành cũng mang lại tác động tích cực với Campuchia.

“Dù đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp địa phương nhưng nó cũng tạo thêm cơ hội việc làm cho những người Campuchia khác”, bà nói.

Sihanoukville, thành phố cảng ở bờ biển phía nam Campuchia, đang phát triển ồ ạt nhờ các ngành công nghiệp chế tạo, du lịch và đánh bạc nhờ tiền đầu tư của người Trung Quốc.
Nhưng sự tăng trưởng này cũng gây ra căng thẳng. Giá khách sạn tăng cao – hơn khả năng chi trả của hầu hết người dân Campuchia – và lượng du khách trong nước sụt giảm. Chính phủ Campuchia thậm chí còn đặt ra nhiệm vụ hạ nhiệt căng thẳng giữa các doanh nghiệp Campuchia và Trung Quốc.

Du khách Trung Quốc tăng đột biến, người Campuchia không vui ảnh 1 Quang cảnh quần thể đền Angkor Wat của Campuchia. (Ảnh: SCMP)

Năm 2006, Thủ tướng Hun Sen gọi Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy nhất” của Campuchia. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Campuchia.

Nhưng ông Laurance nói rằng hầu hết số tiền đầu tư đó chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ.

“Khi ra nước ngoài, các doanh nghiệp và nhà tài chính Trung Quốc có xu hướng làm việc với các quan chức cấp cao và các nhà làm luật của đất nước để đạt được điều họ muốn, có thể là khoáng sản, dầu, khí, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác”, ông nói.

“Họ không ngần ngại làm chuyện hối lộ và những việc tương tự, nên phần lớn giới tinh hoa giàu có mới được hưởng lợi”, SCMP dẫn lời ông Laurance.

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đã khiến nhiều người dân Campuchia khó chịu. Trong đời sống hàng ngày, người dân thường xuyên phàn nàn về người Trung Quốc, và những câu chuyện về người Trung Quốc phạm tội và cư xử không đúng mực xuất hiện nhan nhản trên báo chí địa phương. Con số thống kê của cảnh sát Campuchia đưa ra gần đây cho thấy, trong số 378 người nước ngoài bị bắt trong nửa đầu năm 2018 thì có 257 là người Trung Quốc.

Đầu tư và du khách Trung Quốc vẫn mang lại nguồn thu nhập lớn cho Campuchia. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể là nguồn thu nhập chính lâu dài. Ông Chhay Sarath, phó vụ trưởng vụ đầu tư du lịch thuộc Bộ du lịch Campuchia, cho biết chính phủ nước này đang muốn đa dạng hóa thị trường du lịch, để tránh bị phụ thuộc vào chỉ một thị trường.

Bộ Du lịch Campuchia gần đây tìm cách thu hút du khách từ các nước khác như Thái Lan và Nhật Bản. Nhưng đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất cho ngành du lịch Campuchia.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.