Vụ việc xảy ra vào khoảng 8h ngày 15/8 tại thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk khi bà Nguyễn Thị Thọ (trú tại thôn 6, xã Hòa Lễ) đi làm, tự mình đu dây qua sông Krông Ana để sang bờ bên kia. Đu được một đoạn khoảng 10 mét thì không may bánh xe trên đầu dây cáp bị trượt khiến bà rơi xuống mép sông. Ông Nguyễn Chua - chồng bà Thọ, cho biết: “1 giờ sau thời điểm xảy ra tai nạn, người dân mới phát hiện vợ tôi nằm bất động dưới mép sông vì lúc ấy mọi người đều đã qua bên sông làm việc. Rất may là bà ấy rơi xuống mép sông có nhiều cát, nếu rơi xuống nước thì đã chết vì bà ấy không biết bơi. Bà ấy bị hôn mê sâu, khi tỉnh dậy mới biết mình đang nằm trong bệnh viện. Hiện tại, toàn thân bà ấy đau ê ẩm và đa chấn thương ở vai, cổ, bị chệch quai hàm, mẻ nhẹ đốt sống số 4 và bị đau ở vùng bụng”.
Hiện trường nơi xảy ra tai nạn, khoảng cách nơi bà Thọ dùng dây đu qua sông và lòng sông là khoảng 10 mét. Trước đó, cách đây khoảng 2 năm cũng xảy ra vụ đứt cáp khiến ông Nguyễn Ngọc Phương (47 tuổi, trú thôn 2) bị thương ở lưng phải đi cấp cứu và điều trị hơn 1 năm mới đi lại được.
Đoạn sông trên địa bàn xã Hòa Lễ có hàng chục điểm đu dây nguy hiểm, là phương tiện để cả ngàn hộ dân của xã này qua vùng canh tác bên kia sông. Để vận chuyển được nông sản về nhà, họ chỉ còn biết đánh cược mạng sống của mình với thủy thần.
Những tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thậm chí khi đu vào gần bờ người đàn ông này cũng có thể bị văng cáp khiến mình rơi vào bụi cây, cọc ở phía dưới.
Không chỉ có người lớn qua sông, tại Hòa Lễ những gia đình có rẫy bên kia sông, con em họ là học sinh cũng phải liều mình đu dây để phụ giúp gia đình. Em Lê Văn Hoàng, học sinh lớp 7 trường THCS Hòa Lễ dù biết trước những nguy hiểm rình rập nhưng vẫn phải liều mình đánh đu trước miệng hà bá để qua bên kia sông phụ giúp bố mẹ thu hoạch nông sản.
Vì miếng cơm manh áo, không ít phụ nữ cũng phải đu dây qua sông để làm việc.
Có khi tính mạng của cả hàng chục người cùng một lúc bị đe dọa. Ông Lê Văn Bình, thôn phó thôn 6, xã Hòa Lễ cho biết, vào thời điểm mùa vụ tại các bến mỗi ngày có tới vài trăm người phải đu dây để qua sông làm việc. Với số lượng người lớn như vậy, họ phải chờ rất lâu mới có thể qua sông nên có khi cả tụm năm, tụm bảy cùng ngồi vào chiếc lồng sắt rồi đu qua sông.
Lúc cao điểm có rất nhiều người đợi chờ để được qua sông.